Băn khoăn phim có nội dung bạo lực, cảnh “nóng” phủ sóng truyền hình
- Phim truyền hình nối dài: Dễ làm, không dễ thành công
- Phim truyền hình Việt về hôn nhân gia đình lên ngôi: Vẫn là kịch bản nước ngoài!
- Kiểm duyệt phim truyền hình: Giới hạn thế nào là vừa đủ?
Thực tế, không chỉ đến hiện nay, phim truyền hình về “thế giới ngầm” có nội dung bạo lực hay cảnh nóng mới hiện diện trên sóng truyền hình. Chỉ có điều, những phim này chưa thực sự có được sức lan tỏa và được chú ý như nhiều bộ phim truyền hình gần đây.
Nếu chỉ riêng trên Đài truyền hình Việt Nam, năm 2017 – 2018 này, khán giả đã có ít nhất 3 bộ phim truyền hình dài tập khai thác rất sâu về “thế giới ngầm”: Người phán xử, Quỳnh búp bê, Kẻ ngược dòng.
Không thể phủ nhận sự đầu tư về nhân lực, vật lực của nhà sản xuất nhằm nâng cao chất lượng các phim cũng như công tác quảng bá rầm rộ, liên tục qua nhiều kênh thông tin chính thống lẫn mạng xã hội đã tạo hiệu ứng lớn cho các phim này.
Tuy nhiên, cũng ít có những phim truyền hình Việt nào được phát sóng rộng rãi thời gian gần đây lại gây nhiều tranh cãi bởi tính bạo lực cũng như những phân cảnh phô bày cơ thể, hành động chốn phòng the như một số phim này.
Những cảnh đánh đấm là gia vị để hấp dẫn khán giả nhưng cần được tiết chế, tránh gây phản cảm trên sóng truyền hình. |
Nếu với “Người phán xử”, các phản ứng gần như chỉ tập trung vào những hình ảnh, phân đoạn được phán tán trong quá trình quảng bá phim, mà cụ thể hơn nữa là các đoạn phim ngoại truyện, thì đến “Quỳnh búp bê”, các nội dung, hình ảnh bị cho là quá đà, không phù hợp với việc phát rộng rãi trên sóng truyền hình quốc gia vào khung giờ vốn dành cho nhiều thế hệ cùng xem.
Nếu với “Người phán xử”, những tranh cãi ồn ào chỉ dừng phần lớn ở mạng xã hội thì với “Quỳnh búp bê”, đã có thời điểm, nhà đài phải tạm ngưng phát sóng vì sức ép của dư luận. Nhưng, không ít khán giả yêu thích bộ phim này lại cho rằng, ngưng phát sóng là quyết định không thích đáng.
Biên kịch Kim Ngân – một trong những nhà báo có uy tín lâu năm, đồng thời là người chấp bút cho kịch bản phim “Quỳnh búp bê” cũng khẳng định, những “cảnh nóng” và nội dung bị cho là có tính bạo lực trên phim là yếu tố cần thiết để chuyển tải được vấn đề, thông điệp mà ê kip thực hiện gửi gắm trong tác phẩm.
Quyết định cho phát sóng tiếp phim này vào một khung giờ khác, hướng đến đối tượng khán giả đã trưởng thành của nhà đài sau đó được cho là khá hài hòa. Dù rằng, quyết định này chưa thể khiến phần lớn các phụ huynh yên tâm mỗi khi có thông tin về một phim truyền hình khác có thể có những nội dung tương tự được phát sóng, thậm chí e ngại, lo lắng về mật độ phát sóng quá dày sẽ có những ảnh hưởng thiếu tích cực đến sự phát triển của con em họ.
Những cảnh “đánh đấm” là gia vị để hấp dẫn khán giả nhưng cần được tiết chế, tránh gây phản cảm trên sóng truyền hình. |
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, nội dung bạo lực, yếu tố tình dục luôn gây tò mò với con người, dù ở bất cứ thời đại nào. Có khác chăng là hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nội dung này có điều kiện phát tán dễ dàng, rộng khắp hơn và sức ảnh hưởng tiêu cực của nó với đời sống xã hội cũng tăng gấp nhiều lần hơn.
Với phim ảnh, đây là một mảng nội dung dễ thu hút sự chú ý của người xem, được nhiều nhà sản xuất sử dụng như một trong những yếu tố cứu vãn sự trì trệ của điện ảnh, nhất là khi những vấn đề có tính chất muôn thủa về tính nhân văn chưa đủ sức thu hút số đông công chúng như mong muốn. Chưa kể, quan niệm về cảnh nóng, bạo lực của chúng ta ngày một mở hơn trước.
Độ mở lớn hơn, cho phép nhà sản xuất gia tăng liều lượng ấy nhiều hơn trên phim ảnh. Nhưng, cũng không thể vì thế mà đồng nhất việc thu hút khán giả với sự dễ dãi. Nhiều phim truyền hình Việt thời gian qua bị phản ứng là vì có một phần dễ dãi của người làm nghề trong đó. Chưa kể, việc phát sóng phim có nội dung như thế này cũng cần phải tính toán cẩn thận.
Nếu phim chỉ phù hợp với người trưởng thành thì nên tập trung phát vào những khung giờ, những kênh truyền hình đặc thù. Với những kênh phổ biến, khung giờ mà đại đa số người xem, đông đảo lứa tuổi cùng xem thì càng phải chọn lọc kỹ càng.
Phim phát sóng, ngoài yêu cầu về chất lượng nghệ thuật thì phải “sạch” về hình ảnh, không bị vướng vào những vấn đề phải tranh cãi. Kể cả là các phim thu hút người xem, coi các cảnh nóng, nội dung bạo lực như là yếu tố gia giảm để giúp người xem tiếp cận hiện thực một cách chân thực hơn và người xem trưởng thành chưa chắc đã chịu ảnh hưởng xấu, hay độc hại thì cũng cần phải cân nhắc.
Bởi lẽ, khi con người tiếp cận thường xuyên, sống trong một môi trường, dù là môi trường ảo quá đậm đặc yếu tố bạo lực, tình dục thì dù ít dù nhiều cũng bị nhiễm độc. Chưa kể, nếu mức độ phủ sóng quá rộng, các sản phẩm này còn tác động đến những đối tượng chưa được trang bị kiến thức đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến cách nghĩ, cách nhìn, cách ứng xử trong đời sống xã hội thực tế ngoài đời.