Hà Trần hát "hit" của Hari Won: "Đền đài" là "đền đài" nào?

Thứ Hai, 10/07/2017, 09:27

Trên sân khấu hải ngoại, Hà Trần hát “hit” - “Anh cứ đi đi” của Hari Won. Người thì cho rằng, diva đang tự phá “đền đài”; người đặt dấu hỏi, việc các “đền đài” hát lại ca khúc của ca sỹ thị trường là tự rơi vào vũng lầy của chính mình hay sự tiếp nhận của công chúng đang ở vùng trũng?

Sau khi clip Hà Trần cover rất “ngọt” ca khúc được xem là “hit” của Hari Won – “Anh cứ đi đi” (Sáng tác: Vương Anh Tú) được chia sẻ chóng mặt trên mạng, cộng đồng những người yêu nhạc nổ ra cuộc tranh luận khá gay gắt với hai luồng nghi ngại, khen chê.

Người thì khen Hà Trần đã làm “sang” hơn một ca khúc thị trường. Người thì nghi ngại, với việc cover một ca khúc từng bị loại khỏi Giải thưởng âm nhạc Cống hiến vì không có giá trị nhiều về phần âm nhạc, diva Hà Trần đang tự phá “đền đài” của mình. Cũng có người đặt ra câu hỏi, diva Việt “thỏa hiệp” với âm nhạc thị trường trên sân khấu hải ngoại là tự rơi vào vũng lầy của mình hay sự tiếp nhận của công chúng đang ở vùng trũng? Liên quan tới câu chuyện ầm ĩ này lại là một lô một lốc các khái niệm gây tranh cãi trong thời gian qua và đến nay vẫn chưa có hồi kết như “nhạc thị trường”, danh xưng “diva”, “divo”, chiếu trên, chiếu dưới…

Hà Trần có phải là một tượng đài về âm nhạc?

Trong một bài phỏng vấn trước đây, Hà Trần từng đưa ra suy nghĩ của mình về danh xưng “diva”. “Từ xưa đến nay, định nghĩa về diva là những người nữ danh ca tạo được xu hướng và có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường âm nhạc ở một đất nước. Có thể gọi họ là một tượng đài về âm nhạc”, ca sỹ “Bản Nguyên” cho biết.

Hà Trần từng thừa nhận, danh xưng “diva” là do báo chí và những người hâm mộ ưu ái tặng cho cô (cũng như với Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung). Bản thân ca sỹ sinh năm Đinh Tỵ không thực sự cảm thấy thoải mái khi đứng ở vị trí diva, vì so với tiêu chuẩn của diva thế giới thì mình rất nhỏ bé.

Chính bản thân Hà Trần cũng cảm thấy chiếc áo “diva” quá rộng với mình thì hà cớ gì, dư luận lại cho rằng, Hà Trần hát “Anh cứ đi đi” là tự đạp đổ tượng đài mang tên mình, tự phá danh xưng “diva”?

Hát “Anh cứ đi đi”, Hà có đánh mất chính mình?

Có lẽ, “đền đài” mà dư luận đề cập gắn với mấy chữ “tượng đài âm nhạc”. Nếu vậy, đó chỉ là một cách lập luận ít nhiều mang tính áp đặt.

Nhìn lại con đường âm nhạc của Hà từ khi lộ diện đến lúc trở thành một trong những ca sỹ tên tuổi của âm nhạc Việt Nam, với nhiều album chất lượng như “Em về tinh khôi” (1999), “Tự họa” (2000), “Nhật thực” (2002), “Đối thoại 06” (2006)… cho tới gần đây nhất là  “Chuyện mặt trời – Chuyện của chúng ta” (2013),  “Bóng tối Jazz” (2015), “Bản Nguyên” (2015)…, Hà chưa bao giờ rời khỏi đường ray của một cá tính âm nhạc mới mẻ, độc đáo và chẳng trộn lẫn với ai.

Khi Hà bắt đầu góp giọng vào nền nhạc nhẹ Việt Nam những năm 90 của thế kỉ trước thì Thanh Lam, Hồng Nhung… đã là hai đàn chị có vị trí vững chắc trong nghề, hay nói như dư luận, tạm gọi là ở “chiếu trên”. Giọng hát của Hà khi đó như một viên ngọc thô, chưa được mài giũa. Chưa kể, ở một đất nước mà công chúng phần nhiều yếu đuối về mặt thị giác như Việt Nam, ngoại hình của Hà Trần là một bất lợi.

