Ấm tình người ở "hẻm ông tiên"
Trò chuyện giữa cái nóng gay gắt của Sài Gòn, ông Đỗ Văn Út (tên thường gọi là Việt) tay quệt mồ hôi, nói không nhớ đã bắt đầu công việc tình nghĩa này từ bao giờ. Năm nay 54 tuổi, ông Việt đã có hơn 20 năm đẩy xe đồ nghề sửa xe ra đầu hẻm 96 Phan Đình Phùng bơm vá miễn phí cho người nghèo và nổi tiếng chuyên “chạy” lo dịch vụ mai táng không công cho những người cùng đường lỡ vận.
Đầu con hẻm, đập vào mắt người đi đường là hai tấm bảng lớn treo song song hai bờ tường, ghi “Cơ sở mai táng Vạn Phúc, trợ táng, tặng áo quan miễn phí cho gia đình khó khăn”. Dưới tấm bảng, vài tờ rơi nhận mổ mắt từ thiện cho người nghèo, lẫn với mấy dòng chữ vẽ nguệch ngoạc “Hẻm 96, hẻm ông tiên”. Kề bên, một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ, nghiêm trang đang dựng chiếc xe lại ngay ngắn, phóng mắt ra đường tìm khách.
Chị Thanh Nhàn (31 tuổi), bán nước ở đầu hẻm cười to, nói: “Ngày trước khi tiếp quản, ở đây có một ông thầy thuốc mở tiệm tên là Ông Tiên thật, ông chuyên đi giúp đỡ người nghèo nên người ta gọi ví von như vậy cho dễ nhớ”. Dù không có quan hệ gì với ông thầy thuốc đã từng sống trong con hẻm này nhưng trong mắt người lao động, một cách không chính thức, vẫn thầm coi ông Việt là “ông tiên” trong mắt mình.
Hơn 11 giờ trưa, khi cư dân quanh khu phố lục đục chuẩn bị bữa cơm trưa thì ông Việt tất tả đội nắng vòng ngược từ chỗ làm trở về nhà ở đường Cô Giang, quận 1. Nửa tiếng sau trở lại, trước baga xe của ông chất 4 thùng nước lớn với một bình trà. Đặt mấy thùng nước ngay sau bộ đồ nghề sửa xe, ông nói mỗi ngày đều xuất tiền túi ra mua 4-5 bình nước lọc 20 lít, mỗi bình 13.000 đồng và dậy sớm châm trà để đúng 5h30 mỗi ngày là đã có mặt ở đây để bình trà cho người đi đường luôn sẵn sàng. Cứ hết nước là ông lại đáo về nhà để châm thêm.
Ông Việt hớp ngụm trà đá cho thấm giọng, vừa chỉ vào chiếc xe máy dựng sát vách tường: “Nghề chính của tôi đó, kiêm luôn sửa xe từ những năm 1990 trở lại đây. Ngày trước tôi ở trong con hẻm này, sau đó bán nhà chuyển qua quận 1 sống. Con đường này hàng ngày đều có rất đông người lao động, người khuyết tật đẩy xe có nhu cầu bơm vá xe. Vé số bán 10 tờ mới lời được 10.000 đồng. Không lẽ mỗi lần làm cho họ, cầm tờ năm nghìn, mười nghìn ướt nhẹp mồ hôi mà đành đoạn. Thế là tôi luôn làm miễn phí và dặn họ có hư hỏng gì thì trở lại. Có nhiều chiếc xe cũ, lốp mòn đến bén ngót, tôi chạy đi mua cái mới thay luôn. Một cái lốp gần cả trăm nghìn, với họ đó là số tiền rất lớn”.
Nói về cơ duyên cho chuỗi những việc thiện, ông chỉ vào bình trà đá có đề chữ “miễn phí” rồi cười: “Tất cả bắt đầu từ đây, cho người qua đường có miếng nước thấm môi”. Năm 2012, hẻm 96 bắt đầu có thêm một tủ thuốc nho nhỏ. Ông kể, khúc đường này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. “Hễ nghe cái rầm là anh em xe ôm chúng tôi chạy ra. Chạy mua bông băng, dầu gió thì xa quá, nhà thuốc cách đó hơn 300m, sợ người bị nạn chờ lâu nên tụi tui hùn tiền nhau mua ít đồ cứu thương, thuốc men cảm sốt, đau mình, sổ mũi. Trước là cứu người tai nạn, sau phục vụ bà con lao động bệnh vặt”, ông nói.
