Bầu Đức nói và... làm (?)

Chủ Nhật, 31/01/2016, 01:05
Chuyện kể rằng, trước cuộc họp đột xuất Ban chấp hành VFF vừa qua, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã xuất hiện, uống một tách trà, nhưng sau đó, đột nhiên thấy choáng váng nên rời cuộc gấp. Và người thay ông Dũng cầm trịch cuộc họp không phải là ông Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn mà là PCT tài chính Đoàn Nguyên Đức.


Đừng nghĩ đấy là một chi tiết nhỏ. Đấy có thể là dấu hiệu của một sự bắt đầu, nơi mà ông bầu dám nói dám làm người Gia Lai có thể sẽ đi những bước quan trọng đầu tiên trong ngôi nhà VFF, sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng. Cần nhắc lại, bầu Đức từng đưa ra điều kiện: "Tôi chỉ vào VFF nếu anh Lê Hùng Dũng làm chủ tịch", nhưng vào VFF rồi, ông Đức thấy nhiều cái không như ý mình nên dần dần có biểu hiện ngãng ra. Trong những cuộc họp thường trực đầu tiên của nhiệm kỳ VII, ông thường vắng mặt với lý do là "bận việc kinh doanh", nhưng sự thật là "bận kinh doanh" hay vì lý do nào khác đến từ chính bộ máy làm việc của Liên đoàn thì chỉ mình ông biết.

Bầu Đức đã chính thức nhập cuộc ở ngôi nhà VFF? Ảnh: H.M..

Phải đến khi HLV trưởng ĐT U.23 QG Toshiya Miura gọi hàng loạt cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai của ông vào ĐT nhưng hoặc chỉ sử dụng rất ít (vòng loại giải U.23 châu Á), hoặc lại ép những con người này vào một hệ thống thi đấu bất hợp lý thì bầu Đức mới lên tiếng. Đầu tiên ông nói với báo giới về việc "Nếu còn Miura, bóng đá Việt Nam không phát triển được". Sau đó, ông thanh minh là mình chỉ nói với tư cách cá nhân, chứ không phải tư cách một quan chức Liên đoàn.

Nhưng sau đó, khi thường trực VFF họp khẩn để bàn về hàng loạt vấn đề bức thiết của nền bóng đá thì bầu Đức đã chính thức đặt vấn đề: "Nếu sa thải Miura và lấy cầu thủ U.21 Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt, ĐT U.22 Quốc gia dự SEA Games năm tới, tôi sẽ mang về những bản hợp đồng giá trị". Thực tình một cách đặt vấn đề như kiểu "đánh kèo", "đánh đổi", "chơi bài ngửa" như thế cũng không hoàn toàn thuyết phục được số đông, nhưng nó cho thấy vị PCT VFF đã chính thức nói lên tiếng nói của mình ở cương vị của một PCT, chứ không còn ở cương vị cá nhân, cương vị ông bầu một CLB hay cương vị một cổ động viên thuần tuý nữa.

Bây giờ, khi Chủ tịch Lê Hùng Dũng đang cần tập trung thời gian trị bệnh thì chính bầu Đức (chứ không phải PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn) có vẻ lại là người được "chọn mặt gửi vàng". Những người dự cuộc họp ban chấp hành VFF vừa rồi kể lại, tại đấy 2 thành viên trong thường trực đã "tố" nhau và "đấu" nhau dữ dội, nhưng sau đó bầu Đức đã nhanh chóng làm yên tình hình. Và cũng tại đấy, ông bầu này đã công khai mục tiêu của bóng đá Việt Nam là phải vô địch AFF Suzuki Cup 2016 và SEA Games 2017.

Chắc chắn là sau khi cầm cờ "nhiếp chính", sau khi thực hiện vai trò cầm trịch cuộc chơi, và sau khi mạnh mẽ tuyên bố những mục tiêu lớn - những mục tiêu mà trước đó không nhiều quan chức VFF dám tuyên bố, ông bầu này rồi sẽ hành động.

Phần hành động dễ đoán nhất đó là việc quân bầu Đức với những cái tên xuất sắc như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều, Hồng Duy... sẽ làm nòng cốt ĐT U.22 dự SEA Games, và đấy là một ĐT U.22 chơi theo cách kỹ thuật, nhỏ khéo của Hoàng Anh, chứ không phải một ĐT chủ trương bóng dài, bóng bổng như dưới thời Toshiya Miura. Nhưng còn với ĐTQG, tại chiến dịch AFF Cup ngay trong năm 2016 này thì sao? Và cả việc VFF kể từ đầu nhiệm kỳ VII đang gặp khó trong chuyện kiếm tiền, kêu gọi tài trợ thì sao?

Khi bầu Đức đã "cầm cờ" và đã "nói" thì rất nhiều người đang hồi hộp chờ cái phần tiếp theo, sau lời nói!

Đã từng việt vị, và...

Khách quan, đã có những lúc bầu Đức rơi vào thế... việt vị với những phát biểu và những toan tính được cho là phảng phất màu sắc cảm tính của mình. Điển hình nhất là việc ông đã thanh lý tới gần 20 cầu thủ gạo cội để đôn lứa Công Phượng lên đá V.League 2015, và nhất nhất tin dùng "ông thầy gõ đầu trẻ" Guillaume Graechen. Nhưng cuối cùng, đội bóng suýt nữa đã xuống hạng, và trong tình cảnh nguy cấp, ông buộc phải sa thải Guillaume Graechen để sử dụng một ông thầy nội hiểu các cầu thủ, và hiểu cuộc chơi V.League hơn.

Chắc chắn từ những sự việt vị ấy, bầu Đức cũng đã thấy những chỗ chưa hoàn hảo của mình (xét cho cùng, ở đời có mấy ai hoàn hảo) để bây giờ, ở một tư thế mà mỗi phát ngôn và mỗi hành động đều có tầm ảnh hưởng chiến lược đến cả một nền bóng đá - tư thế một ông "phó" cầm cờ, bầu Đức sẽ thực sự giúp bóng đá Việt Nam gặt được những điều như ông mong ước?

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.