Chuyện chưa kể về "Trang trại không chồng" của thanh niên xung phong

Thứ Năm, 02/06/2016, 08:54
Họ là những nữ thanh niên xung phong đã cống hiến cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình khi Tổ quốc lâm nguy. Đến khi Tổ quốc yên bình, họ trở lại làng quê thì đã ở vào cái tuổi "quá lứa lỡ thì". Không thể có được mái ấm hạnh phúc cho riêng mình, những người phụ nữ đơn thân ấy đã tìm đến với nhau, thành lập một trang trại chăn nuôi ở xã Quảng Thắng, thuộc TP Thanh Hóa. Người ta vẫn quen gọi trang trại đó là "trang trại không chồng".


Những người đã đi qua chiến tranh

Người có ý tưởng thành lập trang trại ấy là bà Nguyễn Thị Minh Phiên. Bà Phiên cũng từng là thanh niên xung phong nhưng may mắn hơn nhiều đồng đội khác là bà có một gia đình hạnh phúc. Năm 1999, tại Hội nghị gặp mặt cựu thanh niên xung phong của tỉnh Thanh Hóa, bà Phiên đã được gặp lại những người đồng đội cũ. 

Gặp nhau tay bắt mặt mừng nhưng họ vẫn không giấu được ánh mắt buồn rười rượi. Mỗi người một số phận nhưng hầu hết những đồng đội mà bà Phiên gặp lại đều có chung một hoàn cảnh là đang phải sống đơn thân. Người thì không chồng, không con, người khao khát có đứa con để dựa vào thì lại phải chịu cảnh làm lẽ đầy cay đắng. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng một lần đến thăm trại.

Sau lần gặp lại đồng đội, bà Phiên lúc nào cũng cảm thấy dằn vặt. Bà luôn tự hỏi phải làm gì để các chị ấy bớt khổ. Cuối cùng bà quyết định sẽ vay mượn rồi thành lập trang trại chăn nuôi để có cơ hội đón những đồng đội mình đến đó sống. Bà Phiên nhớ lại: "Khi tôi nói lên dự định của mình tôi không ngờ lại được mẹ chồng rất ủng hộ. Bà đã bán hai mảnh đất ở TP Thanh Hóa được 80 triệu đồng và cho tôi vay tất. Con gái tôi cũng ủng hộ mẹ chiếc xe máy làm vốn. 

Chiếc xe máy đó tôi bán đi được 24 triệu. Sau đó tôi đến Ngân hàng Chính sách xã hội vay được thêm 90 triệu. Có tổng cộng xấp xỉ 200 triệu tôi bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất trang trại. Nói thật lòng, lúc đầu ở đó chỉ là đồng không mông quạnh, không có gì ngoài cát trắng và dứa dại, tôi cũng lo lắm. Nhưng cứ nghĩ đến những đồng đội thiệt thòi của mình tôi lại có thêm động lực".

Trang trại xây xong lại đến công đoạn về nhà từng đồng đội thuyết phục họ đến ở. "Việc thuyết phục các chị ấy về ở và làm việc với mình còn khó hơn cả việc đi vay vốn xây trang trại. Nhiều người khổ lắm nhưng vẫn cứ cố chịu đựng. Các chị ấy chỉ lo đã đi là không có cửa quay về. Tôi phải nói mạnh với các chị ấy là, các chị cứ đi với em, sau này các chị có thế nào em lo hết" - bà Phiên chia sẻ.

11 người đồng đội đã về đây, đồng cam cộng khổ cùng bà Phiên trong những ngày đầu trang trại thành lập. Ở cái tuổi ngoài 50, các cựu thanh niên xung phong một thời băng rừng, xẻ núi, lấp hố bom giờ lại cùng nhau tay cày, tay cuốc, san đất làm trang trại. Nhưng khởi sự của họ lại không mấy thuận buồm xuôi gió. 

Với những thành tích của mình, bà Phiên nhận được nhiều giấy khen.
Bà Phiên nhớ lại những tháng ngày vất vả thành lập trang trại.

Ban đầu, bà Phiên đầu tư mua 5 con bò sữa F1 giống Hà Lan và 4 con bò lai sin về nuôi. Song bò nuôi mãi chẳng lớn, mà cứ gầy rộc đi bởi luôn trong tình trạng thiếu cỏ vì trên nền đất pha cát, cây cỏ voi không phát triển được. Nhìn cảnh đó, bà Phiên thấy rất nản lòng. Cũng có lúc muốn buông xuôi nhưng lại nghĩ bản thân mình còn có gia đình, chồng con để nương tựa còn những đồng đội của mình họ sẽ sống ra sao. 

Nghĩ thế nên bà Phiên lại cố. Được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ Viện Chăn nuôi quốc gia trong việc nghiên cứu, khảo sát đất trồng, nước tưới và giống. Cuối cùng bà Phiên đã trồng thành công cỏ voi trên nền đất pha cát. Với diện tích 3ha được lãnh đạo UBND xã Quảng Thắng tạo điều kiện cho mượn, các cựu thanh niên xung phong đã khai thác tối đa để trồng lúa, trồng cây ăn quả, trồng cỏ voi, đào ao thả cá, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi bò… 

Năm 2005, bà Phiên đã trả được hết nợ vay, kể từ đó đến nay trang trại đều thu lãi mỗi năm. Vậy mà thấy cảnh trang trại ăn nên làm ra, có người ghen ghét đã làm đơn tố cáo bà Phiên lợi dụng thanh niên xung phong để làm lợi cho bản thân. Khi biết đồng đội của mình bị vu oan, các cựu thanh niên xung phong ở trang trại đã viết đơn kêu oan rồi đồng loạt ký vào và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. 

