Tiếng kêu cứu của thổ dân rừng Amazon

Thứ Sáu, 15/05/2020, 14:07
Từ hơn một năm qua, những vụ cháy ở khu vực đồng bằng châu thổ Amazon tại Brazil đã và đang tàn phá nặng nề khu rừng - "lá phổi xanh" lớn nhất còn may mắn sót lại của thế giới. Theo ước tính của chính phủ các nước có rừng Amazon bao phủ thì đã có hơn 83.000 vụ cháy lớn nhỏ xảy ra trong năm 2019. Chính điều đó đã khiến cho tốc độ tàn phá rừng trung bình năm tăng lên đến 77%.


Thảm họa khủng khiếp nói trên không chỉ ảnh hưởng tới các quốc gia quanh khu vực Amazon mà còn tác động tới cả những khu vực xa xôi nhất trên thế giới. Đó là việc người ta đã phát hiện ra tro bụi từ những vụ cháy rừng nói trên tại quần đảo Fiji ở Thái Bình Dương. Vậy thì cuộc sống của những con người đã - đang sinh sống ngay trong lòng rừng Amazon bị tác động như thế nào từ những vụ cháy đó?!

Các vụ cháy thường xuất phát từ khu vực rừng giáp ranh với đường mòn.

Lịch sử cho thấy, những tộc người thổ dân Amazon có gốc gác từ vùng Bắc Á di cư đến khu rừng này khi châu Mỹ và châu Á còn là một lục địa. Trước khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, nền văn hoá của các dân tộc ấy đã từng khá là phát triển ở cả trong lẫn ngoài khu rừng Amazon. Tuy vậy, chế độ thuộc địa hà khắc của người châu Âu đã khiến cho hàng triệu thổ dân mất mạng và chỉ còn những cộng đồng sống sâu trong khu rừng là còn sống sót.

Theo thống kế, hiện nay tại đất nước Brazil có khoảng 300 nhóm dân tộc thiểu số khác nhau cùng sinh sống tại những điểm nằm sâu trong rừng Amazon. Họ sống gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cũng chính vì thế mà các tộc người đó còn có cơ may giữ được hầu như nguyên vẹn nền văn hoá truyền thống đặc trưng của cha ông mình.

Thế nhưng, thật tiếc thay, hiện tại thì ngay cả khu rừng Amazon - "ngôi nhà chung" của các thổ dân -  cũng không còn là nơi cư trú an toàn với họ nữa rồi. Trong số 38.000 vụ cháy rừng nói trên, có khoảng 3.500 trường hợp xảy ra ngay trên vùng đất của người thổ dân. Vì lý do đó mà đã có hơn 19.400 người thổ dân  dù không muốn nhưng rốt cuộc buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình đi lánh nạn, do không muốn bị thiêu cháy bởi ngọn lửa hung bạo.

Do các vụ cháy mà thiệt hại về vật chất là vô cùng lớn, nhưng thiệt hại về tinh thần thì chắc chắn không thể kể hết khi mà truyền thống xưa nay, người thổ dân Amazon coi khu rừng nơi họ sống đặc biệt linh thiêng cũng giống như một số dân tộc ít người ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc Việt Nam vậy. 

Họ coi rừng là "người mẹ vĩ đại"; là nguồn sống lẫn người che chở bảo vệ linh hồn và thể xác tin cậy nhất cho cộng đồng của mình. Bởi thế, với các thổ dân Amazon, mất rừng không chỉ đồng nghĩa với mất nhà, mà còn là mất đi một chỗ dựa tinh thần vô cùng thiêng liêng, to lớn.

Với những người thổ dân may mắn còn sống sót, cuộc sống sau thảm họa cháy rừng Amazon cũng không hề dễ dàng gì. Trước hết là việc tìm được một nơi ở mới, sau khi rừng - ngôi nhà bị thiêu cháy. Họ gần như không thể đi sâu thêm vào vùng lõi của rừng vì bị lửa bao vây, do vậy người ta buộc phải di tản ra khu rực ngoài bìa rừng. Ấy thế nhưng, đất đai ngoài bìa rừng Amazon hầu hết đã thuộc sở hữu tư nhân bởi nông dân hay các công ty khai thác gỗ.