Từ tủ thuốc nhỏ xíu đó, ông nhớ lại, mỗi người có lòng đi ngang thì góp thêm vào một ít. Một số nhà hảo tâm tài trợ thường xuyên để ông Việt có tiền mua thêm nhiều loại thuốc nên tủ thuốc lưu động này được “mở thêm chi nhánh”, ông ví von, chỉ vào tủ thuốc lớn hơn nằm cạnh bên.
“Nhưng tôi đâu có làm một mình”, ông Việt cười lớn. Chìa khoá tủ thuốc chia cho ba người giữ: ông, một bạn xe ôm tên Phúc và cô Hạnh, người bán bánh cuốn cũng ở đầu hẻm. Chỉ người bạn tóc bạc ngồi gần đó, ông nói, “giờ chỉ còn mỗi tôi và anh Phúc, vì chị Hạnh đã xuất cảnh đi định cư. Trong ba chúng tôi, chị Hạnh là người thường xuyên tài trợ những khoản chi phí, khởi xướng việc phát cơm từ thiện mà sau này khi chị đi rồi, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của chị”.
Nhưng có lẽ, trong tất cả những câu chuyện đẹp về sự tử tế của con người quanh đây thì tấm lòng của một người chuyên đi lo hậu sự cho người dưng khiến người ta càng kính trọng ông Việt. Ông không nhớ chính xác câu chuyện hành trình đi “xin hòm” của mình bắt đầu từ sự kiện nào, nhưng cứ hễ nghe ở đâu có người “không có nổi một cái hòm chôn thân” thì ông lập tức có mặt. Một tháng có khi ông vận động đến 3-4 cái hòm, người ta chỉ trả phân nửa, nếu khó khăn quá thì ông cho luôn.
Trong đời “lo tang cho người dưng” của mình, ông Việt kể không bao giờ quên cái chết thương tâm của một cô gái miền Tây. Cặp vợ chồng người An Giang lên Sài Gòn làm công nhân, gặp tai nạn giao thông giữa đường khiến cô vợ chấn thương sọ não rồi qua đời sau đó.
“Anh chồng trên người chỉ có bộ quần áo, mấy ngày đêm như người mất hồn, mắt mở trừng trừng. Người trong bệnh viện tìm cho một thùng giấy, khoét cái lỗ, rồi anh chồng cứ thế ôm thùng đi hết phòng này tới phòng khác, khóc nức nở nhưng không mở miệng nói được câu gì nên phải có người đi theo giải thích giúp”, ông kể.
Viện phí nợ bệnh viện đến 43 triệu đồng, sau khi làm đơn xét giảm xuống còn 35 triệu. “Chi phí này do mọi người trong viện hùn nhau giúp, còn cái hòm và xe đưa về quê thì tôi vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ”, ông kể vanh vách từng chi tiết.
Cuộc chuyện trò với người lạ đứt quãng khi ông sực nhớ chưa châm thêm nước cho bình trà đá kê ở gốc cột điện. Chạy ra góc đường lui cui pha nước, có khi ông đang pha giữa chừng thì buông tay để bơm xe cho chị hàng rong.
Như chợt nhớ điều gì, ông say sưa kể tiếp. “Thông thường, vợ và con trai 17 tuổi đi theo hỗ trợ tôi nhưng có một lần khiến họ sợ. Một người hàng xóm cũ của tôi trong hẻm, ông đột tử giữa đêm trong cơn say, xác nằm cứng đơ trước bậc tam cấp nhà”, ông chỉ vào căn nhà khuất trong ngõ, nói. Gia đình mâu thuẫn nên không cho đem xác vào nhà, cũng không chịu bỏ tiền lo tang nên người dưng như ông Việt vừa phải đứng ra phân giải, vừa chạy vạy lo đồ cúng, xe tang. Ông giơ cánh tay lên chỉ, phải thoa rượu vào những khớp cơ, nấu nước tắm cho xác chết đàng hoàng mới yên tâm để người ta vào hòm, “nhắm mắt xuôi tay để họ đi cho thanh thản”.
