Phim hình sự Việt và bước chuyển mình ngoạn mục

Thứ Bảy, 17/02/2018, 17:07
"Bí mật tam giác vàng", "Người phán xử", "Vực thẳm vô hình" và sắp tới là "Đánh tráo số phận"... là những bộ phim truyền hình về đề tài hình sự ấn tượng đã, đang và sắp phát sóng trên những kênh chính của Đài truyền hình Việt Nam. 

Tròn 20 năm kể từ khi dòng phim này ra đời (1998 - 2018), dù có những thời điểm không ra mắt một cách ồ ạt, nhưng những bộ phim gần đây ngày càng khẳng định bước tiến mới trong việc chinh phục khán giả.

1. Luôn đứng đầu trong danh sách những bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích nhất thời gian vừa qua, "Người phán xử" xứng đáng là bộ phim đình đám nhất của năm 2017. Ngay từ khi lên sóng những tập đầu tiên, "Người phán xử" đã nhanh chóng chiếm được sự chú ý của khán giả với kịch bản phim hấp dẫn và lối diễn chân thực, xuất thần của các diễn viên. 

Bộ phim không chỉ lôi kéo khán giả trở lại với phim truyền hình Việt mà còn thay đổi những suy nghĩ thông thường lâu nay của khán giả về phim hình sự. "Người phán xử" đã làm được điều mà trước nay không nhiều bộ phim làm được đó là phản ánh thế giới xã hội đen phức tạp từ trong lòng nó chứ không phải bằng con mắt quan sát ở bên ngoài nhìn vào. 

Dù từ trước đến nay, không phải đến "Người phán xử" thì thế giới xã hội đen, thế giới ngầm mới được các nhà làm phim khai thác nhưng bản chất mưu mô, thủ đoạn và đầy dã man của thế giới tội ác thì đến "Người phán xử" mới được phản ánh một cách chân thực, khốc liệt.

Có thể nói "Người phán xử" - mặc dù là bộ phim truyền hình mua kịch bản nước ngoài nhưng đã được Việt hóa thành công nhờ những chi tiết hấp dẫn và sự nhập vai xuất thần của các diễn viên. 

Và, mặc dù là một bộ phim hình sự nhưng yếu tố giải trí của "Người phán xử" cũng được các nhà làm phim khai thác tối đa, không nhấn mạnh vào những pha đánh đấm bạo lực mà đi sâu vào giằng xé trong đời sống nội tâm nhân vật cũng như tâm lý tội phạm. 

Là một ông trùm nhiều quyền lực, chi phối mọi hoạt động trong thế giới ngầm tàn khốc nhưng Phan Quân cũng là một con người sống có nguyên tắc và ứng xử rất đàn anh. Trong con người tưởng như chỉ biết làm ăn phi pháp này lại chứa đựng những triết lý sâu sắc về tình cảm gia đình, tình cha con, nghĩa vợ chồng.

Lâu nay, nhắc tới thể loại phim Cảnh sát hình sự là người ta nhớ tới cuộc chiến chống tội phạm của các chiến sĩ Cảnh sát nhưng "Người phán xử" lại vô cùng tiết chế những hình ảnh liên quan tới sắc phục.

Biên kịch Khánh Bùi - người chắp bút viết phần 2 của phim - chia sẻ: "Sau rất nhiều những thảo luận, bàn bạc thì tuyến nhân vật Công an trong "Người phán xử" đã được thay đổi khá nhiều. Mặc dù thời lượng xuất hiện ít hơn nhưng vai trò của những chiến sĩ Công an trong việc phá án không giảm đi". 

Tư duy làm phim hình sự mới mẻ, cách khắc họa chiến công của các chiến sĩ Công an khéo léo, hợp tình hợp lý đã mang đến điểm cộng cho bộ phim hình sự này.

Không có sức hút mạnh mẽ ngay từ khi phát sóng như "Người phán xử" nhưng "Vực thẳm vô hình" càng ngày càng khẳng định là bộ phim hình sự có được chất hấp dẫn riêng. Có thể nói "Vực thẳm vô hình" là phim hình sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố: hình sự, hành động và tâm lý xã hội nên câu chuyện về tính cách, cuộc đời, số phận nhân vật cũng như các tình tiết vô cùng sinh động, phong phú. 

Các nhân vật đều có cá tính, dấu ấn sâu sắc từ các nhân vật chính diện như Nghĩa, Thiện... đến những nhân vật phản diện như Cương, Kiều, Khanh... Điều đặc biệt, lần đầu tiên thế giới những nhân vật phản diện được miêu tả khá chân thực và "đời". 

Là thủ lĩnh băng nhóm "Sói Sài Thành", chuyên thực hiện những phim vụ trộm cướp lớn với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh nhưng trong gia đình Cương vẫn là một người rất mực yêu thương vợ con, hành động nghĩa hiệp. Trượt dài trong thế giới tội ác, vì những vụ lợi, toan tính, Cương đã đánh mất tất cả những gì đẹp đẽ của cuộc đời mình. 

