"Cô gái vàng" làng bơi và kỳ vọng SEA Games 31
- Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: Thêm một nấc và còn nhiều nấc nữa!
- Đại úy Nguyễn Thị Ánh Viên - Niềm tự hào của thể thao Việt Nam
Phá kỷ lục mới lạ
Tại Giải vô địch bơi toàn quốc – 2020, Nguyễn Thị Ánh Viên giành 12 HCV cá nhân, 2 HCV đồng đội. Cô chỉ thất bại trong cuộc đua tới ngôi vô địch nội dung bơi bướm cá nhân (cự ly 100m và 200m trước Lê Thị Mỹ Thảo của Bình Phước, cự ly 50m trước Phạm Thị Vân của Thanh Hóa) và cự ly 4x100m tự do nữ. Trong đó, thất bại trước Lê Thị Mỹ Thảo cũng được dự báo từ trước giải này.
Việc Ánh Viên tham dự tất cả nội dung có thể (18 nội dung) nhằm kiểm tra phong độ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì phong độ trong các ngày thi đấu. Đương nhiên, kình ngư Bình Phước không bỏ lỡ cơ hội để khẳng định vị thế số 1 nội dung bơi bướm nữ tại Việt Nam.
Nhưng về tổng thể, vẫn không kình ngư nữ nào đặt được dấu ấn mạnh mẽ như “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên. Việc Ánh Viên giành 14 HCV cũng giúp đoàn Quân đội lên ngôi vô địch toàn đoàn với 17 HCV. Thậm chí, việc cô không phá kỷ lục quốc gia nào tại giải năm nay cũng không phải là vấn đề lớn. Đơn giản, đây là tình trạng chung tại giải năm nay. Ở đó, không có kỷ lục quốc gia trong cả giải đấu và tất cả chuyên gia đều đánh giá là chuyện đương nhiên.
Nguyễn Thị Ánh Viên liên tục trên bục nhận HCV là hình ảnh quen thuộc tại Giải vô địch bơi toàn quốc năm 2020. |
Như chuyên gia Hoàng Quốc Huy (người Trung Quốc) của đội tuyển bơi Việt Nam phân tích thì dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến các kình ngư Việt Nam và đây cũng là tình trạng chung của làng bơi thế giới. Quá trình tập luyện của các kình ngư bị gián đoạn liên tục do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Chính vì thế, việc các kình ngư kiên trì tập luyện (kể cả khi không thể tập luyện dưới nước) và thi đấu tại giải cũng đã là nỗ lực đáng ghi nhận. Ở khía cạnh khác, các kình ngư giữ được 80% phong độ như trước khi xảy ra dịch COVID-19 cũng được xem là thành công.
Ông Hoàng Quốc Huy cũng kể rằng, ngay từ trước giải năm nay, ông và nhiều HLV đã chung nhận định rằng khó có kỷ lục quốc gia.
Cũng vì thế, sau khi giành tấm HCV thứ 14 tại giải, Ánh Viên cũng cho rằng hoàn toàn chấp nhận thành tích tại giải của mình dù mỗi VĐV đều muốn vừa vô địch, vừa phá kỷ lục. Dù vậy, khi quá trình tập luyện trong nước luôn bị tác động bởi dịch COVID-19 thì thật khó thực hiện trọn vẹn các mục tiêu.
Cần đầu tư mạnh hơn
Khi mục tiêu kiểm tra phong độ tại giải của Nguyễn Thị Ánh Viên tại giải đấu năm nay đã hoàn tất cũng là lúc các nhà quản lý, HLV phải tính đến hành trình trong thời gian tới của "cô gái vàng" trong làng bơi lội Việt Nam này. Sân chơi quan trọng nhất của Nguyễn Thị Ánh Viên trong năm 2021 đương nhiên là SEA Games 21, nơi cô đặt mục tiêu giành 8 HCV như kỳ SEA Games 28 và 29. Còn việc giành 6 HCV như ở SEA Games 30 dù là kỳ tích với nhiều kình ngư khác thì vẫn là thất bại của cô. Đương nhiên, không người trong cuộc nào muốn Ánh Viên chỉ có thể giành 6 HCV rồi lã chã nước mắt như ở SEA Games 30 vì tự cảm thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Thực tế, trong thời gian tập luyện trong nước từ đầu năm 2020 đến nay, Ánh Viên vẫn được hưởng chế độ đầu tư đặc biệt so với nhiều VĐV khác. Tuy nhiên, bên cạnh việc gián đoạn về tập luyện bởi dịch COVID-19 rồi không được tập luyện với chuyên gia nước ngoài - người có thể nâng tầm trình độ để cô không sa sút về thành tích như trong năm 2018 và 2019, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lấy lại phong độ tốt nhất của Ánh Viên. Đấy là điều khiến phía Tổng cục TDTT trăn trở. Tổng cục TDTT đã quyết định đưa Ánh Viên về nước sau khi cô có khoảng 7 năm tập huấn dài hạn tại Mỹ.
Tại đó, Nguyễn Thị Ánh Viên đã phát triển mạnh mẽ về chuyên môn nhờ chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý cùng sự hướng dẫn của chuyên gia ngoại. Khi Tổng cục TDTT đưa Ánh Viên về nước, cũng là lúc người thầy trong hành trình dài tập huấn tại Mỹ của cô là Đặng Anh Tuấn xin nghỉ công việc ở đội tuyển.
Khi đó, Tổng cục TDTT đã tính phương án thuê chuyên gia ngoại cho Ánh Viên và cô chủ yếu tập huấn tại Việt Nam bên cạnh tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài. Tuy vậy, dịch COVID-19 khiến việc này chưa thể diễn ra.
Không ngẫu nhiên khi trong chia sẻ bên lề giải đấu năm nay, Nguyễn Thị Ánh Viên đã bày tỏ mong muốn được đi tập huấn nước ngoài trong đó có đề cập phương án tập huấn tại Mỹ. Cô quá hiểu điều kiện tập huấn tại đây có những điểm ưu việt thế nào so với khi tập luyện tại Việt Nam.
Nhờ đó, cô có thể làm được gì, đạt được gì. Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam cũng tán thành việc này, xem đây là giải pháp tốt cho Ánh Viên cũng như thể thao Việt Nam, trước mắt là tại SEA Games 31. Nhờ đó, Ánh Viên sẽ bảo đảm mục tiêu giành 8 HCV tại SEA Games 31. Như nhiều chuyên gia nhận định, cứ đầu tư để "cô gái vàng" hoàn thành mục tiêu còn hơn là đầu tư để một số môn khác giành HCV tại SEA Games 31. Đúng là cơ hội giành vé trực tiếp dự Olympic 2022 hay giành ngôi vô địch, thậm chí HCB tại ASIAD 2022 của Ánh Viên không cao. Nhưng ở sân chơi SEA Games, cô vẫn có "tiếng nói" nhất định.
Vì thế, càng có lý do để đầu tư mạnh tay cho Ánh Viên trong chiến dịch giành ngôi Nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 năm 2021 của thể thao Việt Nam và xa hơn là giành huy chương tại ASIAD 2022.
Giành số HCV bằng 6 đoàn cộng lại Tại giải này, 14 tấm HCV mà Ánh Viên giành được không chỉ giúp đoàn Quân đội vô địch toàn đoàn. Thành tích trên của cô còn bằng tổng số HCV của các đoàn từ thứ 4 đến thứ 9 tại giải năm nay gồm Quảng Bình (5 HCV), Bến Tre (3 HCV), Long An, Bình Phước (cùng 2 HCV), Thanh Hóa, Vĩnh Long (cùng 1 HCV). Minh Khuê |