Trước tình trạng bi đát nói trên, các cộng đồng người thổ dân phải sống tập trung lại tại một vài mảnh đất hạn hẹp và cái kế sinh nhai duy nhất của họ là chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện trên thế giới. Thế nhưng có những thứ mà chỉ riêng rừng già chứ không phải con người mới có thể cung cấp cho họ được. Mất đi phương thức sống truyền thống, người thổ dân Amazon đang phải đối mặt với một loạt hiểm họa đói nghèo, bệnh tật, tội phạm …

Đặc điểm của thảm họa cháy rừng Amazon là không có một vụ cháy lớn thiêu rụi tất cả mọi thứ cùng lúc. Trái lại, các vụ cháy nhỏ lẻ xảy ra ở nhiều nơi khác nhau, buộc lính cứu hoả của các nước vùng đồng bằng châu thổ Amazon phải dàn nhỏ lực lượng của mình ra để dập lửa. Nguyên nhân chủ đạo đằng sau những vụ cháy này là việc người nông dân đốt rừng để lấy thêm đất sản xuất. Trong khi đó, mực nước sông Amazon đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử, cộng với việc nhiều vụ cháy xảy ra xa nơi có nguồn nước, khiến cho việc chữa cháy vô cùng khó khăn.

Một khó khăn khác trong công cuộc dập tắt cháy rừng ở Amazon là sự bất hợp tác của một số quốc gia. Thực tế cho thấy, nhận thức về vai trò vô giá của rừng trong cuộc sống của người dân lẫn chính quyền Nam Mỹ là rất kém. Một số lượng lớn những vụ cháy rừng Amazon xảy ra do người dân đốt rừng làm đồn điền mà không hề biết đến hậu quả. Thậm chí họ còn tổ chức các vụ "đốt rừng tập thể" để dọn sạch những khoảng đất rộng hàng trăm héc-ta chỉ trong vòng hai, ba ngày. 

Các quan chức nhà nước cũng vì kém hiểu biết hoặc vì một lý do nào đó mà làm cố tình ngoảnh mặt làm ngơ cho hành vi sai trái này, thậm chí là còn tiếp tay cho nó.

Sau trận cháy rừng lịch sử, cuộc sống của người thổ dân Amazon cũng leo lét như ngọn lửa trên vậy.

Đối mặt với sự bất hợp tác từ người dân và chính quyền, người thổ dân Amazon đang đứng lên để tự mình giải quyết vấn đề. Các tổ chức như nhóm "Hợp tác Người bản địa Brazil" đã - đang hoạt động tích cực để vận động sự trợ giúp trong và ngoài nước nhằm buộc chính phủ phải có những hành động mạnh tay hơn để phòng chống cháy rừng.

Bà Sônia Guajajara, một trong những nhà lãnh đạo của nhóm "Hợp tác Người bản địa Brazil", đã từng hơn một lần phát biểu rằng: "Ở Brazil hiện có khoảng 306.000 người thổ dân Amazon sống trên một khu vực chiếm 23% diện tích khu rừng. Tuy vậy, chính quyền Brasilia đang "bỏ quên" tiếng nói của người thổ dân… Cộng đồng thổ dân Amazon không được có mặt trong các dự án phát triển hạ tầng trên chính mảnh đất của họ… Điều này phải thay đổi ngay, nếu không thì những thảm hoạ cháy rừng sẽ còn lặp lại trong tương lai!".

Những người thổ dân tại Brazil nói riêng và khu vực châu thổ Amazon nói chung tuy rất sẵn sàng đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng họ lại đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt luật pháp. 

Cụ thể là, để có cơ hội tồn tại lâu dài trên vùng rừng Amazon, điều trước tiên họ "cần làm ngay" là phải chứng minh được rằng tổ tiên đã từng sống trên mảnh đất của mình nhiều thế kỷ nay để có thể được vào diện rừng cần bảo tồn. 

