Những chuyện mà nhạc sĩ Phạm Tuyên không nói...

Thứ Bảy, 06/02/2016, 10:49
Chất giọng khàn trầm nhưng âm sắc khá vang và đanh của nhạc sĩ (NS) Phạm Tuyên trong máy khiến tôi thở phào và có ngay cảm giác an lành. Thoạt ngó số máy của NS trên màn hình điện thoại đã hơi hoảng nhỡ có mệnh hệ gì? Cái tuổi 85 của NS, ai dám chắc điều gì… May quá, NS nhắn qua nhà có việc.


Quen biết gia đình NS Phạm Tuyên cũng đã lâu, có lẽ từ dạo tôi viết loạt bài về nhà văn hóa Phạm Quỳnh, thân phụ NS. Căn hộ trên tầng 3 một khu tập thể xây theo kiểu của những năm bảy mươi đã xập xệ dành cho gia đình NS Phạm Tuyên cũng khiêm tốn…

Đã mấy bận qua lại nơi này chứng kiến bản sao bức hoành bốn chữ Thổ nạp Á Âu nói lên chí hướng của tờ Nam Phong một thuở cụ Phạm Quỳnh làm chủ bút… Mà nhà văn Vũ Ngọc Phan từng lý giải rốt ráo 4 chữ ấy như thế này Ông (Phạm Quỳnh) chủ trương cái thuyết đọc sách Tây để thâu thái lấy tư tưởng tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết để chọn lọc lấy cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình… Và kia, chiếc đàn piano đen bóng lặng lẽ góc nhà, bộ bàn ghế tầm tầm… Tất cả như chưa, như không có gì thay đổi kể từ khi người vợ của NS biệt với dương thế đã sáu năm…

Thì ra NS nhắn tôi qua là có quà. Tôi khẽ khàng đỡ lấy cuốn sách bìa trắng mà NXB Tri thức vừa mới in. Cuốn Chúng tôi đã sống như thế của vợ NS, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Thoáng thêm chút rờn rợn lẫn bâng khuâng, vóc dáng, hình hài thanh thoát cùng chất giọng hơi thoảng chút miền Trung phu nhân của NS ngày nào bây giờ chỉ còn lại cuốn di cảo này?

NS Phạm Tuyên chất giọng như trầm khàn hơn nhiều người khuyên mình viết hồi ký. Nhưng mình thấy cũng không cần thiết phải viết. Điều gì cần nói thì mình cũng đã nói trong hơn 700 ca khúc rồi. Nhiều bài viết xong rồi quên. Thế mà bà ấy nhớ. Nhớ rồi ghi chép lại rất tỉ mỉ… Mình đọc cảm động quá…

Một cuốn sách, một hồi ký vợ viết về chồng. Cũng là chuyện thường. Nhưng cầm cuốn sách về nhà đã choán của tôi quá nửa phần đêm.

Cái thực lẫn cái tình bện quện với dung lượng vừa phải. Một tuổi thơ không mấy phẳng lặng. Những năm học tập ở khu học xá Nam Ninh cô sinh viên Ánh Tuyết và anh giáo sinh âm nhạc Phạm Tuyên đã đến với nhau… Rồi cả hai cùng vượt thoát sức nặng cùng nỗi ám ảnh lý lịch để giữ được giữ bền tình yêu và gây dựng sự nghiệp…

Nếu chỉ bình bình có vậy thì chỉ là sự râu ria chi tiết thêm của một thứ lý lịch trích ngang với mô típ đầu tiên là trục trặc và sau là may mắn nhan nhản của các cặp vợ chồng và những thân phận thành danh. Nhưng càng đọc càng thấp thoáng lời bộc bạch của NS Phạm Tuyên đại ý, vợ ông đã âm thầm làm cuốn hồi ký gần 10 năm trời mà ông không biết! Việc chỉ phát lộ khi nó đã hoàn tất. Không có gì cũ hơn và mới hơn gia đình? 