Biết bao nhiêu lần tận tay liệm cho người ta, chứng kiến không ít tai nạn thương tâm nhưng lần làm tang cho người bạn khiến ông thêm tường tận nhân tình thế thái. Gia đình bốn người, ba năm ba mạng. “Bạn tôi chết vì tai biến, con rể và con gái thì nhiễm HIV. Căn nhà trên đường Đào Duy Từ nhỏ tới nỗi để cái hòm không vừa, lúc khiêng đi chôn chỉ có hai người lách vào được. Chứng kiến những hoàn cảnh như vậy, tôi càng cảm thông hơn cho người nghèo. Dù mình cũng không giàu bằng ai nhưng có nhiều người còn thê thảm hơn mình”, ông hạ giọng.
Ánh mắt ông Việt ánh lên khi nhắc đến ba chữ “Mạnh Thường Quân”, những con người nghĩa hiệp thực sự mà trong mấy mươi năm qua, ông gặp mặt họ chưa tới chục lần. Vừa làm vừa cho, với mức thu nhập chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng mỗi ngày, vợ đi làm tạp vụ, nếu không có họ đứng sau hỗ trợ, ông nói sẽ khó lòng theo đuổi tới cùng cái “nghĩa tận” cho người hoạn nạn.
Theo lời ông, bà Hồng ở Bình Thạnh và chị Nga ở quận 1 là hai trong số Mạnh Thường Quân thường trực nhất, thông qua ông để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. “Đặc biệt là bà Hồng, mỗi lần có ca khó tôi đều tìm bà. Có khi bà giúp phân nửa tiền, có khi là 2-3 triệu, có khi đưa đúng 3,6 triệu – số tiền hoả táng”, ông xoè tay đếm. “Mà ngộ lắm, vị này tôi gặp mặt dữ lắm được hai lần. Nhất quyết bà không cho biết nhà, sợ mình cảm ơn”.
Cũng nhờ hai Mạnh Thường Quân này mà hàng tháng, mùng 1 và rằm ông đều tổ chức phát bún chay cho người lao động. Người góp công, người góp của. Nếu như chi phí được nhà hảo tâm tài trợ thì vợ chồng ông đứng ra nấu ăn. Ông nói rành mạch, mỗi lần phát được từ 350-380 hộp, đều đặn từ năm 2015 tới nay.
Chỉ tay lên trên bảng dịch vụ mai táng, ông nói, nếu không nhờ anh Dũng - chủ cơ sở, thì người nghèo khó lòng đi đàng hoàng. Trong một lần rong ruổi khắp Sài Gòn tìm người hỗ trợ dịch vụ mai táng, ông Việt gặp anh, người từng hành nghề đạo tỳ (khiêng quan tài).
“Va chạm nhiều, chứng kiến nhiều người khi chết cũng không trọn vẹn nên nó hay cho không người ta cái hòm. Mà cho cũng phải cho cái hòm lớn tươm tất”, ông chia sẻ. Anh Dũng thật tình, xe tang hay nhân công của cơ sở anh đều phải đi thuê. Dù vậy, khi giúp người ta đưa xác về quê, tiền xe, tiền hòm lên đến cả chục triệu, nhiều lúc anh cho không. “Nó hay nói với tôi, làm như vậy thì khi nào mới giàu, rồi cả hai vỗ vai nhau cười”, ông Việt nói chơi.
“Làm công việc này nhiều lúc khó tránh điều tiếng”, ông Việt lắc đầu. “Tới nhà người ta lo đến khi xong đám ma, dù đói cách mấy tôi cũng ráng nhịn, chỉ dám hớp nước cầm chừng. Người hoả táng ở nghĩa trang đưa phong bao cũng khoát tay từ chối. Khi nào lo xong hết tôi mới ra ngoài lề đường ăn”, ông nói. “Sống nay chết mai, hôm nay ế thì cơm hàng cháo chợ, bữa nào hên thì cơm gà cháo vịt, cứ đùm bọc nhau mà sống thôi”, ông cười.