Bên cạnh tuyến nhân vật tội phạm được miêu tả khá kỹ lưỡng, những chiến sĩ Cảnh sát phá án trong "Vực thẳm vô hình" cũng đã thuyết phục được khán giả không chỉ bởi sự mưu trí, dũng cảm mà còn bằng những trái tim đầy nhân hậu. 

Để chiến thắng của họ trước những tội phạm là chiến thắng thuyết phục, thực sự tâm phục, khẩu phục. Ngoài ra, "Vực thẳm vô hình" còn khá thẳng thắn khi đề cập đến những tiêu cực "con sâu bỏ rầu nồi canh" trong lực lượng Công an, đó là sự bao che, bảo kê cho những hành động sai trái của một vài nhân vật có quyền lực.

Khi "Vực thẳm vô hình" đi vào những tập cuối cùng, cũng là thời điểm "Đánh tráo số phận" ra mắt khán giả. Nhân vật trung tâm của phim, nữ quái Hà Linh (diễn viên Nhung Kate hóa thân) sẽ có những thay đổi thú vị, đa chiều khi mang vỏ bọc của cô giáo Trâm Anh. 

Chia sẻ về bộ phim hình sự mới của mình, đạo diễn Trần Chí Thành cho rằng phim của anh sẽ không đi sâu vào đánh đấm, võ thuật như lâu nay mọi người vẫn thường hình dung mà tập trung vào khai thác màn đấu trí giữa lực lượng Cảnh sát và tội phạm. Chuyện phim sẽ được nhấn nhá để đủ sức hấp dẫn khán giả đến tập cuối cùng. 

Bản thân anh cũng cho rằng, với một bộ phim hình sự thì kịch bản phim vô cùng quan trọng. Kịch bản nhiều màu sắc, khai thác sâu, chứa đựng nhiều tình huống, nhiều yếu tố bất ngờ sẽ khiến khán giả tò mò từ đầu đến cuối phim.

2. Sau tròn 20 năm ra đời, phim hình sự Việt vẫn luôn giữ vị trí là dòng phim đặc biệt có sức thu hút khán giả mạnh mẽ. Tuy nhiên, lại không dễ dàng để làm phim cũng như để có phim hay như thừa nhận của hầu hết các đạo diễn theo đuổi mảng phim này. Từ "Bí mật tam giác vàng" đến "Người phán xử", "Vực thẳm vô hình" và một loạt những bộ phim đề tài hình sự chiếu trên màn ảnh nhỏ sau này đã kế thừa và phát huy được sự phát triển của dòng phim hình sự nhiều năm qua. 

Nhiều bộ phim đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho thấy cuộc chiến cam go giữa những người thực thi pháp luật là những chiến sĩ Công an với các loại tội phạm từ ma túy, giết người cướp của tới tham nhũng hay tội phạm công nghệ cao. 

Những ai đã từng đắm đuối với seri phim "Cảnh sát hình sự" đều nhớ những bộ phim như "Chạy án", "Cổ cồn trắng", " Bí mật tam giác vàng" đã tạo được cơn sốt trong lòng khán giả.

Phim thì phản ánh cuộc chiến khốc liệt phía sau những bản án kinh tế, phim lại vén được tấm màn cận cảnh về khu Tam giác vàng - ngã ba biên giới của thuốc phiện, đói nghèo, bạo lực mà còn ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp khác. Và, dù trên bất kỳ mặt trận nào cũng đều nổi lên cuộc chiến vô cùng cam go, vất vả giữa các chiến sĩ Công an và những đối tượng tội phạm ngày càng nguy hiểm.

Một trong những lý do khiến những bộ phim hình sự gần đây tạo được cơn sốt trong lòng khán giả vì kịch bản cũng như các nhà làm phim không đi theo lối mòn quen thuộc. Đi sâu vào khai thác diễn biến tâm lý tội phạm, cắt nghĩa được đầy đủ, lô gic những góc khuất nội tâm của những người lầm đường, sa chân vào xã hội đen đang là một hướng đi mới của phim hình sự Việt Nam. 

Nói như đạo diễn Vũ Hồng Sơn, người đã từng thực hiện hàng trăm tập phim Cảnh sát hình sự thì để có phim hay phải mạo hiểm: "Nếu chỉ nhăm nhăm sợ đụng chạm thì khó có phim hay. Đừng né tránh và phải đi sâu vào nhiều góc cạnh của đời sống mới tránh phim khỏi sự khô cứng, nhàm chán". 

Sự thành công của "Người phán xử", "Vực thẳm vô hình"... chính là minh chứng cho việc thay đổi của cả ê kíp làm phim. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC thì cho rằng sở dĩ phim hình sự Việt ngày càng lấy lại được vị thế trong lòng người hâm mộ vì các nhà làm phim đã khéo léo trong việc phản ánh cuộc đấu tranh tội phạm của thế giới tội phạm. 

Bên cạnh những uẩn khúc trong các mối quan hệ được dẫn dắt khéo léo, các bí mật bị che giấu dần dần hé lộ, câu chuyện phim cũng đan xen tạo nên kịch tính. Đặc biệt cả nhân vật tội phạm và các chiến sĩ Công an đều không bị miêu tả một chiều mà khắc họa đậm nét với tính cách và số phận riêng.

Tuấn Phong
.
.
.