Sự việc này cũng đã được Đoàn kiểm tra cựu thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa vào cuộc và kết luận đơn thư đó hoàn toàn không có căn cứ. Nói về việc bị vu khống, bà Phiên đã bật khóc: "Thời điểm bị người ta vu khống tôi thấy tự ái lắm. Cứ nghĩ lòng tốt của mình bị bôi nhọ tôi lại thấy nản. Các con tôi lúc đó cũng nói, mẹ làm gì chúng con cũng ủng hộ. Nhưng mẹ làm tốt mà bị người ta bôi xấu thế chúng con chẳng muốn mẹ tiếp tục làm nữa đâu". 

Nói rồi bà Phiên lại cười. Bà bảo sóng gió cũng qua rồi, Đài PTTH Thanh Hóa vừa về quay phóng sự, họ cũng mời bà ngày 27-7 này đến trường quay để nói chuyện.

Mái ấm của những phụ nữ đơn thân

Khi mới thành lập trang trại những phụ nữ đơn thân ấy tuổi cũng mới ngoài 50. Sau 15 năm, giờ họ cũng đều lên chức bà cả. Người ít tuổi nhất cũng ngót nghét 70, người nhiều tuổi nhất cũng lên tới 74. Cuộc sống tuy còn vất vả nhưng trang trại chính là mái ấm gia đình của họ. 

Bà Lê Thị Giới người cao tuổi nhất trang trại chia sẻ: "Là phụ nữ ai chẳng mong muốn mình có được một gia đình hạnh phúc. Nhưng nhiều người chúng tôi đã không có được cái may mắn ấy. Lúc trẻ sống thế nào cũng xong nhưng khi về già thì cảm thấy cô đơn lắm. Nếu không có mái nhà chung này tôi chả biết mình sẽ sống thế nào nữa". Vì là người cao tuổi nhất nên bà Giới không phải làm những việc đồng áng như các đồng đội của mình. Ngày ngày bà Giới ở trong khu nhà của trang trại quét dọn và nấu nướng.

Có người vì muốn kiếm một đứa con để sau này có nơi dựa dẫm đã phải chịu cảnh làm lẽ như bà Lê Thị Miến, bà Hoàng Thị Lan. Phải chịu sống kiếp chồng chung đã đủ cay đắng, các bà còn thường xuyên bị chồng đánh đập. Có lần chứng kiến cảnh bà Lan bị chồng say rượu đánh "lên bờ xuống ruộng" bà Phiên đã không kiềm chế được chạy đến tóm cổ ông chồng và nói: "Bà ấy là vợ anh nhưng là đồng đội của tôi, anh không có quyền đánh chị ấy". Cũng sau lần đó, bà Phiên đã thuyết phục bà Lan rời bỏ người chồng vũ phu để đến trang trại sinh sống.

Dù là “trang trại không chồng” nhưng họ không thấy cô đơn.

Khi đã về đây chung sống, những người đồng đội cũ luôn coi nhau là chị em, là máu mủ ruột thịt. Ban ngày làm việc vất vả, chiều đến họ lại gội đầu cho nhau. Những chậu nước bồ kết đen nhánh cùng mùi lá bưởi, lá xả tỏa ra thơm dịu. Những câu chuyện không đầu không cuối kiểu như: "Tóc bà Lan dạo này rụng nhiều quá rồi, cứ rụng thế này chẳng mấy mà thành sư đâu"; "Hôm nay nắng cắt lúa mệt thật, chả biết ngày mai còn nắng to thế này nữa không. Nắng này chỉ được cái phơi giải là thích". 

Đêm xuống, những câu chuyện giữa quá khứ và hiện tại cứ đan xen nhau. Có những khi họ hào hứng kể lại cho nhau nghe những trận đánh ác liệt, chuyện mình đã thoát chết trong gang tấc như thế nào, chuyện tình yêu dang dở ra sao. Cũng có khi lại là những câu chuyện, những lo lắng rất đời như hôm nay thấy một con bò tự nhiên chê không ăn cỏ, hay chuyện nắng to quá, ao cá nước cứ cạn dần. Tất cả những chuyện trên trời dưới biển họ đều chia sẻ với nhau. Cả những cơn mơ hốt hoảng, nỗi sợ hãi tuổi già họ đều có đồng đội mình bên cạnh.

Khi mới thành lập, trang trại có tất cả 11 nữ cựu thanh niên xung phong. Thời điểm cao nhất là 15 người nhưng cho đến hôm nay số người lại trở về như ban đầu. Lý do, 4 người vì tuổi cao sức yếu đã qua đời. Hằng năm, "trang trại không chồng" vẫn dành ra một khoản tiền quỹ để trở về thăm lại chiến trường xưa. Chính cái khoảnh khắc được sống lại một thời hào hùng, oanh liệt đã như giúp họ có thêm động lực để lạc quan hơn trong cuộc sống.

Mặc dù là "trang trại không chồng" nhưng nơi ấy không còn đau khổ và cô đơn. Đó là nơi những người phụ nữ đơn thân biết nương tựa vào nhau, chia sẻ cùng nhau những ngọt bùi cay đắng. Đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời họ càng thấm thía hơn bao giờ hết nghĩa tình đồng đội.

Phong Anh
.
.
.