“Quán thanh xuân” chào năm mới với “Sân ga và những chuyến tàu”

Thứ Tư, 30/12/2020, 18:24
Chiều 30/12, Đài truyền hình Việt Nam cho biết, chương trình truyền hình ăn khách “Quán thanh xuân” lên sóng số đầu tiên của năm 2021 vào 20h40  ngày 3/1 trên kênh VTV1.

Có chủ đề “Sân ga và những chuyến tàu”, chương trình sẽ tặng khán giả "tấm vé" quay ngược thời gian. Sân ga và những chuyến tàu của một thời với bao cuộc gặp gỡ, chờ đón và cả những tình cờ có thể làm thay đổi số phận được tái hiện qua ký ức của những người nổi tiếng.

 Với dịch giả Nguyễn Thúy Toàn là ký ức về tiếng võng đưa cùng tiếng tu tu xình xịch của đoàn tàu, là giấc mơ về Hà Nội với cả 1 khoảng trời rực sáng, niềm mong ngóng với mỗi chuyến tàu đi. Sau này, nhà ông lại sát ga Hàng Cỏ - phố Ngô Sĩ Liên nên cả một đời người gắn bó với những sân ga và những chuyến tàu.

"Quán thanh xuân" số đầu tiên của năm 2021

Với KTS Nguyễn Hữu Thái là ký ức từ hồi bé xíu thường xuyên đi xe Đà Nẵng ra Huế học, lớn lên thì đi xe Sài Gòn - Đà Nẵng và thấy những dọc dài đất nước tươi đẹp qua những toa xe lửa. 

NSUT Đỗ Kỷ là một phát hiện bất ngờ của chương trình. Bình thường khán giả quen với hình ảnh của anh đọc thơ/diễn kịch tung hứng cùng người bạn đời - NSND Lan Hương. Trong chương trình này, anh mang đến những ký ức đặc biệt của một người xuất thân trong gia đình có truyền thống làm ngành đường sắt. Cha anh là trưởng ga Hàng Cỏ, mẹ anh bán vé tại ga.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và một số khách mời trong chương trình

 Sinh ra và lớn lên bên đường ga, cậu bé Đỗ Kỷ đã chạy chân trần trên bên những đường ray, đã ôm từng ôm thư khi mỗi chuyến tàu lính qua ga Hàng Cỏ. Ký ức rợp trời thư tung bay trắng xóa khi vào ga Hàng Cỏ ám ảnh anh đến tận bây giờ. Chuyện tình chia ly nhiều nước mắt và đầy cảm động của vợ chồng NSND Lan Hương  - NSƯT Đỗ Kỷ khi chia xa để anh lên đường chiến đấu là một điểm nhấn xúc động trong chương trình.

Ký ức về một thời đi tàu chợ thời chiến – đi tàu chợ từ Hà Nội đến nơi sơ tán, được “kể” lại qua câu chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hậu. Theo đó, tàu chạy ban đêm để tránh máy bay Mỹ ném bom. Những toa tàu sơn đen sì hay loang lổ màu xanh “phòng không”, trong toa trống rỗng không đèn không ghế ngồi. 

Tái hiện cảnh lên tàu qua ngôn ngữ kịch nói

Người, hàng hoá, gia súc cùng chen chúc nhau trong bóng đêm dày đặc, nghe tiếng động hay ngửi mùi thì mới biết đang ngồi cạnh người hay…con gì. Nhiều lần tàu phải dừng giữa đường vì báo động, nhảy xuống khỏi tàu mạnh ai nấy chạy tìm chỗ trú ẩn, rồi khi còi tàu hú lên lại vội vã chạy về, người nào cũng sợ trễ tàu hay bị bỏ rơi.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể về chuyến tàu ở ga Vinh. Khi đó ông đang chiến đấu ở Quảng Trị, được về phép thăm mẹ và hành trình hơn 30 tiếng đồng hồ ra Hà Nội có một bóng hồng làm bạn. 

Với nhạc sĩ Trương Quý Hải, chuyến tàu không thể quên là chuyến tàu chở lính lên biên giới, khi xảy ra chiến tranh biên giới - vừa ấm áp tình người, vừa hừng hực khí thế chiến đấu. “Đặc sản” đi tàu trốn vé của sinh viên thập kỷ 80 thế kỷ trước cũng trở lại sinh động qua lời kể của nhạc sĩ Trương Quý Hải.  Đó là ký ức đi tàu mà trèo lên nóc tàu ngồi, vừa mát nhưng vẫn phải vô cùng cẩn thận kẻo bị tai nạn hay 101 chiêu trốn vé của NSUT Đỗ Kỷ - "người trong ngành đường sắt".  

Các nghệ sĩ, khách mời đặc biệt trên "chuyến tàu" đầu năm của "Quán thanh xuân"

Tàu Bắc - Nam 80 giờ và câu chuyện những chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối liền Nam – Bắc bằng đường sắt năm 1976 được kể qua câu chuyện của ông Nguyễn Minh Quang - 1 trong 20 đại biểu ngành đường sắt được ngồi trên con tàu lịch sử năm 1976.

 Dịp này, nhiều ca khúc nổi tiếng cũng được ca sĩ Hà Trần, Anh Khoa, NSND Thanh Hoa, NSƯT Mai Hoa và nghệ sĩ đàn guitar Thanh Phương, Trần Tuấn Hùng biểu diễn: Gửi gió cho mây ngàn bay (sáng tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Biệt ly (sáng tác: Dzoãn Mẫn), Tàu anh qua núi (sáng tác: Phan Lạc Hoa), Phố nghèo sáng tác: Trần Tiến), Trở về (sáng tác: Trần Lập).




N.H
.
.
.