Bơi lội Việt Nam với Hoàng Quý Phước: Loay hoay tìm nơi tập huấn

Thứ Tư, 06/01/2016, 10:08
Kình ngư nam số một Việt Nam là Hoàng Quý Phước sẽ được đi Hungary tập huấn dài ngày bắt đầu từ trung tuần tháng 1.

 

Quý Phước là VĐV rất có tiềm năng phát triển kể từ khi bứt phá tại SEA Games 26-2011. Sau giai đoạn ấy, thật tiếc, Phước vẫn phải loay hoay tìm điểm tập huấn sao cho phù hợp trong khi cần một sự ổn định để phát triển bền vững.

5 năm và 4 điểm tập huấn

Tính trong lịch sử bơi lội Việt Nam, Hoàng Quý Phước chắn chắn là VĐV được đi tập huấn tại nhiều quốc gia nhất. Năm 2012, sau thành công tại SEA Games 2011 trước đó, Quý Phước là một trong năm gương mặt (có cả Ánh Viên) được bơi lội Việt Nam lần đầu tiên đưa đi Mỹ tập huấn dài ngày. Chuyến tập huấn tại Mỹ với VĐV này được một thời gian ngắn. Sau đó, VĐV người Đà Nẵng phải chuyển tiếp về Trung Quốc tập luyện. Các giai đoạn 2013 và 2014, Quý Phước được tập huấn dài ngày tại Trung Quốc. Qua năm 2015, Phước được đổi gió đi Nhật Bản tập huấn. Nhìn vào những địa điểm mà Phước đã dừng chân, ít nhất tuyển thủ này đã được thụ hưởng cách huấn luyện và tập luyện trong các nền bơi lội khác nhau. Thế nhưng, nhiều người lại thấy rằng, thay đổi địa điểm liên tục không phải một cách hay.

Chúng ta có thể thấy 3 ví dụ rất điển hình trong việc ổn định nơi tập luyện đã giúp VĐV phát triển tốt chuyên môn. Đầu tiên là Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái vàng của bơi lội Việt Nam đã tập tại Mỹ suốt từ năm 2012. Viên đã đạt được kết quả đáng nể tại SEA Games 28-2015, World Cup bơi lội 2015, cũng như đạt chuẩn A để dự Olympic 2016 và dự liệu một số giải trong tương lai. 

Tiếp đến là VĐV người Singapore Joshep Schooling. Kình ngư này cũng ra mắt khu vực Đông Nam Á như Quý Phước tại SEA Games 2011.Ngay sau đó, bơi lội Singapore cùng gia đình Schooling tập trung đầu tư để con em mình tập dài ngày tại Mỹ. Qua 5 năm, Schooling đã có HCV vô địch châu Á cũng như bất khả chiến bại tại SEA Games. 

Ví dụ cuối cùng là Trần Duy Khôi. Khôi là VĐV trẻ hơn Phước, phát lộ sau. Hầu hết thời gian tập luyện của Khôi được tập trung tại TP Hồ Chí Minh dưới sự giám sát của chuyên gia nước ngoài. Thi thoảng, Khôi được ra nước ngoài tập ngắn ngày để làm mới mình. Thành tích của Khôi giờ đã tranh chấp được tại SEA Games và ASIAD. 

Nhìn chung, sự ổn định là cần thiết và thông số chuyên môn sẽ gia tăng qua từng giải đấu. Nói ra không phải để trách Quý Phước, nhưng chúng ta thấy tiếc cho VĐV này. Quý Phước không thể quyết định nên đi tập huấn ở đâu mà theo sự quản lý từ đơn vị chủ quản Đà Nẵng cùng Tổng cục TDTT và Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam. Thay đổi sẽ phải làm quen lại từ đầu. Vô hình trung, VĐV như Phước tiếp tục mất thêm một quãng thời gian không đáng có ở những nơi mới.

Hoàng Quý Phước vẫn đang phải nỗ lực để làm mới và phát triển hơn nữa.

