Tôi không bị ham muốn thể xác chi phối khi làm việc với người mẫu nude

Thứ Hai, 07/12/2015, 08:13
Nghệ sĩ đầu tiên ứng dụng nghệ thuật vẽ trên cơ thể người ở Việt Nam chia sẻ: Anh phải vượt qua những cảm xúc thông thường của con người khi vẽ trên một cơ thể khác giới đang khỏa thân.

- Anh nghĩ sao khi nói anh là họa sĩ đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng nghệ thuật vẽ trên cơ thể người?

+ Tôi đã chán làm việc trên toan mà muốn làm việc với một chất liệu khác sống động hơn, có sự tương tác, tức là được vẽ với ai đó. Vẽ với một tấm toan dù bán được, tôi vẫn thấy rất buồn. Đôi khi vì buồn mà tôi bán chúng đi. Đó là một sự chuyển đổi cảm giác rất khác. Thông thường khi vẽ toan, tôi nhìn tác phẩm của mình rất ích kỷ. Nhưng khi vẽ người khác, tôi không được quyền thẩm định duy nhất người mẫu, ê kíp đi cùng cộng hưởng với mình trong quá trình làm việc.

- Là người đi tiên phong, anh gặp những khó khăn, thuận lợi gì?

+ Khó nhất là khi tôi đặt vấn đề để ai đó cởi đồ cho tôi vẽ. Một số người mẫu khi nghe tôi nói người ta ngạc nhiên tưởng tôi muốn xem cơ thể họ. Đúng là tôi muốn xem, không xem làm  sao tôi hình dung được mình sẽ vẽ gì. Quan trọng là họa sĩ  xem  cơ thể người mẫu ở góc độ nào.

Mẫu đầu tiên của tôi, tôi chỉ vẽ lưng thôi. 7 năm học trong trường tôi đã được làm quen với việc vẽ khỏa thân. Tôi nhớ lần đầu tiên, khi đó tôi mới 20 tuổi, lần đầu tiên nhìn người khác lột đồ, tụi con trai như đều đánh rơi hết cọ. Loanh quanh ra vào cả ngày mà không vẽ được chút nào.

Nhân vật của tôi có nhiều loại. Có những người sống thoáng, thoải mái, không bị lệ thuộc, ràng buộc bởi điều gì, họ cho họa sĩ vẽ thoải mái. Có một số người e dè, sợ này, sợ kia nhưng vẫn ham thích vẽ để chụp một bộ ảnh, họ chỉ cho vẽ phần lưng.

- Phải chăng những lùm xùm giữa mẫu nude và họa sĩ nhiều năm nay khiến anh gặp khó khi thể nghiệm nghệ thuật body painting?

+ Tôi cho rằng những họa sĩ để xảy ra chuyện tình ái cá nhân trong khi làm việc, bản thân họ không phải nghệ sĩ. Đã là nghệ sĩ, người ta sẽ vượt qua được những cảm xúc rất đỗi thông thường để tập trung làm nghệ thuật. Trong lúc làm mà cứ nghĩ đến chuyện được quan hệ với cô này, cô kia…; nghĩ mà không làm được gì hết khác gì họa sĩ tự biến mình thành một thằng ngớ ngẩn. Bởi vậy, tôi chẳng bao giờ nghĩ cho khỏi mệt đầu.

Có thể sau buổi làm việc, tôi và cô người mẫu đó nảy sinh tình cảm, đó lại là chuyện khác. Còn khi đã tập trung làm việc, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao sáng tạo được một tác phẩm độc đáo có tính biểu tượng nhất. Nhiều khi tôi dùng ngón tay chấm sơn vẽ trực tiếp trên cơ thể người mẫu, điều này kích thích cảm giác rất nhiều. Nếu không vượt qua những cảm xúc thông thường, tôi khó lòng làm việc được với họ lâu như vậy. Nếu thật sự thích nhau, người ta chẳng phải chim chuột trong lúc làm việc.

Hơn nữa, chúng tôi làm việc theo ê kíp. Một buổi vẽ như vậy có mẫu, họa sĩ, nhiếp ảnh và một vài thành phần khác. Ở chỗ đông người cảm xúc có nảy sinh thì ai cũng phải kìm nén lại.

- Anh sử dụng nguyên liệu gì để vẽ trên một chất liệu đặc biệt như da người?

+ Tôi sử dụng màu mà các nghệ sĩ tuồng hay dùng để vẽ mặt. Do đặc thù của nguyên liệu này mà tôi chủ yếu dùng đầu ngón tay để di và vẽ trên cơ thể người mẫu. Việc dùng cọ vẽ rất ít khi diễn ra.

- Trước giờ họa sĩ thường chọn mẫu có số đo cơ thể chuẩn. Anh nghĩ sao nếu phải làm việc với những cơ thể  đầy khiếm khuyết như số đo không chuẩn, mắc bệnh ngoài da?