Cũng tương tự như vậy, còn gì cũ hơn… vợ? Thế nhưng NS Phạm Tuyên thú nhận rằng ông đã rất ngạc nhiên khi đọc vợ. Ngạc nhiên không phải những chi tiết những việc, những ca khúc ông vô tình quên? Càng đọc càng vỡ vạc ra cái điều ngạc nhiên của NS, có vẻ như bà đã đọc được ông đã nhìn thấy ông ở nhiều chiều kích? Bà như đã vượt thoát được những sự kể lể và thứ mặc định như thiên kiến rằng vợ bao giờ chả nói tốt cho chồng? Và nữa, như ngạn ngữ nước ngoài chả có ai vĩ đại trong con mắt người hầu phòng, huống hồ gần gũi sát sạt bên mình, cùng mình là vợ!

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và vợ.

PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết ít hơn NS Phạm Tuyên 6 tuổi là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Giáo dục mầm non Đại học SP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng giáo dục mầm non, người từng đào tạo hướng dẫn nhiều cử nhân thạc sĩ tiến sĩ về tâm lý học và giáo dục mầm non, là tác giả và đồng tác giả của 34 cuốn sách về tâm lý học, giáo dục mầm non, giáo dục cái đẹp trong gia đình của các nhà xuất bản Giáo dục, Phụ Nữ, Sự thật…

Phải vậy không mà đời sống sáng tác cùng những ca khúc của NS Phạm Tuyên bà dẫn ra trong cuốn hồi ký đã mang một sắc thái hiệu ứng bất ngờ? Không phải là nhạc sĩ và chuyên nghiên cứu âm nhạc, nhưng nhà sư phạm Nguyễn Ánh Tuyết, có lẽ bằng cảm quan của một người mẹ, người vợ, hơn thế là một phụ nữ đã rất tinh tường khi giải mã một NS Phạm Tuyên tài năng, tinh tế…   

Nhờ có bà Ánh Tuyết mà chúng ta biết được NS Phạm Tuyên với vẻ ngoài lặng lẽ và dịu dàng, nho nhã là thế nhưng cương cường tiết tháo.

Chuyện dạo nọ người ta làm một tổng tập đại thành hoành tráng tập hợp những ca khúc quân hành có tên Những khúc quân hành vượt thời gian. Người ta không thể không nhắm đến bài Chiến đấu vì độc lập tự do của NS Phạm Tuyên viết ngay ngày 17-2 Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới gọi dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất tiền phương lửa đã cháy và máu đã đổ… Ca khúc ấy tưởng như chắc khừ và tất yếu phải vào tập đại thành đồ sộ nọ!

Nhưng những người có trách nhiệm đã đến gặp NS Phạm Tuyên. Không phải một lần mà tới năm, bảy bận. Lần nào cũng với một nội dung thưa NS ông có thể thay cụm từ quân xâm lược bành trướng dã man bằng ca từ nào khác được không ạ. Nếu bài này không vào được tuyển thì tiếc lắm ạ!

Nhưng NS,  những tưởng nụ cười lặng lẽ thường trực ấy sẽ dễ dãi này khác nhưng đã đột ngột tắt cùng với động thái kiên quyết lắc đầu.

Tập tuyển đồ sộ ấy đã không có bài Chiến đấu vì độc lập tự do!

Dạo cả nước sôi lên vì phong trào thi quốc ca mới. Bao nhiêu là vận động khuyến khích này khác, trực tiếp có, gián tiếp có. Nhưng NS Phạm Tuyên vẫn lặng lẽ… Nhiều người muốn ông giúp đỡ để viết quốc ca. Người thì gửi thơ đến nhờ ông phổ nhạc người thì mang bản quốc ca mới viết để ông góp ý. Nhưng ông khéo léo chối từ rằng đây là việc làm quá sức mình. 

