Vắc-xin công nghệ AI

Thứ Hai, 05/08/2019, 14:41
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Flinder ở Nam Australia đã phát triển một loại vắc-xin mới được cho là loại thuốc đầu tiên trên thế giới được tạo ra một cách hoàn toàn độc lập bằng trí tuệ nhân tạo (AI) có tên SAM.


Giáo sư Đại học Flinder, Nikolai Petrovsky, người đứng đầu dự án, cho biết tên của chương trình AI bắt nguồn từ những gì nó được giao: tìm kiếm tất cả các hợp chất có thể hiểu được để tạo ra một loại thuốc tốt hơn cho con người. 

Ông nói: "Chúng tôi phải dạy chương trình AI về một tập hợp các hợp chất được biết là kích hoạt hệ thống miễn dịch của con người và một tập hợp các hợp chất không hoạt động. Công việc của AI sau đó là tự mình tìm ra loại thuốc khác biệt”.

Giáo sư Đại học Flinder, Nikolai Petrovsky.

Sau đó các nhà nghiên cứu đã phát triển một chương trình khác, được gọi là nhà hóa học tổng hợp, tạo ra hàng nghìn tỷ hợp chất hóa học khác nhau và cung cấp cho SAM để nó có thể tìm ra tất cả những ứng cử viên mà nó nghĩ rằng đó là thuốc miễn dịch tốt cho con người. Dựa vào những ứng viên miễn dịch hàng đầu mà SAM cung cấp, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp chúng trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm chúng trên các tế bào máu người để xem liệu chúng có hoạt động không.

"Điều này khẳng định SAM không chỉ có khả năng xác định các loại thuốc tốt mà trên thực tế đã tìm ra các loại thuốc miễn dịch tốt hơn cho con người so với hiện tại. Vì vậy, sau đó chúng tôi đã đưa những loại thuốc do SAM tạo ra để phát triển, thử nghiệm trên động vật để xác nhận khả năng tăng cường hiệu quả của vắc-xin cúm”, Nikolai cho biết.

Thông thường, để phát triển một vắc-xin cúm, các công ty lớn sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc hàng triệu hợp chất rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian cũng như công sức cùng khoản chi phí vô cùng tốn kém. 

Ngược lại, rõ ràng với sự trợ giúp của công nghệ AI, quá trình phát hiện và phát triển thuốc thông thường hàng thập kỷ có khả năng rút ngắn và tiết kiệm hàng trăm triệu USD, đồng thời hỗ trợ các nhà khoa học một giải pháp toàn diện nhất để tạo ra loại vắc-xin mới hiệu quả cao hơn so với vắc-xin thông thường.

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) và đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 12 tháng trên cơ thể người. Được biết 240 tình nguyện viên sẽ được thử nghiệm với loại thuốc mới này để kiểm tra phản ứng miễn dịch của họ đối với vắc-xin. 

"Chúng tôi đã biết từ thử nghiệm trên động vật rằng vắc-xin có khả năng bảo vệ chống cúm cao, vượt trội so với các loại vắc-xin hiện có. Bây giờ chúng tôi chỉ cần xác nhận điều này ở người", Petrovsky nói.

Nhóm nghiên cứu hy vọng loại vắc-xin mới này sẽ chứng minh được hiệu quả hơn so với các loại vắc-xin hiện tại và sẽ được thương mại hóa từ năm 2022, tiếp tục bổ sung hoặc thay thế vắc xin cũ, góp phần đẩy lùi căn bệnh cúm, nhất là cúm theo mùa.

Theo Giáo sư Petrovsky, trong 20 năm nữa, AI sẽ được được sử dụng thường xuyên trong quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc, vắc-xin chữa bệnh. Thậm chí, nó còn có thể được ứng dụng trong quá trình bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân, mặc dù đây là việc làm được cho là vượt quá khả năng của AI hiện tại.

Thế Vũ
.
.
.