Bom tấn phim truyền hình Việt và nhiều kỷ lục đặc biệt
Đánh dấu sự trở lại của đạo diễn nổi tiếng “mát tay” nhưng vô cùng khắt khe trong nghề nghiệp của đạo diễn Lưu Trọng Ninh ngay sau phần 3 của phim ăn khách một thời là Hoa cỏ may”, “Thương nhớ ở ai” là một trong những bộ phim truyền hình Việt chứa đựng nhiều kỷ lục bởi sự kỳ công, tâm huyết của ê kip thực hiện trong những hoàn cảnh, điều kiện làm phim còn hạn chế ở Việt Nam.
Nhiều cảnh quay đẹp, đậm chất điện ảnh trong "Thương nhớ ở ai" |
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh vốn nổi tiếng khó tính và “độc tài” trong sáng tạo nghệ thuật nhưng trong “Thương nhớ ở ai”, lần đầu tiên ông chấp nhận phối hợp với nghệ sĩ Bùi Thọ Thịnh trong vai trò đồng đạo diễn. Đạo diễn cho biết ông bị bệnh tim, sức khỏe rất yếu. Khi bắt đầu quay phim, có những ngày, ông phải vịn tường mới đứng dậy được nên đã đề nghị đạo diễn Đỗ Thanh Hải, giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt NamVFC bố trí cho một trợ thủ đắc lực nên đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã tìm đạo diễn Bùi Thọ Thịnh.
Cảnh trong phim "Thương nhớ ở ai" |
Lâu nay mọi người đều quan niệm, phim truyền hình không kỳ công như điện ảnh nhưng “Thương nhớ ở ai” mất đến 3 năm để thực hiện. Toàn bộ ê kíp thực hiện phim đều cho rằng họ đã làm rất nhiều phim nhưng “Thương nhớ ở ai” là phim mang nhiều tâm huyết nhất. Riêng khâu chọn cảnh, đoàn đã mất hơn 3 tháng. Bối cảnh phim là một làng quê Bắc Bộ truyền thống nhưng để có cảnh quay ưng ý, đoàn đã phải thực hiện trên 2.000 cảnh quay tại rất nhiều tỉnh thành. Kinh phí làm phim chỉ có hạn nhưng chỉ khâu tiền cảnh đã bị hao hụt đến 3/4.
Diễn viên Việt kiều Lâm Vissay "lột xác" thành anh bộ đội phục viên - một trong số các vai "nặng ký" nhất trong phim |
Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cho biết, để xử lý được hơn 2.000 cảnh quay khắp nhiều tỉnh thành thành bối cảnh của một ngôi làng Bắc Bộ truyền thống và để cho khán giả thấy được “màu thời gian” và rất nhiều hoài niệm gửi gắm trên từng thước phim là một sự thách đố không dễ dàng. Có những ngày mưa rét, kể cả những người thường ngày là giám đốc của một công ty, rất đạo mạo sang trọng nhưng vẫn phải quần đùi, lội nước, đẩy bè mới có được cảnh quay ưng ý. Có cảnh quay tiền kỳ rồi nhưng đạo diễn yêu cầu làng quê Bắc Bộ này không được lặp lại những cái cũ của “Bến không chồng” nên riêng ê kíp thực hiện kỹ xảo phải mất 10 lần làm đi làm lại và 2 năm sau mới tạm hoàn thiện.
Cùng với rất nhiều tâm sức trong thực hiện hình ảnh kết hợp chuyển tải cảm xúc của nhân vật thì nhạc phim cũng là một kỳ công. Trong quá trình làm phim, ê kíp đã phải thay thế đến 4 nhạc sĩ. Người thứ 5 được chọn là một nhạc sĩ đã có bề dày sáng tạo thành công cho vài chục nhạc phim, trong đó có 2 phim truyền hình đặc biệt nổi tiếng về nông thôn là “Gió làng Kình” và “Ma làng”.
Ca Nương - "diện mạo" hoàn toàn khác của diễn viên Thanh Hương sau bộ phim ăn khách "Người phán xử" |
Trong phim có sử dụng rất nhiều âm nhạc truyền thống: Ca trù, hát Chèo, hát ru, Chầu văn, Quan họ, hát Xẩm, độc tấu đàn bầu. Nhạc sĩ phải thu âm từ khâu tiền kỳ sản xuất phim rồi hòa trộn âm nhạc làm sao cho khớp với diễn xuất của diễn viên, đẩy được cảm xúc cho người xem thì vô cùng khó. Chưa kể, nếu chỉ sử dụng âm nhạc truyền thống thì sẽ cũ nên nhạc sĩ phải kết hợp thêm âm nhạc của phương Tây. Có lẽ vì đòi hỏi nhiều kỳ công như thế nên có những lúc, đạo diễn và người làm nhạc phim tranh cãi gay gắt đến mức tưởng chừng “đứt gánh giữa đường”.
Phần hậu kỳ phim kéo dài, đòi hỏi nhiều kỳ công nên đến tận cuối tháng 10, khi chỉ còn gần chục ngày nữa “Thương nhớ ở ai” chính thức phát sóng, phần hậu kỳ cuối cùng vẫn chưa được hoàn tất. Ê kíp thực hiện phim còn cho biết, kinh phí cho vài chục con người làm việc trong khâu hậu kỳ trong suốt 2 năm này chỉ hơn 200 triệu đồng…
Sẽ không quá đặc biệt nếu nói “Thương nhớ ở ai” là tác phẩm được hoàn thành nhờ tâm huyết và quyết tâm dâng tặng khán giả một ngôi làng Bắc Bộ đẹp chưa từng có - một ngôi làng đã mất đi không còn ở bất kỳ nơi nào ở trên đất nước nhưng là hoài niệm của rất nhiều người và rất nhiều người và rất nhiều người đang mong muốn có lại nó.