Cần người thầy hiểu được mình

Ít nhiều thành công của Ánh Viên có một phần công nhờ HLV Đặng Anh Tuấn. Ông Tuấn là người theo sát cô học trò suốt thời gian tại Mỹ và được xem như người cha tinh thần để VĐV ổn định không xao động khi bước vào tuổi mới lớn. Trần Duy Khôi cũng được gia đình và chuyên gia Trung Quốc Wu Na luôn theo rất kỹ để VĐV giữ được sự ổn định tâm lý tốt nhất mới tập trung vào tập luyện.

Quý Phước đã phải nhiều lần thay HLV. Sự vụ gây tranh cãi năm 2012 trong chuyến tập huấn tại Mỹ và sau đó Phước xin chuyển sang Trung Quốc tập được người trong giới bơi lội tin rằng, mấu chốt là sự “không bằng mặt bằng lòng” giữa HLV Nguyễn Tấn Quảng với HLV Đặng Anh Tuấn. Ông Quảng là người được đơn vị Đà Nẵng cử sang Mỹ tham gia huấn luyện Quý Phước. Sau năm đó, nhiều HLV (trong từng giai đoạn) được thuê để trực tiếp huấn luyện Phước. Có thể kể tới là HLV Noel Bertwistle (Australia), Guo Rui Shan (Trung Quốc) và năm 2015 tại Nhật Bản là ông Isoda Kazuhiro. 

Tại đợt tập huấn năm 2016 tại Hungary, phía Đà Nẵng thuê HLV Shane Tusup (chồng và là HLV của VĐV nổi tiếng Katinka Hosszu) huấn luyện Phước. Những HLV đã qua và sắp tới, tất cả họ đều là những người giỏi chuyên môn và có thể phù hợp với Phước trong một điểm nào đấy. Thế nhưng, giữa họ vẫn đơn thuần là mối gắn kết huấn luyện-tập luyện. Một ông thầy thành công với VĐV chính là đi được dài hơi với học trò của mình để thông hiểu không chỉ sức mạnh, mà cả tâm lý cũng như siết chặt kỷ luật cần thiết. Với Quý Phước, tuyển thủ này đang thiếu một HLV theo sát như vậy.

Tiếp tục đầu tư tiền tỉ

Chương trình đưa Hoàng Quý Phước đi Nhật Bản tập huấn ở năm 2015 có tổng kinh phí khoảng 1,6 tỉ đồng do đơn vị Đà Nẵng đầu tư. Đến tháng 9-2015, Quý Phước đã dừng hẳn không trở lại Nhật Bản tập huấn mà ở Việt Nam chữa trị đau lưng. Chương trình đưa Quý Phước đến Hungary đã được bàn thảo kỹ lưỡng từ đơn vị Đà Nẵng cùng Tổng cục TDTT và Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam. Đơn vị Đà Nẵng là nơi chi trả kinh phí chính cho chuyến đi này nhưng có sự chung tay từ phía Tổng cục TDTT. Uớc tính ban đầu, phần kinh phí sơ bộ cho chuyến tập huấn của Hoàng Quý Phước được phân bổ khoảng 60 USD/ngày cho chi phí ăn, ở, thuê sân bãi tập luyện; chi phí cho thực phẩm chức năng khoảng 1.000-1.500 USD/tháng… HLV Shane Tusup được thuê với mức khoảng từ 2.000 đến 2.500 USD/tháng. Trước mắt, HLV này được thuê trong 3 tháng, sau đó có đánh giá hiệu quả mới tiếp tục triển hạn hợp đồng hay không. Hoàng Quý Phước đã đạt được 2 chuẩn B Olympic qua kết quả thi đấu tại SEA Games 28-2015 trong nội dung 100m và 200m tự do. Trong năm 2016, Quý Phước sẽ được tham dự nhiều giải quốc tế để gia tăng thành tích đạt chuẩn A nội dung thì mới chắc chắn có suất chính thức dự Olympic 2016.  

DP

Diệu Phương
.
.
.