Barcelona - Real Madrid 1- 2: Trận El Classico của Zidane

Thứ Hai, 04/04/2016, 09:32
Chiến thắng 2-1 trong trận El Classico tại Nou Camp có thể không cứu vãn nổi một mùa giải vứt đi của Real Madrid tại La Liga. Nhưng rõ ràng nó cũng đã đủ làm sống dậy những hi vọng của người Madrid: ít nhất đội bóng kiêu hãnh của họ đã tìm được minh chủ.

Real Madrid đã bước vào trận El Classico lần thứ 231trong ánh mắt hồ nghi của dư luận. Khoảng cách 10 điểm cùng phong độ “khủng khiếp” của Barcelona đã làm cho trận đấu từng được cả thế giới chờ đợi này “mất giá” đến khó tin.

Chẳng còn những bài báo ca ngợi Ronaldo. Cũng không nhiều người nghĩ, Real Madrid có thể kéo sập pháo đài Nou Camp, chặn đứng chiếu trận bất khả chiến bại của Barcelona. Nhưng rốt cuộc điều không tưởng ấy lại xảy ra. Thậm chí, nó còn xảy ra theo một kịch bản phi thường nhất.

Real Madrid khiến đại kình địch phải quỳ gối trong thế CLB hoàng gia Tây Ban Nha bị dẫn bàn và còn phải chơi thiếu người. Công bằng mà nói đây không phải là một trận đấu quá xuất sắc của thầy trò Zidane. Họ đã phải đi trên lằn ranh sinh tử và chỉ thực sự bùng nổ trở về cõi chết trong 10 phút cuối cùng. Thế nhưng, 3 điểm giành được đầy kịch tính ấy lại là minh chứng cho những toan tính chính xác của Zidane.

Tại Nou Camp, Zidane đã cho Real Madrid tiếp cận trận đấu một cách rất biết mình, biết người. Họ chủ động chơi phòng ngự phản công để thu hẹp không gian chơi bóng của các tiền đạo Barcelona. Ngay cả một người nổi tiếng ích kỷ như Cristiano Ronaldo cũng lui về sân nhà để tham gia phòng ngự (CR7 đã có tình huống ngăn Alba nhận một pha chọc khe ở cuối hiệp 1).

Với phong cách chơi bóng như vậy, Real Madrid không chỉ hạn chế tối đa sức mạnh tấn công hủy diệt của đối thủ, mà còn khai thác được ưu điểm của chính mình. Đội bóng áo trắng sở hữu nhiều cầu thủ có tốc độ bứt tốc như những chiếc F1 như Ronaldo, Bale, Marcelo... Nhờ đá thấp, Real Madrid đã có nhiều cơ hội để chơi phản công. Để rồi cả 2 bàn thắng của họ đều đến từ những đòn hồi mã thương chớp nhoáng, sắc lẹm.

Zidane có 1 trận đấu cao tay ấn trước đồng nghiệp Luis Enrique.

Cái cách mà Real Madrid kết thúc con mồi cũng mang đậm dấu ấn của Zidane. Cả 2 bàn thắng của Real Madrid đều đến theo cùng một kịch bản. Một pha phản công nhanh, sau đó bóng được treo từ biên vào để tiền đạo dứt điểm. Thậm chí, pha làm bàn không được công nhận của Bale cũng tuân theo mô tuýp ấy. Bóng được “thả” rất ngọt để ngôi sao người xứ Wales bật cao hơn hậu vệ cánh của Barca đánh đầu ghi bàn.

Tất nhiên, đấy không đơn giản chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ở những cuộc phỏng vấn sau trận đấu, Bale đã có không dưới 4 lần nhắc về cái gọi là “kế hoạch trận đấu”. Chi tiết ấy cho thấy “nhát kiếm” kết liễu này là thứ đã được Zidane rèn sẵn, để dành riêng cho Barcelona. Chiến lược gia người Pháp đã tận dụng điểm yếu về chiều cao của các hậu vệ cánh Barca để tung ra đòn độc.

