Tận tâm với bóng đá “phủi”

Thứ Tư, 27/01/2016, 23:05
Danh xưng Nguyễn Hồng Hải có thể lẫn với vô vàn những cá nhân khác, nhưng xưng tên Hải "bạc" hẳn không ít người "ô, a" liên tưởng ngay đến bình luận viên bóng đá "phủi" nức tiếng trên các sân cỏ nghiệp dư.


Gần như suốt cả thời hoa niên của mình, Hải "bạc" đã "ăn bóng đá, ngủ bóng đá", vui buồn sướng khổ cùng trái bóng, tận tâm tận lực gây dựng, liên kết bóng đá phong trào, để các giải phong trào Hà Nội ngày một đi vào quy củ, thu hút công chúng rộng rãi, thậm chí có lúc còn  tưng bừng ăn đứt giải đấu chuyên nghiệp...

Giải bóng đá "ngoại hạng phủi" Hà Nội năm 2015 đã đến mùa thứ 3 với số đội tham gia kỉ lục và đặc biệt, lượng người xem kỷ lục hơn nữa. Đều đặn mỗi chiều chủ nhật, sân vận động Học viện An ninh (C500) có cả 4.000 – 5.000, thậm chí nhiều nữa người tới tham dự, những con số mà ngay các đội chuyên nghiệp ở V League cũng phải thèm thuồng, nhất là trong bối cảnh khán đài các trận đấu ở giải vô địch quốc gia mỗi ngày một thêm vắng ngơ vắng ngắt. 

Thắc mắc sao dân tình lại vồ vập với bóng đá phủi, Hải "bạc" hào hứng: "Đơn giản bởi ở mỗi trận đấu người ta được xem bóng đá thật, các cầu thủ đá thật, thắng thua thật chứ không phải những sự dàn xếp có dụng ý"... Dường như để dễ hiểu  thêm cho sự băn khoăn của những ai ngoại đạo, Hải "bạc" cởi mở: "Trước đây tổ chức giải, có khi ban tổ chức phải thuê sân. Nhưng giờ nhiều sân lại chủ động mời gọi mở cửa miễn phí, vì mỗi trận đấu, họ cũng thu được một số tiền đáng kể từ phí trông xe, bán nước... Điều đấy chứng tỏ người hâm mộ đã tới rất đông".

Qua ba mùa thi đấu, ngoại hạng phủi do Hải "bạc" và đồng đội của mình tổ chức vui, phấn khích đến độ chính giới truyền thông cũng phải ngạc nhiên trầm trồ. Thực ra mỗi năm, có tới hàng chục, hàng trăm giải bóng đá phong trào. Cũng bởi mê bóng đá, thích đá bóng gần như là thuộc tính (đáng yêu) của đàn ông Việt. Vài anh em ở cơ quan này, cơ quan kia lập đội, sau giờ làm việc đeo giày chạy nhảy trên sân, lấy sự thư giãn khỏe mạnh làm đầu, rồi chính những đội ấy có nhu cầu thi đấu đối kháng, gọi là vui, thêm động lực, hoặc hoành tráng hơn đứng ra tổ chức giải để tăng sự hấp dẫn. 

Hải "bạc" chính là nhân tố giúp các giải đấu phong trào ấy bớt đi tính tự phát, để được vận hành bài bản, khoa học và hợp lý, đích thực mang lại niềm vui, sự hưng phấn cho một nhóm, một cộng đồng. Từ Trung ương đoàn, khối ngân hàng, khối ngành xây dựng..., uy tín của Hải "bạc" khiến rất nhiều các cơ quan ban ngành tìm đến anh, nhờ đứng ra tổ chức hoặc tư vấn các nội dung liên quan. Anh đã thành "một phần tất yếu của cuộc sống",  tất cả những gì có dính líu đến bóng đá phong trào, đều quăng mình ra làm một cách hồn nhiên, không vụ lợi...

Mê bóng đá từ nhỏ, bé cỏn con đã quen tên thuộc mặt không thiếu một cầu thủ huấn luyện viên nào cả ở trong nước và nhiều nước trên thế giới, trò chơi yêu thích nhất của cậu bé Hải là cuốn quyển sách lại làm micro, oang oang tường thuật một trận đấu giả tưởng, mặc kệ bố mẹ và các chị ai nghe thì nghe không nghe cũng không còn cách nào khác. Thuở học trò, thi thoảng chị gái mang sách về cho, Hải chỉ một mực yêu cầu sách bóng đá. Có quyển vở nào cũng lôi ra ghi ghi chép chép thông tin tất tần tật về trái bóng tròn. 

