Xúc động chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe hơn 100km về bệnh viện thăm em

Thứ Sáu, 29/03/2019, 14:06
Nghe tin đứa em bé nhỏ mới sinh phải nằm viện, cậu bé Vi Quyết Chiến quyết định đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội để thăm em. Với chiếc xe không phanh, vượt qua đường đèo hiểm trở và những con dốc đứng, cậu bé vượt qua quãng đường hơn 100km và chỉ chịu dừng bước khi ngất lịm ở giữa đường vì mệt và đói. Đôi dép cũ cũng rách nát vì dùng làm phanh trong suốt hành trình. Rất may, một người phụ xe tốt bụng đã giúp cậu đi tiếp hành trình thăm em đó…


Hành trình thăm em

Câu chuyện vượt đường dài đi thăm em của cậu bé Vi Quyết Chiến (13 tuổi, người dân tộc Thái, trú tại Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La) đã làm nhiều người phải rơi nước mắt. Cách đây vài ngày, sự xuất hiện của cậu bé đã làm các bác sĩ, bệnh nhân tại Khoa Gan mật - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) phải xôn xao bất ngờ khi biết, cậu bé đã đạp xe 100km để xuống Hà Nội thăm em trai đang điều trị tại đây.

Anh Vi Văn Nam, bố của Chiến là người vô cùng bất ngờ khi nhận được tin con trai của mình đang ở trên xe khách để đến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Anh Nam cho biết, vào tối 25/3, khi nhận được số điện thoại của người lạ để hỏi về con trai mình, anh vô cùng lo lắng vì không rõ cháu gặp phải chuyện gì.

Em trai của Chiến đang điều trị tại bệnh viện.

Khi được biết, cậu con trai của mình liều lĩnh đạp xe xuống Hà Nội, giữa đường bị ngất xỉu nên được một tài xế xe khách giúp đỡ cho ăn uống và đi nhờ. Đêm hôm ấy, hai vợ chồng trằn trọc, lo lắng cho cậu con trai và chỉ mong cho trời nhanh sáng để đi đón con.

Chỉ cho đến khi gặp được con trai tại bến xe Mỹ Đình, anh Nam mới tin rằng câu chuyện của Chiến là sự thật. Theo như lời kể của cậu bé và người lái xe tốt bụng, trưa 25/3, sau khi tan học, Chiến đã đạp xe thẳng hướng Hà Nội để thăm em trai. Do không biết đường, cậu bé chọn đường to để đi.

Đáng nói, chiếc xe đạp cũ của Chiến không có phanh nên mỗi lần xuống dốc, cậu bé lại dùng chân để phanh. Đến khoảng 18h cùng ngày, khi đã đi được khoảng 100km, đến địa phận tỉnh Hòa Bình thì Chiến ngất xỉu giữa đường do quá mệt và đói. Đôi dép của Chiến đã rách bươm sau cả một chặng đường dùng làm phanh, bàn chân của cậu cũng sưng tấy, xước xát sau cả quãng đường quá dài đối với một cậu bé 13 tuổi.

May mắn thay, một chiếc xe khách chạy tuyến Sơn La - Hà Nội đã phát hiện ra Chiến đang ngất xỉu trên đường và dừng lại hỏi han. Sau khi cho Chiến ăn uống và liên lạc với gia đình, tài xế này đã đưa cả cậu và chiếc xe đạp cũ lên xe để tiến về Hà Nội.

Theo anh Nam cho biết, mỗi ngày Chiến vẫn tự đạp xe 4km để đến trường, nhưng anh không nghĩ con có thể đi quãng đường xa như vậy. Sáng hôm ấy, cậu bé cũng hoàn thành nguyện vọng chuyến đi của mình, đó là thăm em trai Vi Văn Lực (2 tháng tuổi), đang điều trị tại khoa Gan mật vì mắc phải căn bệnh gan chuyển hóa.

