Những ngoại binh vang bóng một thời của bóng đá Hải Phòng

Chủ Nhật, 19/04/2020, 08:43
Cầu thủ ngoại đã trở thành một phần lịch sử của bóng đá Việt Nam kể từ ngày bước lên sân chơi chuyên nghiệp, và CLB Hải Phòng cũng không phải ngoại lệ. Nhẩm tính trong 20 năm, qua đội bóng đất Cảng đã tiếp nhận khoảng... 100 cầu thủ ngoại, nhưng chỉ rất ít người trong số họ để lại ấn tượng.


Từ "hàng tuyển"...

2008-2010 là giai đoạn hoàng kim trong lịch sử bóng đá Hải Phòng, và đó cũng là thời gian họ sở hữu ngoại binh hay nhất nhì lịch sử V.League: Leandro. Với bản lý lịch từng khoác áo U23 Brazil (dù chỉ thi đấu ở vị trí hậu vệ), anh là mục tiêu được đội bóng thành phố Cảng săn đón ngay khi người đại diện "chào hàng" cầu thủ này tại Việt Nam.

Leandro không mất nhiều thời gian chứng minh bản thân tại sân chơi V.League. Anh không thi đấu bền bỉ như Hoàng Vũ Samson, không ghi bàn nhiều như Đỗ Merlo, không thể hiện thái độ gương mẫu như Philani, nhưng có một điểm khiến Leandro vượt xa những cái tên kia để trở thành một hiện tượng ở bóng đá Việt Nam: Khả năng kéo khán giả đến sân.

Mulisa Jimmy (bên phải) từng là tuyển thủ, rồi HLV trưởng ĐTQG Rwanda.

Người hâm mộ bóng đá Hải Phòng những năm đó không chỉ đến sân xem đội bóng thành phố thi đấu, họ còn đến để chứng kiến Leandro nhảy múa với trái bóng. Cao lớn, điển trai, lại chơi bóng thông minh, Leandro mê hoặc 3 vạn người ngồi kín 4 khán đài sân Lạch Tray theo từng cử động của anh. Mỗi cú sút, mỗi đường chuyền, mỗi bước chạy của Leandro đều toát lên hình ảnh một người nghệ sĩ đích thực trên sân cỏ.

Cú sút phạt không tưởng từ cự ly 40 mét vào lưới SLNA của Leandro là thước phim về anh được xem đi xem lại nhiều nhất, nhưng đó không phải khoảnh khắc đẹp duy nhất về Leandro trong màu áo Hải Phòng. Anh truyền cảm hứng cho đồng đội và CĐV bằng những pha biểu diễn kỹ thuật như giật gót, vẩy má ngoài, thậm chí lắc hông khiêu khích đối thủ khi dẫn bóng câu giờ ở góc sân.

3 năm đáng nhớ của Leandro tại Hải Phòng giúp anh đến giờ vẫn được nhắc đến như một vị vua tại sân Lạch Tray. Nhưng anh không phải ngoại binh tầm cỡ duy nhất đến CLB trong thời kỳ đó. Sát cánh bên cạnh Leandro trong 2 năm đầu tiên là người đồng hương Elenildo de Jesus. Với bản lý lịch từng giành ngôi Vua phá lưới tại V.League 2006, De Jesus mới là người được trao áo số 10 ở Hải Phòng khi anh ra Bắc thi đấu.

Bộ đôi Leandro - De Jesus giúp Hải Phòng chiếm ngôi đầu gần như cả mùa V.League 2008 trước khi sảy chân ở những vòng đấu cuối. Năm đó De Jesus ghi tới 17 bàn, xếp thứ 3 trong cuộc đua Vua phá lưới. Chỉ tiếc là ở mùa giải tiếp theo anh không còn giữ được phong độ cao nữa. Thay thế họ là Vua phá lưới V.League 2009 Lazaro và tiền vệ Aniekan. Nhưng cuối cùng sự kết hợp này còn tệ hơn.

Dù Hải Phòng giành ngôi Á quân V.League 2010, Lazaro gần như mất hút trên hàng công, còn Aniekan được nhắc đến chủ yếu vì những lần đánh nhau với đồng đội trên sân tập. Đỉnh cao thất bại vì tin vào ngoại binh "hàng tuyển" của Hải Phòng đến vào năm 2012. Họ chiêu mộ bộ ba ngoại binh từng giúp SLNA vô địch V.League 2011 là Kavin, Fagan và Ansah. Cuối cùng CLB kết thúc mùa giải ở vị trí bét bảng.

