Giải mã công thức thành công của những cuốn sách "bestseller"
Chắn hẳn, tác giả của bất kỳ cuốn sách nào cũng mong muốn "đứa con tình thần" của họ ít nhất một lần được lọt vào top những cuốn sách bán chạy nhất (hay còn gọi là bestseller). Tuy nhiên, đã bao giờ các tác giả nghĩ đến việc xây dựng một “công thức” để hướng tới thành công?
Nhà phê bình Jorg Magenau đã đặt tâm sức vào nghiên cứu "công thức" từ hàng chục năm. |
Mới đây, nhà phê bình văn học người Đức Jorg Magenau đã đưa ra một công thức chung cho những cuốn sách muốn trở thành bestseller. Cũng giống như toán học, vật lý hay hóa học, Jorg Magenau tin tưởng rằng ẩn giấu phía sau văn học chính là những công thức vô hình.
“Dù mọi thứ chỉ mang tính tương đối, nhưng tôi mong muốn rằng, sau những bài phê bình và phân tích của mình sẽ là một sản phẩm chắt lọc, là tài liệu để các tác giả có thể tham khảo. Tôi đã cất công nghiên cứu hàng chục năm trời, dựa trên những phương pháp như hệ thống, logic…trên những bảng xếp hạng các đầu sách đứng top”, ông Jorg Magenau chia sẻ.
Lý giải những bí mật của tạo hóa
Theo Jorg Magenau, ở một chừng mực nào đó, những cuốn sách lý giải về những bí mật của tạo hóa đã dần chiếm được sự quan tâm rộng rãi của độc giả, thay vì các vấn đề mang tính lịch sử và đương đại khác.
Ông tin tưởng rằng, sự thay đổi này có liên quan trực tiếp đến những thay đổi sâu xa kể từ khi nước Đức thống nhất, bắt đầu sự kiện sụp đổ bức tường Berlin vào năm 1989. Kể từ đó, người ta đã bắt đầu dịch chuyển niềm tin vào lịch sử hay sự tiến bộ sang quan tâm về chuyển hóa tự nhiên và những vấn đề mang tính dài hạn.
Nhà phê bình người Đức Jorg Magenau. |
Thực tế, sau những năm tháng sống trong chiến tranh, bạn đọc đều mong muốn có được sự thoải mái, thư giãn từ những trang sách. Vì thế để không bị ám ảnh bởi chính trị hay tin tức khủng hoảng họ có xu hướng tìm hiểu về những diệu kỳ của tạo hóa mà họ “vô tình” chưa biết đến hoặc bỏ quên.
Một vài ví dụ mà nhà phê bình người Đức đưa ra chính là cuốn “The history of bees” (2017), bàn về mối đe dọa tuyệt chủng của loài ong hay “The Hidden life of trees” (2016) bàn về sức khỏe của con người như một phần của tự nhiên, đều đã được hàng triệu độc giả chọn lựa.
Đi vào chi tiết
Thêm vào đó, Jorg Magenau cho biết, nếu những vấn đề mang tính toàn cầu giúp bạn đọc có được thông tin bao quát thì những tác phẩm bàn về các khía cạnh cụ thể của từng sự việc sẽ giúp cho bạn đọc có được cái nhìn sâu sắc và dễ hình dung hơn.
Ví dụ, khi cả thế giới nói về hiệu ứng nhà kính, về sự nóng lên ở toàn cầu thì những nghiên cứu về tốc độ tan băng ở hai cực hay câu chuyện về sự sống của những con gấu Bắc cực sẽ thu hút được phần đông độc giả.
Hướng tới cuộc sống tích cực
Và khi đã nắm câu trả lời cho sự tò mò của bản thân, độc giả sẽ có chiều hướng mong muốn được đưa ra những lời khuyên tích cực về cuộc sống để tiếp tục trải nghiệm với tinh thần lạc quan.
Điển hình là phần lớn những câu nói hay được trích trong hàng loạt cuốn sách kinh điển đã được độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ coi làm phương châm sống trong thế giới hiện đại ngày nay. Điều đó, một phần cũng chứng minh được sức hút từ những cuốn sách tích cực, dù ra đời từ lâu hay mới lên kệ và trở nên “hot”.
“Khi bạn rơi vào buồn tủi và bế tắc nhưng chẳng thể tâm sự cùng bất kỳ ai khác, một cuốn sách hay hoàn toàn có khả năng cứu rỗi tâm hồn bạn. Những câu từ trong cuốn sách ấy, bằng một cách nào đó như những lời an ủi, động viên, giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn”, Jorg Magenau chia sẻ.
Đồng thời, Jorg Magenau cũng nhận định, giới trẻ hiện nay có xu hướng đọc sách rất thú vị, họ vừa đọc vừa tra cứu trong thời buổi 4.0, chứ không chỉ dừng lại ở việc giúp thư giãn. Và trong thời gian tới, ông cũng sẽ gặp gỡ nhiều hơn các các bạn trẻ để nghiên cứu về vấn đề này.