Phận đời không quốc tịch

Thứ Hai, 13/06/2016, 14:01
Hàng trăm hộ dân sống bấp bênh, nghèo nàn trong những ngôi nhà chông chênh, xiêu vẹo. Những người già nua sắp lìa trần vẫn không có quốc tịch, những người lớn bon chen rồi gục ngã quay về với đời làm mướn.


Hàng chục ánh mắt trẻ thơ hiền lành, nhoẻn miệng cười giòn tan. Nhưng chúng đâu biết rằng, cuộc đời sẽ giống như cha ông mình, tương lai một màu xám xịt, vô định và xa xăm. Bởi lẽ, tất cả họ là những phận đời không quốc tịch.

1. Miền Tây, trung tuần tháng 6, thời tiết vẫn nắng như đổ lửa, men theo con kênh KT7, chúng tôi tìm đến xóm Việt kiều nằm chơi vơi tận rìa xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Đập vào mắt khách thập phương là ấn tượng về những căn nhà tạm bợ một cách khác biệt kiểu nửa nhà sàn, nửa chòi lá xập xệ tận vùng biên giới giáp nước bạn Campuchia của xóm kiều bào.

Xóm kiều bào với chiều dài khoảng 300m là nơi hàng trăm ngôi nhà được dựng bằng những tấm ván, tôn, lá... ghép lại. Phía trên nóc, những tấm tôn đã gỉ sét như thêm gam màu tối cho những căn nhà trống hoác, thủng nhiều lỗ đến dị thường. Dưới sàn, các mảnh gỗ gãy vụn lởm chởm để lộ những nền nhà đầy rác. Không những khác nhau về phương thức dựng nhà ở, mà cách sắp xếp vật dụng trong nhà cũng tràn lan, bừa bộn. 

Đặc biệt, trong ấp nhỏ nghèo khó này là những ngôi nhà không bao giờ có mảnh vườn dù là chỉ vài mét. Có chăng, cũng chỉ là con đê KT7 lầm lì chảy chầm chậm kéo theo những đám lục bình không hoa mùa nước cạn. Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt, những người trong ấp không chịu nổi nên lấy gốc cây dọc kênh làm nơi xõa nỗi lòng.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của họ sau khi hồi hương, rất nhiều người dân tìm đến, tụm lại rồi tỉ tê. Những ánh mắt ban đầu dò xét, nghi ngại rồi chuyển sang sự xởi lởi đậm chất Nam bộ. Chào hỏi sơ giao xong, họ bắt đầu cho thấy những con người hiền lành nhưng nghèo khổ này dường như muốn gửi một thông điệp nào đó đến xã hội. Và chung quy, tất cả người dân đều mong mỏi chính quyền, hãy cho họ quyền công dân trên đất mẹ.

Căn chòi nhỏ được mặc định làm trung tâm tin tức của xã kê bằng vài tấm ván, thêm cái bàn tự chế làm nơi tiếp khách. Nói là khách, chứ thực ra chỉ có người trong ấp ngồi chung với nhau vì không có ai thuê việc để làm. 

Phải chăng, nếu khách đến thì đó có thể là vài anh biên phòng, công an vào để kiểm tra an ninh hoặc người ấp khác đến để tìm kiếm sức lao động rẻ mạt. Ông cụ Nguyễn Văn Thiện (81 tuổi), người lão làng nhất trong xóm bắt đầu lên tiếng kể về quá khứ vượt Biển Hồ để về với đất mẹ Việt Nam.

Hàng trăm trẻ em không được đến trường vì không có giấy khai sinh.

Năm 2003, kinh tế trong vùng trở nên khó khăn sau những biến động về thời tiết. Vùng Biển Hồ Campuchia bắt đầu cạn nước bất thường kéo theo lượng thủy sản cũng ít dần. Những người sống trên lòng hồ không thể làm kinh tế để duy trì cuộc sống hiện tại.

Nhưng đi đâu và về đâu, khi mà bối cảnh của họ đơn thuần định cư trên lòng Biển Hồ từ bao năm nay. Cơn bĩ cực lại tăng lên gấp bội, khi trong khoảng thời gian sau đó, nhiều người dân Việt Nam sống tại đây bị các đối tượng lạ tấn công một cách bạo lực... Cái nghèo có thể sống chung, và tìm cách vượt qua, nhưng ảnh hưởng đến tính mạng thì họ không thể. Còn đau đáu hơn, khi những mối đe dọa thường trực ấy không chỉ đến với lớp người trưởng thành mà người già, trẻ em, phụ nữ, đều khó tránh khỏi.

Giữa cái khốn khó quyết định của sự sinh tồn, một số ít cụ già nhớ về đất mẹ, miền phương Nam bên kia biên giới. Trong những người rời khỏi Biển Hồ, không ít người trưởng thành chỉ biết mình có họ hàng là người Việt tận miệt Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang… chứ chưa một lần biết nơi ấy là đâu. 

Một cuộc bàn bạc chớp nhoáng, họ nhất trí với nhau và quyết định xuôi theo dòng kênh KT7. Và kể từ đó, Đồng Tháp Mười trù phú bắt đầu có những hộ thưa thớt tìm về vùng đất giáp ranh để định cư và mưu sinh. Nơi sẽ đến là một vùng trũng có đất đai màu mỡ, tôm cá trù phú có thể định cư mưu sinh lâu dài. 