... Đến "hàng dạt"

Những bản hợp đồng thất bại với Trindade, Lazaro hay Kavin cho thấy không phải lúc nào chiêu mộ ngoại binh "hàng tuyển" cũng là giải pháp tốt với Hải Phòng. Cộng thêm việc CLB không còn được tài trợ nhiều như trước, Hải Phòng không còn dùng tiền bạc cạnh tranh ngoại binh với các CLB khác nữa. Thay vào đó, họ tuyển mộ "Tây" cả trong lẫn ngoài nước.

"Hàng dạt" đầu tiên cập bến Hải Phòng là Antonio Carlos, chân sút lừng danh từng nhiều năm gắn bó với Đồng Tâm Long An. Antonio đầu quân cho CLB khi đã 34 tuổi nhưng vẫn có những đóng góp đáng kể trong mùa giải cuối cùng gắn bó với bóng đá Việt Nam. Năm tiếp theo Hải Phòng có Fagan. Từ vị thế "hàng tuyển", cầu thủ này sau mùa giải 2012 bị Hải Phòng thanh lý hợp đồng và về nước thi đấu.

Trở lại V.League vào năm 2014 như một cầu thủ "hàng dạt", Fagan bất ngờ chơi hay ngoài sức tưởng tượng khi không còn được cưng chiều như một ngôi sao nữa. Anh chính là người ghi bàn quyết định giúp Hải Phòng vô địch Cúp Quốc gia 2014 rồi sau đó tiếp tục gắn bó với thành phố Cảng nhiều năm sau. Anh thậm chí còn được chọn làm đội trưởng vì được lòng các đồng đội cũng như khả năng nói tiếng Việt trôi chảy.

Bên cạnh Fagan, một người đồng hương Jamaica khác đến Hải Phòng trong phận "hàng dạt" là Errol Stevens. Cầu thủ trước đây từng bị Hà Nội ACB từ chối ký hợp đồng vì "không biết đá bóng" trở thành ngoại binh xuất sắc nhất Hải Phòng sau kỷ nguyên Leandro. Màn trình diễn của Stevens tại V.League còn giúp anh được gọi lên đội tuyển Jamaica thi đấu giao hữu với Hàn Quốc.

Thành công với việc chiêu mộ "hàng dạt", CLB Hải Phòng tiếp tục duy trì thói quen mua sắm này ở V.League 2020. Joseph Mpande được đưa về từ một CLB tầm trung ở giải VĐQG Myanmar. Diego Silva trước đây chơi làng nhàng ở Đồng Tháp. Claudecir Junior từng là ngoại binh hay nhất V.League nhưng chỉ ghi đúng 1 bàn hồi năm ngoái.

Nhưng với những con người như thế Hải Phòng vẫn đang chơi hay, đặc biệt là Mpande. Cú nã đại bác của anh vào lưới Thanh Hóa ở vòng 1 V.League 2020 là một bàn thắng đẳng cấp thế giới: đỡ bóng bằng ngực, tâng bóng bằng đùi trái ròi vô lê ngoài vòng cấm bằng chân phải. Mpande hay Fagan, Stevens cho thấy hóa ra để thành công ở V.League, có lý lịch tốt chưa hẳn đã hay!

Vô danh ở Hải Phòng, thành danh ở trời Âu

Rất ít CĐV Việt Nam nhớ đến Gilberto Fortunato, cầu thủ từng chơi một thời gian ngắn cho Hải Phòng ở V.League 2013. Nhưng hóa ra đội bóng Việt Nam lại trở thành bệ phóng giúp tiền đạo người Brazil tìm đường sang châu Âu chơi bóng. Anh từ chối gia hạn hợp đồng với Hải Phòng đầu năm 2014 để khoác áo Tirana, CLB giàu truyền thống nhất lịch sử bóng đá Albania. Sau này Gilberto còn đầu quân cho Gwangju FC ở giải VĐQG Hàn Quốc. Hiện anh đang thuộc biên chế CLB Drita ở Bolivia.

Nhưng so với Gilberto, thành tích sau khi rời Hải Phòng của ngoại binh có tên Mulisa Jimmy còn ấn tượng hơn nhiều. Khoác áo đội bóng thành phố Cảng ở V.League 2005, anh từng có mặt trong đội hình ĐTQG Rwanda thi đấu ở vòng loại World Cup. Jimmy cũng chỉ chơi bóng ở Việt Nam một mùa giải để chuyển sang châu Âu thi đấu, nơi anh đầu quân cho hàng loạt CLB Bỉ. Sau ngày giải nghệ, Jimmy được bổ nhiệm làm HLV tạm quyền ĐTQG Rwanda khi mới 32 tuổi!

Cẩm Chi
.
.
.