Ông bầu Hải “bạc” tặng hoa, động viên các cầu thủ.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, hành nghề lập trình một thời gian, cả kinh doanh máy tính phát đạt, nhưng nỗi niềm bóng đá vẫn nằm lòng trong con người kỹ sư Nguyễn Hồng Hải. Thời gian tròm trèm mười mấy hai chục năm trước, khi báo Bóng đá mới ra đời, có các câu lạc bộ liên kết người hâm mộ. Hải tất nhiên không bỏ lỡ. Rồi chính những câu lạc bộ ấy nhạt dần, cũng là lúc Hải nhờ kiến thức tin học của mình, đã lập ra forum bóng đá cùng tập hợp những người chung sở thích. Forum bóng đá trở thành diễn đàn bóng đá (mạng) gần như lớn nhất nước. 

Nhiều năm liền, Hải mòn chân ở các trận đấu phủi, kiêm luôn nhiệm vụ bình luận. Toàn bỏ tiền túi làm việc bao đồng, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", Hải "bạc" được ghi nhận như nhân tố tích cực, nhiệt tình và hiệu quả tham góp khiến bóng đá phủi ngày một có vị trí, gây được thanh thế không chỉ trong môi trường thể dục thể thao mà ngay cả đời sống xã hội. 

Thích bóng đá dù thừa hiểu không có năng khiếu... đá bóng, không đủ tố chất thành cầu thủ, Hải hiến thân cho bóng đá theo cách riêng mình. Biệt danh "máy hát" cũng ra đời từ đấy. Và từ những sân phủi ấy, mái đầu bạc (sớm) của Hải (nay đã được cạo nhẵn thín) khiến nick name "bạc" đã thành quá đỗi quen thuộc với tên Hải, mãi rồi tất cả mọi người đều nhất loạt gọi anh như thế. Hải "bạc" chạy chỗ này xoay chỗ kia, kết nối các đội bóng đang "đơn thân" để thành trận đấu, anh có công lớn thúc đẩy nhộn nhịp, sinh động hơn bóng đá phong trào ở Hà Nội.

Có năng lực tổ chức lại sẵn tư duy khoa học, mạch lạc, Hải "bạc" đã thành ông "bầu" mát tay, hào hiệp cho các sân cỏ ngoài chuyên nghiệp. Chiêm nghiệm vui "Hà Nội cái gì cũng lạ, quy định quốc tế bóng đá có sân 5 người và 11 người, mình Hà Nội sáng tạo ra sân... 7 người. Vậy nên muốn tham gia thi đấu quốc tế cũng khó vì không biết áp dụng luật nào", Hải nói rồi tự cười, như tự khỏa lấp trấn an cho vô vàn những khó khăn mà anh phải đối diện để được sống, làm việc hết mình với đam mê mãnh liệt.       

Không dừng lại ở một cuộc chơi ngẫu hứng, Hải "bạc" đang dần quy mô nghiêm túc hóa các hoạt động của bóng đá phủi. 

Tự tâm niệm thể thao thành tích cao không thể phát triển nếu không có chân trụ vững vàng, bàn đạp năng động là thể thao phong trào, Hải "bạc" cùng nhiều, rất nhiều những người "vô danh" như mình, đang lầm lụi cống hiến mà không đòi hỏi bất kỳ một sự ghi nhận, xưng công. Anh và những người bạn cùng chí hướng vừa thành lập Công ty cổ phần phát triển bóng đá, điều hành xây dựng quản lý chuỗi 500 sân cỏ nhân tạo theo tiêu chuẩn FIFA, cũng để tạo ra những sân chơi lành mạnh, an toàn bổ ích cho số đông người hâm mộ. 

Hải "bạc" mỗi ngày lại qua, vẫn dành trọn tâm sức mình cho bóng đá "phủi", như một sự tri ân với Hà Nội, tri ân với bóng đá và những cổ động viên cuồng nhiệt, những người là minh chứng cho chân lý, cổ động viên không bao giờ rời bỏ bóng đá, chỉ tẩy chay một thứ bóng đá "bẩn", và luôn theo đuổi bóng đá sạch, bóng đá cống hiến, dù đó chỉ là những cầu thủ nghiệp dư không số má, những đội bóng tập hợp từ các cơ quan phố xóm cùng các giải đấu phủi, theo cách gọi dân dã, yêu thương nhất của bóng đá phong trào...

Khánh Lam
.
.
.