+ Trong body painting cũng có rất nhiều loại hình. Trước mắt, tôi chỉ muốn hướng đến tính giải trí bằng cách dùng hình vẽ để tôn lên vẻ đẹp trên cơ thể người phụ nữ.  Khuynh  hướng ấn tượng sẽ gây shock, gây bất ngờ. Bởi vậy trước hết, cứ làm nghệ thuật đi đã, khi nào ở một đẳng cấp nào đó, anh hẵng gây shock, gây bất ngờ.

Khi vẽ body painting không quan trọng cơ thể chuẩn hay không chuẩn. Quan trọng là nhịp điệu của nét vẽ trên cơ thể. Hội họa quốc tế không đi theo hướng này. Họ không giỏi trong cách đặt mảng, miếng và tạo hình. Riêng người châu Á với truyền thống vẽ tranh thủy mặc hàng trăm năm thường chú trọng là vẽ cái thần, đặt, để, khoảng hở, khoảng kín trong mỗi tác phẩm. Cái đẹp nhất trong nghệ thuật vẽ lên cơ thể là chỗ buông của cọ chứ không phải chỗ vẽ. Người ta nói tôi vẽ body painting  hiền quá. Tại tôi quá dữ trong vẽ tranh của tôi rồi nên tôi không thể kéo cái dữ qua đây. Body painting tôi có thể làm ở Việt Nam, còn tranh vẽ, tôi chưa bao giờ có ý định triển lãm trong nước. Tôi thích đẩy việc vẽ tranh đến trạng thái tự do nhất.

- Anh kiếm tiền như thế nào bằng vẽ body painting?

+ Trên thế giới body painting có thể biến thành gía trị thương mại. Người mẫu trả tiền cho họa sĩ, nhiếp ảnh để có được tác phẩm về mình, trung bình từ 500 - 1.000 USD một tác phẩm. Ở Việt Nam cũng có một số mẫu làm vậy, nhưng rất tiếc, những mẫu bỏ tiền ra thuê họa sĩ và nhiếp ảnh chưa nhiều. Thường thì hai bên thỏa thuận, họa sĩ có mẫu, còn mẫu có những tấm ảnh lưu niệm về vẻ đẹp cơ thể mình. Ngoài ra, body painting giúp tôi kiếm tiền ở những sự kiện, các video quảng cáo. Ngoài mỹ thuật, tôi học kiến trúc, đạo diễn  ở nước ngoài. Khi nào cần kiếm tiền, tôi sẽ sử dụng đến những kiến thức đó. Tôi vẫn có thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo với đối tác nước ngoài

- Tại sao anh không chọn sống và làm việc ở nước ngoài trong khi bên đó có điều kiện hơn?

+ Thật ra tôi có tên trên thị trường mỹ thuật khu vực trong mảng public art, các tác phẩm của tôi đều hướng đến những tín hiệu văn hóa Á Đông. Nếu ở phương Tây, tôi còn đâu chất liệu để sáng tạo. Tôi nghĩ môi trường chuyên nghiệp hay không là do mình tạo ra.  Với tôi, nếu tách khỏi đất nước này, như con cá tách khỏi nước vậy. Về đây tôi có thể làm rất nhiều thứ, chẳng hạn như viết một cuốn sách về thị giác.  Tôi nghĩ những người từng được học ở nước ngoài, họ đều hiểu một điều cơ bản là dùng tất cả những logic khoa học của quốc tế để kể câu chuyện địa phương của họ chứ không phải bắt chước phương Tây. Kể câu chuyện địa phương bằng ngôn ngữ quốc tế theo tôi là cách tốt nhất của người làm nghệ thuật.

Họa sĩ Ngô Lực (trái) đang hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật trên cơ thể người mẫu.

- Rất ít nghệ sĩ Việt Nam được quốc tế biết đến trong lĩnh vực body painting. Theo anh đâu là lý do?

+ Tôi nghĩ có nhiều người muốn theo đuổi loại hình này nhưng họ e ngại nhiều thứ.  Ngại bạn gái, vợ, hoặc ngại dư luận. Một số người còn lại nghĩ đó là lãnh địa riêng của một ai đó, họ không đi theo lối mòn hoặc không muốn làm người đến sau. Đó là những suy nghĩ nhược tiểu đã ăn sâu vào trong não. Có ai mà đi trước hội họa đâu. Tôi vẽ khác, anh ta vẽ khác. Tôi không thích, không thấy hạnh phúc hay hãnh diện khi báo chí nói tôi là người đầu tiên. Mọi người nên coi body painting là một chất liệu thực nghiệm mới. Nếu nhiều người làm theo, tôi tin hội họa sẽ rất phát triển.

Họa sĩ Ngô Lực sinh năm 1979 tại Ninh Bình. Anh tốt nghiệp cả ba chuyên ngành mỹ thuật, kiến trúc, đạo diễn điện ảnh.

Ngô Lực được coi là một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên thử nghiệm body painting. Anh từng vẽ cho nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz như diễn viên Minh Thư, Vân Trang, Jolie Phương Trinh... Họa sĩ được mời tham gia nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng được tổ chức khắp nơi trên thế giới nhờ ý tưởng nghệ thuật đậm chất Á Đông.

Minh Châu (thực hiện)
.
.
.