Những tập tục lạ của đồng bào S'Tiêng ở lõi rừng Nam Cát Tiên

Thứ Hai, 23/11/2015, 19:36
Hôn nhân và những hủ tục của đồng bào S'Tiêng, Mạ sống trong lõi rừng Nam Cát Tiên vẫn luôn là một kho tàng đầy bí ẩn. Từ chuyện nữ giới phải có dái tai to và rách te tua mới lọt vào mắt xanh của cánh mày râu, cho đến việc đàn ông phải ở rể suốt đời vì không trả được lễ đã trở thành "đặc sản tinh thần" níu lòng bao đôi chân lữ khách.
1.Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh chạy dọc theo quốc lộ 20 gần 200km, qua nhiều đoạn đường gấp khúc, vượt lên cầu treo Tà Lài, đoạn bắc ngang sông La Ngà, chúng tôi đặt chân lên bìa rừng Nam Cát Tiên (xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai). Trái hẳn với cuộc sống văn minh bên kia dốc cầu, ở bên này, nét văn hóa dân tộc vẫn còn nguyên sơ, thuần khiết.

Phi xe bạt mạng trên cung đường đất đá lô nhô, trong ánh chiều chạng vạng, những đứa con của núi với khố trần và đôi chân đất lầm lũi đi về những liếp tranh tỏa khói lam chiều. Họ nói cười rúc rích với nhau, chúng tôi chẳng hiểu gì, nhưng có một điều dễ dàng nhận thấy đó là dái tai đàn bà đàn ông đều dài thườn thượt và to bành, bên trong họ dùng một mẩu gỗ nong cho lỗ tai có thể nhét được quả trứng gà.

Gặp Trưởng ấp 4 K'Bách ngoài bìa rừng đang thong dong ngậm tẩu thuốc rê đi bộ trên đường, ông nở một nụ cười đen nhánh sau làn khói thuốc, trả lời phớ lớ khi chúng tôi hỏi về tập tục của đồng bào: "Ở đây người ta thích để tai dài lắm, dái tai càng dài chứng tỏ nó đẹp, nó giàu".

Cầu treo nối văn minh về Tà Lài.

Tà Lài đang vào mùa vụ, người dân đi rẫy vài tuần trăng mới về một lần nên  trong buôn chỉ còn lại trẻ nhỏ và cụ già. Trưởng ấp K'Bách dẫn chúng tôi đến giữa làng và dừng lại trước một ngôi nhà đơn sơ với bốn vách lợp lá tranh, nền đất loang lổ, nhàu nhĩ, ông giới thiệu: "Nhà già làng K'Lư, hơn 90 tuổi rồi, già K'Lư biết nhiều về cái tai dài lắm. Cứ hỏi thoải mái đi, cái gì già cũng biết mà". Già K'Lư nheo mắt bước ra từ gian bếp, ông sở hữu một bộ dái tai dài chạm cằm, lỗ tai to bằng quả đấm, minh chứng oai hùng của một già làng đầy quyền uy. Già K'Lư nựng nịu dái tai rồi phát ra giọng nói đầy sức mạnh: "Cái này đồng bào mình gọi là torshutor (nong tai)".

Trong không gian bảng lảng khói bếp, già K' Lư khệ nệ ôm ché rượu ra mời khách, men rượu nồng lên thơm ngào ngạt, ngất ngây lòng người. Chuyện thủa xưa tổ tiên khai thiên lập địa, chuyện tập tục của đồng bào cứ miên man theo từng ngụm rượu cần đầy ắp của già K'Lư. 

Theo già, đồng bào S'Tiêng muốn có một đôi tai dài là cả một quá trình rèn giũa đầy đau đớn về thể xác. Bắt đầu từ việc trẻ con mới sinh ra đã được cha mẹ xỏ lỗ tai bằng cọng lúa hoặc cọng lồ ô rồi đeo vào đó một vật nặng. Cơ thể càng phát triển thì lỗ tai càng to ra, và chỗ nong cũng giãn theo, kéo dái tai chảy dài xuống. Tuổi trưởng thành, lỗ nong được thay bằng vật nặng hơn, to hơn.

