Phía sau họ là tổ ấm yêu thương
Tính tới thời điểm này, kết quả huy chương của cả 3 người họ đã trọn đủ một bộ cho đoàn Việt Nam (Công giành 1 huy chương vàng, Tùng giành 1 huy chương bạc, Hùng giành 1 huy chương đồng).
Thăng hoa và vui tươi tại Rio de Janeiro (Brazil) là thế, nhưng từng người ở cuộc sống gia đình sau thi đấu luôn đầy nỗ lực và tình yêu thương.
Rào cản nào cũng vượt qua
Với bất kỳ gia đình nào có con em lành lặn đều không mong muốn tương lai sẽ có chàng rể, nàng dâu là người khuyết tật. Chuyện tình cảm giữa chàng lực sĩ Lê Văn Công (giành huy chương vàng lịch sử tại Paralympic 2016) với vợ mình, chị Chu Thị Tám, luôn được nhắc như một giai thoại.
Mọi người vẫn nhớ, ngày Lê Văn Công mới vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp rồi tập thể thao ở khu Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), chàng trai này thường di chuyển bằng xe lăn và rất ít nói. Nhưng rồi, Công đã nảy nở tình yêu đôi lứa với cô gái Chu Thị Tám trong một lần qua chơi nhà bạn. Lâu dần, họ trò chuyện, hợp nhau và nảy sinh tình cảm.
Hiểu thông được hoàn cảnh để hướng về một con đường chính là điều mà Lê Văn Công cùng bạn gái tính chuyện hôn nhân nghiêm túc. Chị Tám từng chia sẻ “khi đó là năm 2008, lúc tôi báo với gia đình và đưa ra mắt nhưng gặp sự phản đối của gia đình.
Vợ chồng lực sĩ Lê Văn Công luôn thương nhau hết lòng. |
Khó thuyết phục vô cùng nhưng cả tôi và anh Công đều quyết tâm đến với nhau và cùng lựa thời gian thích hợp để thưa chuyện hôn lễ với cha mẹ”. Tính tình của chàng rể Lê Văn Công như thế nào, càng về sau, gia đình chị Tám hiểu rõ hơn.
Mẹ ruột của chị Tám đang sống chung cùng vợ chồng con gái nên tiếp xúc hàng ngày, quý trọng tình cảm của Công dành cho con mình. Chỉ qua câu chữ vẫn khó diễn tả sự gian khó khi họ phải vượt định kiến xã hội và rào cản gia đình để nên nghĩa vợ chồng.
Một chi tiết thú vị là trước khi Công đủ tự tin về Nghi Lộc (Hà Tĩnh) – quê bạn gái Chu Thị Tám – ra mắt, chàng lực sĩ đã đoạt huy chương vàng tại ASEAN Paragames 2007 và một chiếc huy chương bạc châu Á. Thi đấu gian khó mình còn vượt được huống hồ ra mắt nhà bạn gái để tính chuyện trăm năm thì bắt buộc phải thành công. Sự quyết tâm ấy đã thôi thúc Lê Văn Công mạnh mẽ lên hơn.
Kết hôn rồi, cả 2 còn phải ở trọ trong căn phòng chật chội 10m2 tại TP Hồ Chí Minh. Thời gian đó đã lùi xa, vợ chồng gia đình anh Công chị Tám giờ đã về Đức Hòa (Long An) sinh sống được 2 năm nay, trong tư gia khang trang hơn.
“Tiền tích góp từ thi đấu và sự chuẩn bị của hai vợ chồng nên chúng tôi đã xây được căn nhà nhỏ. Miếng đất 100m2 được vợ chồng mua rồi cất căn nhà để sống ổn định.
Nó là thành quả sau nhiều khó khăn của vợ chồng nhưng quan trọng là cả hai quyết tâm nên rồi cũng vượt qua được”, chị Tám từng giãi bày. Tuy nhiên, hạnh phúc nhất với họ là con trai Lê Tuấn Anh và con gái Lê Trâm Anh kháu khỉnh thông minh.