Đây là một quá trình rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, nay lại càng khó khăn hơn do một loạt sự thay đổi nhân sự tại Fundacão Nacional do Índio, cơ quan quản lýcác dân tộc thiểu số thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil.

Một mối nguy khác mà các bộ tộc người thiểu số rừng Amazon phải đối mặt là những băng đảng tội phạm. Các nhóm mafia lớn tại Brazil đều có cổ phần trong các đồn điền cây công nghiệp và công ty khai thác gỗ hoạt động ở bìa rừng. Vì lợi nhuận "khủng" từ rừng và đất rừng mà chúng sẵn sàng bao che, tiếp tay cho mọi hoạt động phá rừng trái phép. 

Hồi tháng 11 năm ngoái, chúng đã mai phục và giết hại một thanh niên người Tenetehara và làm bị thương một người khác khi hai anh này đang làm nhiệm vụ tuần rừng. Hay là vụ kiện giữa người dân bang Pará và một doanh nghiệp khai thác gỗ buộc phải huỷ bỏ vì sáu người khởi kiện đều đã bị ám sát. Thay vì là ma tuý, các băng đảng tội phạm Brazil đang giàu lên nhờ rừng Amazon và máu của người thổ dân.

Nói gì thì nói, có một sự thật hoàn toàn khách quan không thể phủ nhận, đó là, không ai bảo vệ rừng Amazon tốt hơn những người thổ dân cả, vì một lẽ đơn giản, cả tương lai sống của họ gắn chặt với rừng, nhờ rừng và vì rừng. 

Theo lời của giáo sư Miguel Aparicio tại trường Đại học Brasilia thì: "Số liệu trong vòng 25 năm qua đã chứng minh rằng, những khu vực được giao cho người dân bản địa quản lý luôn có tỷ lệ cháy rừng thấp nhất trong lịch sử… Người thổ dân bảo vệ rừng không chỉ đơn giản vì lý do vật chất, mà còn bởi rừng đóng một vai trò không thể thay thế được trong đời sống văn hoá và tâm linh của họ!".

Bà Sônia Guajajara cũng cùng chung ý kiến: "Người ta đốt rừng thì cũng chẳng khác nào đốt đi bàn tay của chúng tôi… Không có rừng thì chúng tôi không có động vật để săn; không có nước để uống, và đặc biệt là không có cây mẹ để mà thờ cúng!".

Vai trò của người thổ dân trong bảo vệ rừng Amazon là không thể chối cãi được. Vậy nhưng sự thật này đang bị rất nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội Brazil nói riêng và khu vực Nam Mỹ nói chung cố tình nhắm mắt lờ đi vì lòng tham và sự ích kỷ của cá nhân mình. Nhiệm kỳ của Tổng thống Jair Bolsanaro phải ba năm nữa mới kết thúc, và cũng chừng đó thời gian mà rừng Amazon sẽ tiếp tục chịu đe doạ do những đối tượng nói trên.

Vì bổn phận và vì quyền lợi của chính mỗi công dân trên trái đất, đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải khẩn trương vào cuộc và giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng cháy rừng Amazon càng sớm càng tốt. Bằng một cách thiết thực và cụ thể nào đó, cộng đồng quốc tế phải khiến chính quyền Brazil sớm đưa ra những biện pháp phòng chống cháy rừng hiệu quả, đơn cử như việc Quốc hội Brazil gần đây đã ra lệnh cấm ông Bolsanaro tuỳ ý thay đổi nhân sự của Fundacão Nacional do Índio.

Thiết nghĩ, nếu như cộng đồng quốc tế không sớm làm được như vậy thì hoàn toàn có khả năng những người thổ dân Amazon sẽ bị đặt vào vòng tuyệt chủng trong tương lai là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, vì an ninh môi trường của khu vực Nam Mỹ nói riêng và của cả nhân loại nói chung, hơn lúc nào hết, hãy cứu lấy rừng Amazon; cứu lấy sự sinh tồn của các bộ lạc thổ dân rừng Amazon trước khi quá muộn chính là tiếng gọi nhân văn thuộc về lương tri con người dành cho cộng đồng quốc tế lúc này.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.