Dù đau đớn, khó chịu đến mức nào cũng không được tháo ra. Nong dái tai đến khi nào nó đứt mới thôi, và đó chính là vẻ đẹp tinh túy và trọn vẹn nhất của một cơ thể sống người S'Tiêng. Tuy nhiên, không phải ai nong tai cũng đạt đến cảnh giới đứt để được vẻ đẹp hoàn mỹ. Chỉ những người được Giàng phù hộ, được thần linh chỉ điểm mới cho đứt lỗ tai để sau này hưởng giàu sang phú quý, được mọi người kính nể. 

Già K'Lên viên mãn khi sở hữu đôi dái tai to và đứt te tua.

Để minh chứng cho lời nguyền bất diệt ấy, già K'Lư chỉ sang ngôi nhà sàn kế bên có cặp vợ chồng sống trường thọ, sung sướng có tên là K'Lên. 96 tuổi nhưng hằng ngày ông K'Lên vẫn đeo gùi lên nương rẫy. Vợ ông, bà K'Ho (92 tuổi) nghiêng một bên tai cho chúng tôi xem rồi tự hào cho biết: "Chồng tôi có dái tai đứt, quý lắm. Còn tôi thì không có phước phần ấy, tôi chỉ có vành tai to thôi. Tai to chưa hẳn đã giàu sang, mà phải tìm cho bằng được một mẩu ngà voi làm hoa tai. Ai sở hữu được hai cái đó, ắt hẳn sẽ giàu có và trường thọ. Để có đôi hoa tai ngà voi, ngày xưa cha mẹ già phải đổi bằng một con trâu mộng. Tai không to thì không giàu, như thế nghĩa là vừa xấu và nghèo, chẳng ai chịu lấy làm vợ cả. Một cô gái đeo cặp hoa ngà voi đến rách tai thì gia đình sẽ giết trâu, mổ lợn, bắt gà để mở tiệc linh đình, mời cả làng đến ăn mừng".

Con gái nhà nào không căng tai thì rất khó lấy chồng. Trong con mắt của các chàng trai buôn làng, người con gái đẹp thì phải có một đôi tai dài. Tai càng dài, rộng và rách te tua thì cô gái mới được nhiều chàng trai vạm vỡ, tài giỏi ngỏ lời yêu. Cũng nhờ hồi còn trẻ chịu khó nong tai, lại được đeo đôi ngà voi sáng bóng mà bà K'Ho đã lọt vào tầm ngắm của ông K'Lên.

Nắn cặp ngà voi trăm tuổi, sáng bóng hai bên tai, bà K'Ho rít một hơi rượu cần thật sâu, mặt đăm chiêu buông lời: "Giàng ơi, giờ hoa tai ngà voi cũng hiếm lắm. Tai mấy bà mấy ông vẫn dài, vẫn to mà cặp ngà voi thì chẳng mấy ai còn giữ, đem bán hết rồi. Không có ngà voi nên lũ trẻ cũng chẳng thích thú gì với việc nong tai".

2.Giống như người anh em S'Tiêng, người Mạ ở Tà Lài những ngày không lên nương, họ quây quần bên ché rượu cần được ủ ấm suốt mùa đông, đắm mình trong những cơn say bất tận qua tháng rộng năm dài. Già làng K'Gõ (84 tuổi), người được mệnh danh là "Kho tàng văn hóa sống" của người Mạ, thiết đãi chúng tôi bằng bữa tiệc hồi ức trong ngần về phong tục hôn nhân của đồng bào mình.

Hôn nhân của người Mạ theo chế độ phụ hệ, một vợ một chồng và không tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ như một số vùng dân tộc thiểu số khác. Con cái đến tuổi trưởng thành (15-17 tuổi) thì được thoải mái tự do tìm hiểu đối tượng mình sẽ lấy làm chồng vợ. Trừ vài trường hợp cha mẹ có hôn ước từ khi đứa trẻ còn nằm trong bào thai thì sẽ không được chọn lựa. Nếu bên nào cố tình bội ước thì phải trả lễ thật nặng. Thực tế đây là một hình thức "phạt vạ" đã tồn tại từ lâu của người Mạ. Lễ vật phạt gồm hai con trâu, bốn con heo, rượu cần, chóe, gạo, thóc, gà vịt…

Mẩu ngà voi dùng làm hoa tai được xem như báu vật của người S'Tiêng.