"Thấy hoàn cảnh nhà tôi khó khăn, các bác sĩ cũng đóng góp cho một ít lộ phí để đưa Chiến về Sơn La. Tôi cũng dẫn cháu đi mua một đôi dép mới vì dép của cháu nát hết, không đi được nữa. Từ khi mới sinh, thằng bé đã gầy còm, ốm yếu, 13 tuổi mà chỉ nặng có hơn 20kg một chút. Nên lúc nghe tin cháu đạp xe xuống Hà Nội, vợ chồng tôi lo lắm, không biết con có bị sao không vì ở nhà, cháu thường xuyên bị ngất xỉu", anh Nam ngậm ngùi chia sẻ.

Bố của Chiến cũng cho biết, từ một tuần trước đó, anh có gọi điện nói chuyện với con thì cậu bé đòi bố mua cho một chiếc xe đạp mới. Nhưng khi biết em trai đang ốm nặng, phải nằm viện thì Chiến không đòi mua xe nữa. Có lẽ từ lúc đó, Chiến đã lên ý tưởng đạp xe xuống Hà Nội thăm em mà không biết quãng đường mình phải đi gian nan như thế nào.

Buổi trưa ngày hôm ấy, Chiến hỏi ông nội và biết em trai nằm ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Cậu bé ngây thơ có lẽ cũng không biết bệnh viện đó ra sao, chỉ biết nó nằm ở Hà Nội nhưng quyết tâm thăm em đã giúp Chiến có thêm động lực. Sau khi được ông nội cho tiền, Chiến đã mua một cái bánh mì để làm "lương thực" đi đường.

Bằng chiếc xe đạp cũ, cậu bé vượt qua những con dốc nguy hiểm từ Vân Hồ tới Hòa Bình dài hơn 100km. Khi nghe chuyện, ai cũng phải bất ngờ vì không hiểu nhờ đâu mà một cậu bé 13 tuổi với chiếc xe đạp không phanh lại có thể đi qua những đoạn đường đồi núi trập trùng mà ngay cả người lớn còn e ngại như đèo Thung Khe với Dốc Trắng nổi tiếng.

Cậu bé Vi Quyết Chiến.

"Tôi hỏi thằng bé rằng con có biết đường đâu mà đi, cháu bảo là cứ đạp xe thẳng theo đường to mà đi chứ không biết thế nào. Cháu nói nếu hôm ấy không được người ta giúp thì sẽ ngủ lại ở trên rãnh cống hoặc chỗ nào đó để hôm sau đi tiếp vì cũng mệt và đói quá.

Cũng may là cháu không rủ đứa em gái lớp 1 đi cùng vì lúc gọi về nhà báo cho ông nội, cháu ở nhà còn nói là sao xuống Hà Nội không cho em đi. May hơn nữa là con tôi đã gặp được những người tốt, khi về đến nhà còn có người liên lạc để tặng cháu một chiếc xe đạp mới", anh Nam chia sẻ.

Người lái xe tốt bụng

Là một trong những người giúp đỡ Vi Quyết Chiến, anh Lê Văn Tuyến (phụ xe Bắc Son chạy tuyến Sơn La - Hà Nội) từng nghĩ rằng đây là một cách lừa mới bởi không thể tin rằng cậu bé gầy còm ngồi trước mặt mình vừa đạp xe đạp qua quãng đường hơn 100km từ Vân Hồ xuống.

Kể lại sự việc, anh Tuyến cho biết vào khoảng 7 giờ tối ngày 25/3, khi chiếc xe của anh đang đi lên dốc Quy Hậu (Tân Lạc, Hòa Bình) thì phát hiện một đứa bé đứng ven đường cạnh chiếc xe đạp. Nghĩ rằng cậu bé bị hỏng xe trên đường về nhà, anh Tuyến cùng anh em trên xe dừng lại để giúp đỡ. Khi xuống tới nơi, anh Tuyến thấy cậu bé nói chuyện với giọng thều thào, như chuẩn bị ngất, xin đi nhờ về Hà Nội. Cả nhóm đều nghĩ rằng, đây là một cậu bé bỏ nhà ra đi vì giận dỗi gia đình, hoặc là một trò lừa để xin xỏ tình thương bởi những chuyện này không phải hiếm.

Chiếc xe khách đã cho cậu bé đi nhờ.