“Bố mẹ đã trải qua khó khăn nhưng hai vợ chồng đều quyết tâm để các con ăn học cái chữ nên người và có một công việc tốt tương lai. Con cái thành công thì cả tôi và anh Công đều mãn nguyện quên hết mọi khó khăn”, chị Tám kể.
Chị - em nên nghĩa vợ chồng
Hai vợ chồng tuyển thủ Cao Ngọc Hùng đều là vận động viên thể thao người khuyết tật. Chồng là cao thủ ném lao thì vợ (vận động viên Nguyễn Thị Hải) thi đấu môn này mạnh không kém. Chuyện tình cảm giữa Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải là câu chuyện cổ tích và giới vận động viên người khuyết tật ai cũng rõ.
Giống nhiều vận động viên thể thao người khuyết tật trong đội tuyển Việt Nam, họ có số phận không may mắn khi bị bại liệt từ nhỏ. Ngày đầu biết nhau, cả 2 cùng sinh hoạt tại câu lạc bộ mái ấm tình thương An Bình (TP Hồ Chí Minh).
Chị Hải thuộc lứa đàn chị vì nhiều hơn cậu em Cao Ngọc Hùng... 5 tuổi. Nhưng, điều đấy không gây khoảng cách. Từ câu lạc bộ, Hùng và Hải được mách tới Trung tâm thể thao quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) tập thể thao khỏe hơn.
Cứ thế, Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải rủ nhau đi tập môn điền kinh ở nội dung ném lao và được vào đội tuyển thi đấu. Gần 10 năm tập cùng rồi vô tình một ngày, họ thấy tình cảm nảy nở trở thành tình yêu đôi lứa.
Năm 2014, Hùng và Hải kết hôn. Hôn lễ của họ quá nhiều hân hoan vì những bạn bè, huấn luyện viên, vận động viên của làng thể thao người khuyết Việt Nam góp mặt chung vui đủ cả.
Giờ, chàng tuyển thủ 26 tuổi này đã làm nên lịch sử cho điền kinh thể thao người khuyết tật tại Paralympic. “Tôi và vợ mình vẫn đang nỗ lực tập, thi đấu để có thành tích, có thưởng. Chúng tôi đặt mục tiêu góp tiền mua căn nhà riêng sống ổn định.
Vợ cùng 2 con nhỏ đang ngóng tôi trở về từ Brazil. Tôi giành tặng tấm huy chương đồng Paralympic của mình cho người thân”, Cao Ngọc Hùng đã chia sẻ.
Tấm huy chương tôi dành tặng con trai sắp chào đời “Tôi đã quyết tâm giành huy chương khi tham dự Paralympic này. Tấm huy chương bạc của tôi là nỗ lực của bản thân và thành quả chung của những vận động viên thể thao người khuyết tật. Tôi mừng lắm. Huy chương này tôi sẽ dành tặng con trai sắp chào đời của mình. Về sau, khi ra đời, cháu sẽ biết được bố mình đã thi đấu và có được thành quả như thế nào”, gương mặt đầy xúc động của Võ Thanh Tùng đã được ống kính truyền hình ghi lại trong chia sẻ ngay tại Rio de Janeiro. Vận động viên thể thao người khuyết tật Võ Thanh Tùng giờ đã có mái ấm riêng cùng người vợ duyên dáng Trúc Phương và cuộc sống ổn định trong căn nhà nhỏ trên con đường Lê Hồng Phong (thành phố Cần Thơ). Để có được căn nhà sinh sống ổn định, Thanh Tùng đã nỗ lực thi đấu và bươn chải trong công việc gom góp tiền mua. Hôn lễ của họ đã hơn 1 năm. “Thành quả” của tình yêu thương ấy giờ là cậu con trai sắp chào đời (dự sinh trong tháng 11 năm nay) và Thanh Tùng sẽ đặt tên con là RIO. (D.P) |