Phim Việt Nam cùng ồ ạt ra rạp: Điện ảnh Việt liệu có làm nên chuyện?

Thứ Tư, 05/07/2017, 08:03
Theo Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, liên tiếp trong hai năm 2016 và 2017, ước tính có khoảng 50 phim Việt được sản xuất/năm. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng nhưng liệu điện ảnh Việt có được những bước phát triển đột phá trong năm 2017, hướng đến phát triển một cách bền vững trong tương lai?

Dự kiến, chỉ riêng tháng 8-2017 sẽ có ít nhất 3 dự án phim truyện điện ảnh được hoàn thiện và công chiếu ngoài hệ thống rạp. Trong đó, phim “Girl 2 - Những cô gái và gangster” nổi bật bởi kỷ lục về mật độ cũng như số lượng sao ngoại cùng tham gia diễn xuất.

Công bố sẽ ra rạp vào ngày 18-8, dự án điện ảnh này do diễn viên kiêm nhà sản xuất Trần Bảo Sơn hợp tác với nữ đạo diễn Hoàng Chân Chân, ê kip làm phim đến từ Hong Kong thực hiện. Đây cũng là một trong những dư án điện ảnh được trông chờ trong năm 2017.

Không chỉ tạo sự tò mò khi mời võ sĩ quyền anh lừng danh thế giới – Mike Tyson, bộ phim còn có sự tham gia của rất nhiều gương mặt nổi tiếng châu Á như: Trương Quân Ninh, Trần Ý Hàm, Tiết Khải Kỳ, Vương Thủy Lâm, Phạm Điềm Điềm...

Một trong số những hình ảnh đầu tiên được nhà sản xuất “Sắc đẹp ngàn cân” hé lộ với công chúng.

Dự kiến công chiếu cùng ngày với “Girl 2 - Những cô gái và gangster” sẽ là bộ phim “Lời nguyền gia tộc” của nữ đạo diễn trẻ phía Bắc đang được đánh giá cao – Đặng Thái Huyền. Theo nhà sản xuất, đây là bộ phim kinh dị nhưng vẫn ẩn chứa những bài học về nhân quả, nhân văn sâu sắc.

Cũng dự kiến ra rạp vào tháng 8 còn có “Sắc đẹp ngàn cân” của đạo diễn James Ngô. Được mua bản quyền từ một trong những bộ phim thương mại thành công nhất của điện ảnh Hàn Quốc, để thực hiện “Sắc đẹp ngàn cân”, ê kip sản xuất đã có cuộc tuyển chọn diễn viên trên toàn quốc, thu hút hơn 6.000 hồ sơ diễn viên tham gia. Các chuyên gia đến từ điện ảnh Hàn Quốc đã có những yêu cầu khắt khe nhất để đảm bảo tính nhất quán trong tính cách và tâm lý của nhân vật chính. Phim đã hoàn thành các cảnh quay vào cuối năm 2016.

Trong phim, gương mặt đang được yêu mến – Minh Hằng sẽ hóa thân vào người đẹp nặng cân nhất trên màn ảnh Việt. Minh Hằng từng tiết lộ, để có một vai diễn trọn vẹn, theo từng diễn biến của phim, cô phải sang Hàn Quốc để “đo ni” lớp hóa trang silicon mập, xấu và nặng tới 15kg. 15 ngày sống trong hình dạng mập mạp, chậm chạp, diễn xuất cho ăn ý với bạn diễn trong lớp hóa trang silicon nặng 15kg đã khiến Minh Hằng bị sụt đến 7 ký và đổ bệnh…

Thực tế, không chỉ có 3 dự án điện ảnh nói trên tạo hiệu ứng khá tốt khi kích thích sự tò mò của khán giả với những chiến dịch truyền thông bài bản.

Trước đó, nhiều dự án phim khác nhau cũng từng được chú ý từ trước khi phát hành: “Đảo của dân ngụ cư” của đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Hồng Ánh, “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng, “Em chưa 18” do Lê Thanh Sơn đạo diễn, “S.O.S Sói trắng” – phim khai thác đề tài ấu dâm và cũng là một trong số vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, do Lê Hoàng đạo diễn…

Tuy nhiên, thành công nổi bật về mặt doanh thu chỉ có “Em chưa 18”. Các phim thuộc dòng kén khán giả như “Đảo của dân ngụ cư”, “Cha cõng con” không thành công về doanh thu nhưng chất lượng phim cũng còn gây tranh cãi. Riêng “S.O.S Sói trắng” bị chê tơi tả…

Thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam cũng cho thấy, năm 2017, ước tính có khoảng 50 phim Việt Nam được sản xuất. Phim Việt liên tiếp được công chiếu trong năm, thậm chí là trong cùng một thời điểm hoặc trong khoảng thời gian gần giúp người yêu phim Việt có nhiều lựa chọn nhưng cũng sẽ bắt buộc nhà sản xuất phải cạnh tranh nhiều hơn mới mong thu hút khán giả mua vé vào rạp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội và phát hành phim Việt Nam Nguyễn Văn Nhiêm, kết quả sản xuất, phát hành phim Việt thời gian gần đây có nhiều tín hiệu rất đáng mừng. Nếu so sánh với hàng ngàn phim Mỹ sản xuất mỗi năm và tỷ lệ khoảng 20% phim Mỹ ra rạp thành công, rõ ràng, thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất, phát hành phim Việt vẫn đang có những thuận lợi nhất định.

Tất nhiên, đây vẫn chỉ là kết quả nhất thời. 50 phim đến 60 phim Việt được sản xuất, phát hành ngoài hệ thống rạp mỗi năm là một con số rất lý tưởng song duy trì được con số này liên tục hay không thì khó đoán định được. Đây chưa là thời điểm khẳng định điện ảnh Việt phát triển bền vững vì phần lớn phim sản xuất vẫn nghiêng về giải trí thông thường. Chưa kể, phim thành công về doanh thu lại là kịch bản nước ngoài. Nhiều “mảnh đất” rất giàu tiềm năng phát triển, có thể góp phần tích cực vào giáo dục lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt vẫn còn bị “bỏ hoang”…

Muốn khắc phục các nhược điểm này, chắc chắn điện ảnh Việt không thể chỉ dựa vào nguồn đầu tư, sự tự lực của tư nhân mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ này không chỉ là về mặt kinh phí mà còn là về đào tạo nhân lực, cơ chế, chính sách…

N.Hoa
.
.
.