Khi còn thi đấu, Zidane được biết đến như một nhạc trưởng đại tài. Và sau trận El Classico rạng sáng chủ nhật, Zidane đã cho cả thế giới thấy trên cương vị mới, anh vẫn đầy tài năng và đáng sợ. Mưu lược, chính xác và tính toán kỹ từng chi tiết nhỏ nhất, Zidane đã thể hiện mình mang bóng dáng của 1 HLV lớn. Anh đã giúp Real xóa cái dớp không thắng trước Barcelona từ năm 2013 đến nay. Đồng thời cũng chấm dứt luôn nỗi sợ hãi của các HLV Real Madrid trong trận El Classico đầu tiên.

Từ Juande Ramos, Pellegrini, cho đến Carlo Ancelotti, Mourinho hay Rafa Benitez đều đã phải ngậm ngùi giương cờ trắng khi lần đầu dẫn dắt Real gặp Barcelona. Nhưng Zidane thì không.

Có thể, những dấu ấn mà Zidane tạo ra cho đến lúc này chưa quá ấn tượng, nếu so sánh với những người đồng nghiệp như Pep Guardiola hay Luis Enrique. Nhưng chí ít với Zidane thì lúc này các CĐV của Real Madrid cũng đã có thể mơ về những ngày xưa kiêu hãnh.

Thành công của Zidane và thất bại của Florentino Perez

Chứng kiến sự thành công của Zidane trong trận El Classico, có lẽ Chủ tịch của Real Madrid, Florentino Perez là người cảm thấy tiếc nuối nhất. Nếu ông không kiên quyết lựa chọn Rafa Benitez ở hồi đầu mùa giải, thì rất có thể Real Madrid không rơi vào cảnh bị đối thủ cho “hít khói” như hiện nay. Ngay từ khi xuất hiện thông tin Real Madrid bổ nhiệm Benitez đã xuất hiện rất nhiều ý kiến chỉ trích quyết định này của Perez. Benitez bị đánh giá là một HLV không phù hợp với Real Madrid. Nhất là sau khi ông này đã thất bại thảm hại tại Napoli. Thế nhưng, Perez vẫn bỏ ngoài tai tất cả để trao quyền cho vị chiến lược gia lão làng người Tây Ban Nha này. Và những gì xảy ra sau đó thì ai cũng biết. Real Madrid thi đấu không thành công dưới thời Benitez.

Đây không phải là lần đầu tiên, ông chủ Perez coi nhẹ vai trò của các HLV. Trong quá khứ, ở giai đoạn Galaticos 1.0, ông này từng sa thải Del Bosque chỉ vì ý thích cá nhân của mình. Để rồi đẩy Real Madrid vào một giai đoạn khủng hoảng, trải qua 5 đời HLV liền mà không thể giành La Liga, dù trước đó CLB này đang là đội bóng số 1 thế giới. 

T.Đ.


Huyền thoại Cesare Maldini qua đời ở tuổi 84

Hôm qua (3-4), huyền thoại của bóng đá Italia và CLB AC Milan, cha đẻ của danh thủ Paolo Maldini, ông Cesare Maldini đã qua đời ở tuổi 84.

Thông báo từ gia đình của Cesare Maldini cho biết, ông mất vào rạng sáng chủ nhật theo giờ địa phương. Maldini cha là trung vệ huyền thoại của AC Milan. Ông có 400 lần khoác áo đội bóng áo sọc đỏ đen và giành bốn chức vô địch Serie A cùng Cúp châu Âu đầu tiên trong lịch sử CLB (năm 1963). Ông  là thành viên ĐT Italia tham dự World Cup 1962.

AC Milan cũng chính là nơi huyền thoại này bắt đầu sự nghiệp HLV từ năm 1972 đến 1974. Maldini cũng đã có thời gian dẫn dắt ĐTQG Italia từ năm 1996. Đáng chú ý, trong quãng thời gian này, đội trưởng ĐT Italia chính là Paolo Maldini – con trai của ông.

Ngoài ra, Maldini còn có công lớn khi đào tạo lứa cầu thủ vàng của bóng đá Italia gồm Totti, Buffon và Cannavaro - những nhân tố chính từng cùng ĐT U21 Italia của ông 3 lần vô địch U21 châu Âu.

Trang Twitter chính thức của Milan đăng lời chia buồn rất trang trọng: “Vĩnh biệt Cesare. Hôm nay thế giới mất đi một người ông vĩ đại. Còn chúng tôi đánh mất một trang trong lịch sử của mình. Mãi mãi nhớ về ông”.                             

T.Đ.

Tất Đức
.
.
.