Nhưng qua thời gian, tuổi nghề, kinh nghiệm đứng trên sân khấu lẫn trải nghiệm đã đưa Hà Trần lên một vị trí mới bên cạnh Hồng Nhung, Thanh Lam mà không hề bị khập khiễng. Thậm chí, người đời còn xếp Hà nằm trong bốn diva của âm nhạc Việt Nam đương đại.

Với một giọng hát đẹp, thông minh, có phần tinh tế, đi cùng gu nhạc văn minh, Hà Trần dần dần đã xác lập nên mỹ cảm âm nhạc mang tên mình. Nổi loạn, không ngại phá cách và luôn làm mới mình – là những điều khán giả thường nói về Hà.

Vậy thì, với một ca sỹ thông minh như Hà, dại gì cover một ca khúc để rồi “ăn”gạch đá từ phía dư luận? Có người đặt ra câu chuyện thỏa hiệp để chiều lòng người nghe trên sân khấu hải ngoại. Và cũng không quên khẳng định, “những giọng ca có tầm như Hà Trần có lẽ chỉ là chính mình khi biểu diễn ở Việt Nam”.

Hà Trần có đánh mất chính mình khi cover “Anh cứ đi đi”? Hay liên hệ thêm vài câu chuyện tương tự là ca sỹ Tuấn Ngọc có đánh mất chính mình khi song ca “Chúng ta không thuộc về nhau” cùng với Sơn Tùng MT-P, Thu Phương có không là Thu Phương nữa khi cover “hit” - “Sau tất cả” gắn với tên anh chàng Erik? Hay là việc biểu diễn ở hải ngoại hay trong nước, liệu có phải là điều đáng bàn ở đây không? Nếu vậy thì, một ca sỹ “đứng cho mòn giày” trên sân khấu hải ngoại như Tuấn Ngọc, cái tôi của Tuấn Ngọc ở đâu?

Sao không cảm nhận, khi tiếp nhận những ca khúc (được/bị cho rằng dễ dãi) như vậy, những nghệ sỹ nói trên xử lí bài hát có xứng tầm của họ hay không, có xứng với sự ưu ái của khán giả đã dành cho họ trong thời gian qua hay không? Khi gắn nghệ sỹ vào một danh xưng mà công chúng áp đặt cho họ, gắn nghệ sỹ vào âm nhạc thị trường hay âm nhạc hàn lâm, cũng có nghĩa ta đã tự thu hẹp tai nghe của mình khi đến với một không gian giải trí phong phú, đa dạng như âm nhạc.

Tất nhiên, lựa chọn ca khúc cũng nói lên gu thẩm mỹ của người ca sỹ. Người nghe lâu nay vẫn mặc định Hà là phải hát những ca khúc kiểu như Đỗ Bảo, Quốc Bảo, Trần Tiến… mới hay. Nhưng điều đó không có nghĩa, một ca khúc như “Anh cứ đi đi” có thể xô đổ xác tín mỹ cảm mang tên Hà Trần. Nói riêng về ca khúc “Anh cứ đi đi”, Hà Trần hay Hari Won – ai hát hay hơn? Câu trả lời thuộc về sự cảm nhận riêng của mỗi người. Nhưng rõ ràng, Hà Trần đã mang đến cho bản hit này một đời sống khác. Mới mẻ, trữ tình và tinh tế không kém những ca khúc mà Hà từng hát. Nghĩa là, Hà đã hát tròn vai. Trong danh xưng của một người ca sỹ.

Ảnh: Fb Hà Trần.

Âm nhạc có “chiếu trên”, chiếu dưới”?

Liên quan đến ầm ĩ này là các cụm từ “âm nhạc thị trường”, “âm nhạc đích thực”, “chiếu trên”, “chiếu dưới”… Liệu có thứ âm nhạc nào mang tên là nhạc rẻ tiền, nhạc chợ, nhạc rác kiểu nhạc thị trường hay không? Tương tự, có thứ âm nhạc nào mang tên âm nhạc đích thực hay không? Chưa kể, âm nhạc có “chiếu” để ca sỹ này ngồi vào “chiếu trên”, ca sỹ kia ngồi ở “chiếu dưới” hay không?

Trở lại câu hỏi, Hà Trần có đang tự phá “đền đài” của một diva khi cover “hit” của Hari Won hay không? Để trả lời câu hỏi này, lại phải hỏi lại, “đền đài” này là “đền đài” nào? “Đền đài” mà công chúng áp đặt cho nghệ sỹ hay “đền đài” mà nghệ sỹ tôn thờ - đền đài mang tên “âm nhạc”!?

Du Nguyên
.
.
.