"Khi cháu kể có em ốm nặng phải nằm viện, nhớ em quá nên xuống thăm, chúng tôi cũng không tin lắm nhưng thấy thằng bé mệt quá, lại đứng một mình ở đoạn đèo vắng, nguy hiểm như vậy nên anh em thống nhất cho cháu lên xe. Trước đó cũng có vụ bị hiểu nhầm là bắt cóc trẻ em nên trong quá trình cho cháu lên xe, chúng tôi có quay video lại trước sự chứng kiến của hành khách. Đó là cách đảm bảo cho chính mình, tránh lại rơi vào cảnh làm ơn, mắc oán", anh Tuyến chia sẻ.

Lên xe, Chiến nằm lả ra trên hàng ghế và gần như bất tỉnh, anh Tuyến cho biết bản thân cũng hoảng sợ vì lo cháu bị sốc nhiệt khi lên xe có điều hòa nên đã phải tính đến phương án đưa cháu vào bệnh viện. Nhưng sau khi nghỉ ngơi và được cho ăn uống, cháu bé dần tỉnh táo lại. Lúc này cháu Chiến mới kể chi tiết hơn về tên tuổi, nơi ở của mình nhưng nhất định không nói ra số điện thoại của bố mẹ.

Tuy nhiên, khi cả đoàn chuẩn bị đưa Chiến đến trụ sở công an gần nhất thì cậu bé lại thay đổi, đọc số điện thoại của bố để nhờ anh Tuyến liên lạc. Qua trao đổi với anh Nam, anh Tuyến mới tin là câu chuyện đạp xe đi thăm em của Chiến là đúng như lời cậu bé kể. Lúc này trên xe ai cũng bất ngờ bởi sự táo bạo, liều lĩnh của cậu bé 13 tuổi.

Lúc này, anh Tuyến mới nhớ lại lúc đưa chiếc xe đạp của cháu Chiến vào trong cốp xe khách, chiếc xe này không có phanh.

"Lúc đầu nghe cháu kể đạp xe từ Vân Hồ xuống, tôi còn tưởng đâu thằng bé lừa mình, làm sao một đứa trẻ lại có thể đi trên một chiếc xe không phanh hơn 100 km trên quãng đường đổ dốc đèo nguy hiểm như thế. Với người lớn, việc vượt qua quãng đường như thế bằng xe máy cũng đã khó khăn rồi. Chúng tôi cũng bảo cậu bé, nếu gia đình vất vả, khó khăn quá thì cứ xuống ở với bọn chú, bọn chú nuôi ăn học tử tế, không phải lo bỏ học giữa chừng", anh Tuyến cười nói.

Ngay trong tối 25/3, nhóm tài xế, phụ xe định bắt taxi đưa cháu về Bệnh viện Nhi Trung ương khi xe về đến Mỹ Đình. Nhưng có lẽ do quá lo lắng cho con nên anh Nam đã ra tận bến xe để đón con. Và bất ngờ đến ngày 26/3, khi Chiến từ Bệnh viện Nhi về Sơn La, anh Tuyến một lần nữa lại là người đón hai bố con cậu bé. Có lẽ, đây là một kỉ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của những người phụ xe, lái xe tốt bụng ấy.

"Con ngoan nhưng con liều quá. May cho con gặp những người tốt"!

Nhận định về câu chuyện này, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Tình yêu của cậu bé dành cho em là rất tuyệt vời, tuy nhiên hành động liều lĩnh tự ý đạp xe đạp từ Sơn La về Hà Nội lại bộc lộ việc thiếu kỹ năng sống từ gia đình.

 Khi ra khỏi nhà, đúng ra cháu bé phải xin phép và được sự chấp thuận của người lớn. Bên cạnh đó, bé cũng không dự phòng được những bất trắc có thể xảy đến, như: Chẳng may bị tai nạn, bị bắt cóc, hay đơn giản là bị đói, bị khát, bị mất sức khi đi một chặng đường xa như vậy... "Yêu thương em cũng có nhiều cách để thể hiện, nhưng không phải bằng hành động liều lĩnh bất chất sự an toàn cho chính mình như vậy. Chưa kể gây lo lắng cho rất nhiều người thân trong gia đình", ông An chia sẻ.

Tuấn Trình
.
.
.