Việc tự tìm bạn đời, hẹn hò tán tỉnh của con cái trong nhà, cha mẹ không có bất kỳ ngăn cấm hay ràng buộc nào. Khi nào đôi trai gái cảm thấy "ưng cái bụng" thì có thể dắt nhau vào rừng hay những nơi vắng vẻ để tìm hiểu. Thậm chí, sau khi G'bổ (thương nhau), họ có thể tầm-pài (ngủ với nhau) miễn là không cùng huyết thống và không được để có bầu.

Nếu người con gái mang bầu trước khi kết hôn thì sẽ bị phạt rất nặng, có thể bị đuổi ra khỏi làng. Theo anh K'Lâm, cán bộ văn hóa xã Tà Lài, dù phong tục của người Mạ rất thoáng trong chuyện trinh tiết nhưng một cô gái không ăn ngủ cùng lúc với nhiều chàng trai sẽ được mọi người đánh giá có đạo đức. Nếu một cô gái được hai chàng trai để ý thì phải có một cuộc thách đấu bằng xà gạc (dụng cụ đi rẫy). Ai đủ bản lĩnh giành chiến thắng sẽ được lấy cô gái làm vợ.

3.Đêm buông xuống âm u tĩnh mịch, ánh lửa bập bùng hâm nóng cái lạnh se sắt của  núi rừng, những câu chuyện hủ tục của người Mạ, người S'Tiếng ở lõi rừng Nam Cát Tiên càng dài bất tận. Nghệ nhân dân gian Ká Rển tâm sự: "Trong quan niệm của người Mạ, con gái khi đi lấy chồng được xem là "mất luôn". Vậy nên, nhà gái sẽ đòi hỏi sính lễ rất cao đối với nhà trai như một cách đổi chác công sức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ''.

Trước khi tiến hành hôn lễ, nhà trai phải nạp nhiều lễ vật có giá trị khác như: hai con trâu, sáu con lợn, một cặp chiêng, ba mươi cái ché quý. Ngoài ra, họ còn phải đãi tiệc dân làng nhiều ngày liền. Đây là khoản nặng nề nhất, nó có thể đem ra để làm thước đo bản lĩnh của một chàng trai.

Nếu đáp ứng được, chàng trai đó được cho là người đàn ông tốt. Tuy nhiên, chàng trai có thể khất nhà gái phần sính lễ nếu như chưa thể trả hết nhưng với điều kiện chàng trai phải đi ở rể. Chỉ khi nào sính lễ trả xong cô gái mới phải về làm dâu và những đứa con sinh ra mới được mang họ cha.

Chị Ká Rển vẫn đang mang họ mẹ vì cha chưa trả hết sính lễ ngày cưới.

Lễ vật nếu quy ra tiền có thể lên tới vài trăm triệu đồng nên nhiều chàng trai  nghèo không trả đủ sính lễ đành phải ở rể suốt đời. Mặc dù ăn ở với nhau có 10 mặt con nhưng người đàn ông vẫn chưa được xem là có vợ. Bản thân chị Ká Rển hiện vẫn phải mang họ mẹ vì cha chị chưa trả hết sính lễ. Và theo luật tục, cha của chị vẫn chưa thể có vợ con chính thức. Phong tục này hiện hữu đến cả đời chị, hiện chồng Ká Rển cũng đang ở rể vì ngày cưới anh không có sính lễ nạp đủ cho nhà gái.  

Chia tay Tà Lài khi những liếp tranh vẫn còn đỏ lửa, có một chút vui, chút buồn, chút ngỡ ngàng, man mác đọng lại trong chuyến đi. Không biết còn bao nhiêu chàng trai sau đêm ''tầm pài" phải xách túi đi ở rể và còn bao nhiêu cô gái chưa được cảm nhận phận làm dâu?

Ngọc Thiện
.
.
.