Một trưa bà Tuyết về nhà thấy chồng đương có khách. Khách là một lão nông rinh theo bó mía và bịch sắn nói là để bồi dưỡng cho NS để NS hướng dẫn ông viết quốc ca dự thi. Ông chồng bà đã ôn tồn mà rằng thưa cụ viết quốc ca là việc quá sức với tôi và việc ấy cũng quá sức với cụ. Mãi rồi cụ già kia cũng nghe ra.

Rồi Trung tâm tiểu sử Quốc tế IBC (Internationnal Biographical Centre) của Anh và Viện Nghiên cứu tiểu sử của Mỹ ABI (Americal Biographical Institus) đã gửi đến NS Phạm Tuyên hơn 100 (xin nhắc lại là hơn một trăm) lá thư cái thì phong tặng Giải thưởng Hòa bình quốc tế, thứ thì phong tặng Giải thưởng vì sự nghiệp suốt đời hoặc phong là một trong 500 người nổi tiếng nhất thế giới! 

Hoặc mời NS giữ chức vụ lãnh đạo của những tổ chức quốc tế hoặc khu vực. Lời mời mới nhất của IBC (16-8-2008) sẽ trao tặng NS mề đay Bắc đẩu bội tinh và mời đi dự hội thảo quốc tế vv… Không phải những tổ chức danh tiếng ấy là rởm này khác nhưng với bản tính khiêm nhường, NS đã lặng lẽ chối từ.

Nhưng NS Phạm Tuyên lại có lúc dễ tính đến không ngờ. Ấy là năm 1974, gia đình NS Phạm Tuyên chuyển về khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa. Cô con gái NS đã lên lớp mẫu giáo lớn. Bà Tuyết tìm được Trường Mẫu giáo Mầm non Đống Đa gần nhà rất tiện để gửi con. Cô giáo Hiệu trưởng tên là Bắc cười, sẽ nhận cháu vào học với điều kiện bố cháu là NS Phạm Tuyên phải không ạ. Thế thì bố cháu phải viết cho trường một bài hát! NS Phạm Tuyên chấp thuận.

Và rồi ca từ Trường của cháu đây là trường mầm non như chất giọng reo vui của con trẻ làm câu kết cho ca khúc nổi tiếng. Để rồi hàng triệu, hàng triệu cô cùng trò cả nước hát câu ấy mãi tới hôm nay! Và có lẽ mai sau nữa? 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần đã nói về sức làm việc của NS Phạm Tuyên qua hình ảnh cái lưng rất thẳng của NS… Trần Đăng Khoa nói đó là cái lưng của người vượt núi.

Núi, tôi hiểu, có thể là những dấu mốc những ca khúc nổi tiếng mà ông phải vượt qua để không lặp lại cái cũ cái mòn, sáo? Núi có thể là một lần NS bộc bạch, việc chiêu tuyết cho nhà văn hóa Phạm Quỳnh hàng bao năm nay vẫn để ngỏ đấy mà sức ông, mà vị thế của một mình NS Phạm Tuyên khó làm nổi đòi hỏi sự xúm tay của văn hóa cùng lịch sử nước nhà? 

Như là hậu thế phải có trách nhiệm thực thi, phải giải mã câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 khi nghe tin nhà văn hóa Phạm Quỳnh bị sát hại Cụ Phạm là người của lịch sử sau này lịch sử sẽ phải đánh giá lại. Còn bây giờ gia đình cứ yên tâm gắn bó với đất nước với cách mạng không phải lo lắng gì cả.

Có điều bâng khuâng, sáu năm nay, kể từ lúc bà vợ mất, NS Phạm Tuyên đang phải vượt núi một mình? Nhưng có lẽ không nhiều lắm những tài danh đất Việt có được người vợ đằm thắm  tinh tường cùng tinh tế về đức ông chồng lại hào phóng sẻ chia những tinh tế ấy cùng thiên hạ? Những sẻ chia ấy không còn là chuyện riêng mà là trữ lượng cho NS Phạm Tuyên tiếp thêm năng lượng để vượt thoát cái cõi vô thường này?

Xuân Ba
.
.
.