“The Falling Man” – Câu chuyện đằng sau bức ảnh ám ảnh nhất về sự kiện 11-9

Thứ Hai, 11/09/2017, 13:56

Bức ảnh này có lẽ đã trở thành “biểu tượng” của ngày 11-9. Vào ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại đó, người ta cố nén nỗi đau và ghi lại được những hình ảnh có một không hai mà nhiều năm sau đó thế giới vẫn phải nhắc đến.

Bức ảnh "The Falling Man" của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Richard Drew

Bức ảnh “The Falling Man” được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Richard Drew ghi lại khi ông đang tác nghiệp gần đó và tình cờ nghe được thông tin về chiếc máy bay đã đâm thẳng vào tòa nhà WTC.

Một khung cảnh khủng khiếp tưởng chừng như chỉ có trong những bộ phim viễn tưởng về thảm họa thời bấy giờ, bỗng chốc hiện ra trước mắt hàng triệu người dân New York, Mỹ đang vội vã cuốn theo những công việc thường lệ, trong một buổi sáng thứ Ba mùa thu đẹp trời. Hàng ngàn nhân viên văn phòng làm việc tại hai tòa tháp WTC, một trong những niềm tự hào của nền kinh tế mạnh nhất thế giới, chỉ kịp định hình rằng có một vật thể khổng lồ vừa đâm vào tòa nhà và họ biết những gì sẽ xảy đến trong những phút tới.

Những chiếc máy bay nạp đầy nhiên liệu, đâm thẳng vào tòa nhà. Khói, bụi và nhiệt độ cao, khí độc cùng với những tiếng la hét, hoảng sợ như lại làm cho sự tuyệt vọng leo thang đến đỉnh điểm. Những cánh tay của những con người hướng ra từ những cửa sổ ở độ cao 400 m, nhưng vô vọng vì không ai có thể cứu giúp họ vào thời điểm đó, và cuối cùng, nhiều người đã lựa chọn cách lao xuống như những mũi tên, lao ra khỏi những cánh cửa sổ của tòa nhà đang đổ sập để đến thế giới bên kia.

Đến nay, danh tính của người trong bức ảnh vẫn còn là một ẩn số, chính vì vậy, bức ảnh này vẫn chỉ có tên “The Falling Man”. Tuy vậy, người này cũng chỉ nằm trong số 200 người, theo ước tính, chọn lựa cách kết thúc cuộc đời trước thảm họa.

Khi mới được công bố, bức ảnh lập tức gây được sự chú ý của toàn thế giới, tuy nhiên, cũng có người chỉ trích rằng nhiếp ảnh gia “lợi dụng” một hình ảnh đau thương để đổi lại danh tiếng.

Đối với những người “may mắn” sống sót trong thảm họa, chứng kiến cảnh tượng hai tòa tháp WTC đổ sập ngay trước mắt và hàng ngàn người hôn tạm biệt người thân vào buổi sáng định mệnh rồi mãi mãi không quay trở lại, 11-9 là một vết thương không thể nào hàn gắn.

16 năm sau thảm họa, New York vẫn là trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật của nước Mỹ và toàn thế giới, nơi mà hàng trăm ngàn người vẫn tìm đến mỗi năm để hiện thực hóa “giấc mơ Mỹ”. 

Duy Tiến
.
.
.