Cửa nào cho Phượng?

Thứ Sáu, 02/10/2015, 08:10
Tin vui liên tiếp đến với Công Phượng, từ việc được đưa sang Nhật chơi bóng lẫn được gọi vào Đội tuyển Quốc gia bằng vé vớt. Vấn đề là ở hai cái cửa rất khó ấy, Phượng rồi sẽ thể hiện mình ra sao?


Khi hay tin Phượng sang Nhật chơi bóng, nhiều người lập tức nghĩ đến chuyến Đông du của Lê Công Vinh 2 năm về trước. Chuyến Đông du mà như nhận xét của chính Công Vinh thì nó dễ chịu hơn và thú vị hơn hẳn chuyến Tây du sang giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha năm 2009. Lý do là trong màu áo Lexoies tại nước Bồ, Công Vinh phải đối diện với cảm giác biệt lập, cô đơn giữa một chùm các cầu thủ không cùng kênh với mình, còn trong màu áo Sappro, anh được chia sẻ và đón nhận một cách chân tình. 

Sở dĩ có điều này là vì Công Vinh sang Bồ chủ yếu nhờ mối quan hệ cá nhân của cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Calisto, còn Công Vinh sang Nhật một phần còn để người Nhật phát triển mục tiêu quảng bá thương hiệu sản phẩm tại Việt Nam.

Có thể tin rằng người Nhật rồi cũng đón Công Phượng niềm nở hệt như đón Công Vinh, bởi có thể tính thương mại trong vụ việc của Phượng không lớn bằng Vinh nhưng bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản nói chung đang trong quãng thời gian hợp tác cực kỳ tốt đẹp. 

Triển vọng của Công Phượng ở Nhật nhiều khả năng cũng thuận, vì đội bóng mà Phượng đầu quân chỉ đá ở giải hạng 2 Nhật Bản, và đòi hỏi của cái giải hạng 2 ấy có lẽ cũng không quá cao, quá xa đối với một cầu thủ vừa thu được cả bồ kinh nghiệm sau lần đầu chiến chinh V.League.

 
HLV Miura liệu có thay đổi cách sử dụng Công Phượng ở ĐTQG? Ảnh: H.M .

Nhưng theo các chuyên gia bóng đá thì Phượng sẽ gặp phải một cái khó lớn, đó là tư duy bóng đá của người Nhật trong khoảng 10 năm nay mang màu sắc nhanh - khoẻ - thực dụng châu Âu, chứ không quá chú trọng đến yếu tố kĩ thuật như trước đó. Mà Công Phượng lại là mẫu tiền đạo mạnh về kĩ thuật, thậm chí vẫn có thói quen lạm dụng kĩ thuật một cách ích kỷ, quá đà.

Sự đụng chạm, va vấp này thì Phượng đã trải qua với chính ông thầy Nhật Toshiya Miura của Đội tuyển Việt Nam. Tính đến lúc này, Phượng đã được ông Miura gọi vào Đội tuyển chuẩn bị cho trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên trước thềm AFF Suzuki Cup và trận đấu với CLB lừng danh Man City cách đây ít lâu. Vấn đề là Phượng chỉ được ra sân vài phút cuối trận đấu với Man City, khi mọi thứ coi như đã an bài. 

Lý do không chỉ nằm ở việc Phượng vẫn còn là một cầu thủ quá trẻ, và quá thiếu kinh nghiệm cọ xát đỉnh cao so với những đàn anh ở Đội tuyển, mà nằm ở chỗ kiểu đá bóng cá nhân của Phượng không lọt vào mắt một ông thầy mang tư tưởng "bóng đá 2 chạm" như thầy Miura. Ở SEA Games 28 vừa qua, khi Phượng được ra sân đá chính trong màu áo ĐT U.23 thì yêu cầu số 1 mà ông Miura đặt ra cho Phượng cũng là phải đá nhanh, đá đồng đội nhiều hơn.

Những ngày này thì Phượng đang cùng ĐT Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho hai trận đấu quan trọng với Thái Lan và Iraq tại vòng loại World Cup 2018 - hai trận đấu mà ĐT Việt Nam cần tích điểm để nuôi cơ hội tiếp tục cuộc chơi. Nhiều người tin rằng với sự hiện diện của Công Vinh, Văn Quyết, Hồng Quân, và những tiền đạo vừa có một mùa bóng ấn tượng ở V.League như Đình Tùng, Văn Thắng, khả năng ra sân của Phượng là cực thấp.

Thế thì ông Miura gọi Công Phượng lên Tuyển vào phút chót để làm gì? Phải chăng là để tạo ra hấp lực với truyền thông, khán giả trong 2 trận đấu mà VFF quyết định phát hành vé vào sân với mức không rẻ như nhiều người tưởng tượng? Trước thềm SEA Games 28, đã có thông tin cho rằng VFF "giữ" Phượng trong trận giao hữu U.23 Việt Nam - Quảng Ninh cũng vì mục đích tạo sức hút với khán giả Quảng Ninh (?).

Với bất luận hoàn cảnh nào cũng mong là Phượng đủ khả năng để nhận chân những vận động xung quanh mình, từ đó biết tích luỹ kinh nghiệm một cách tốt nhất cho mình. Bằng không, một thoáng lên Tuyển hay một thoáng sang Nhật rồi sẽ khiến Phượng đối diện với những cảm xúc, những nỗi niềm không như ý!

Có thể hoãn sang Nhật, nếu...

CLB Mito - CLB vừa đạt đươc thoả thuận với Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) về việc đưa Công Phượng sang khoác áo vào năm tới hiện đang đứng thứ 20/22 đội tại giải hạng 2 Nhật Bản. Hiện tại họ đang được 36 điểm, có khoảng cách lần lượt 5 và 6 điểm với 2 đội cuối bảng. Nếu khoảng cách này bị xoá nhoà trong những vòng đấu tới thì CLB Mito đối diện với khả năng xuống hạng (2 đội cuối bảng phải xuống thi đấu ở giải hạng Ba), và theo một nguồn tin từ phía HA.GL thì trong trường hợp này nhiều khả năng chuyến sang Nhật của Công Phượng sẽ bị gác lại. Lý do là: "Ban lãnh đạo muốn Phượng thi đấu ít nhất ở giải hạng 2 Nhật Bản để còn cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm, chứ không phải những hạng đấu có trình độ và chất lượng yếu hơn" - một lãnh đạo CLB cho hay.

Ngọc Anh  

Hiếu Hà
.
.
.