Thế nhưng, thực tế không như họ nghĩ, từ năm này qua tháng khác, qua bao tiết xuân đến lại đi, tất cả cũng chỉ là con số không tròn trĩnh khi nỗi lo về giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, chứng minh nhân dân… vẫn bế tắc.

2. Không mang tính hợp pháp của một công dân trên nước ta, trong khi viễn cảnh không thể quay lại vùng Biển Hồ, những Việt kiều không tấc đất cắm dùi nên không thể sản xuất được nhiều. 

Cuộc sống của họ chỉ duy trì bằng việc đi làm "thợ đụng". Theo tiếng lóng trong ấp, thợ đụng nghĩa là ai kêu gì thì làm nấy, đụng gì cũng làm vì miếng cơm, manh áo. Thêm vào đó, số tiền họ nhận được cũng ít hơn nhiều so với dân bản địa nhưng họ vẫn cần mẫn với kiếp đời hiện tại.

Đến bao giờ những phận đời kiều bào mới bớt long đong?

Mẫu số chung của những người dân ở cái miệt này đều là, nhìn cảnh túng quẫn khi phải loay hoay, luôn muốn tìm về nơi khác với hy vọng nhằm thay đổi cuộc sống. Vậy mà, chỉ mới hôm sau lại phải về nơi cũ trong tâm thế của kẻ thất bại.

Mấy chục năm nay, công việc của những người ở xóm Việt kiều này từng ngày qua vẫn theo nhịp đều đặn. Họ thức dậy từ sáng sớm để đi kiếm việc làm. Phụ nữ hay đàn ông, người già hay trẻ con đều phải tìm một công việc thích hợp để kiếm tiền, dĩ nhiên là làm mướn. 

Chủ thuê họ là những người dân bản địa cần dùng lao động vào những công việc đồng áng, chăn nuôi... hay thậm chí sửa nhà, phụ hồ... chỉ cần không cần đến giấy tờ tùy thân là tất cả đều nhận lời dù giá thuê rẻ mạt chỉ với 50.000 - 80.000 đồng/ngày.

Cái nắng miền biên giới làm làn da của con người nơi đây đen nhẻm. "Mùa nắng, chúng tôi làm tất tần tật các công việc mà người dân bản địa thuê. Giá bao nhiêu cũng làm chứ không phân biệt gì cả. Nếu cần sức lực thì những người đàn ông luôn có mặt. Ngược lại, nếu công việc cần sự cẩn trọng, khéo léo thì phụ nữ luôn được lựa chọn. Khi thất nghiệp, họ thường tụ tập trước nhà để nói về những ngày tháng lênh đênh, vô định của mình. Mùa nước nổi, các gia đình cũng đi thả lưới bắt cá về lo bữa ăn. Nếu dư dả thì mang bán cho những hộ người Kinh gần đấy để lấy tiền mua gạo, chăn màn dùng qua ngày", họ kể vậy.

Những căn nhà rỗng tuếch, xiêu vẹo, rách tứ tung là những thứ khái quát nhất thay lời nói về cuộc sống hiện tại. Cuối đường hầm vẫn là tia sáng le lói khi mà chính quyền sở tại vẫn cho họ định cư trên mảnh đất địa phương. Đồng thời cũng cho mượn đất, để dựng nên ấp Việt kiều khốn khổ này.

3. Đất miền Tây vốn rộng lớn, dân miền Tây nổi tiếng hào sảng nhưng chưa thể cưu mang những Việt kiều hồi hương một cách trọn vẹn. Nhìn những đứa bé chạy lon ton khắp ấp mà không được đến trường làm chúng tôi không khỏi xót xa. Khi nghe người lạ hỏi các cháu có đi học không, một vài bé bảo có. Số đông còn lại không biết đến trường là gì.

Cái nắng miền biên giới, cùng hơi nóng mùa hè thật khó chịu, hơn chục đứa bé vẫn bám theo gót chân khách lạ. Trên khuôn mặt màu bánh mật, lấm lem là mái tóc vàng hoe như màu lúa chín. Những nụ cười hiền lành, trong veo như một hy vọng cho lớp chồi non của thế hệ trẻ đã hồi hương. Nhưng, cuộc đời chúng sẽ có phải khổ sở, lao đao như thế hệ cha anh, khi mà tất cả đều là những phận đời không quốc tịch.

Những căn nhà ở xóm Việt kiều chông chênh, siêu vẹo.

"Cả ấp có đến gần 100 hộ gia đình với nhiều thế hệ. Chỉ một số ít bé có điều kiện đến trường bằng cách mượn khai sinh của người dân bản địa. Thế nhưng, khi vừa đọc, viết bập bẹ thì đã bị cho thôi học vì không có giấy tờ chính đáng khác. Cố gắng lắm, bé nào học đến lớp 5 là cùng chứ không thể nào lên cao hơn được. Vì khi học lên, nhà trường yêu cầu hồ sơ đầy đủ để chuyển trường. Nhưng, ở cả ấp này có ai có hồ sơ đâu mà học", ông Ngô Xuân Sơn, Phó ấp - Công an viên xã Hưng Hà cho biết.

Chiều muộn, ánh mặt trời đã buông, chúng tôi tạm biệt xóm Việt kiều với hàng trăm ánh mắt dõi theo như gửi gắm một niềm tin lớn lao. Trước khi chào tạm biệt, họ cất giọng khe khẽ, trật tự như van xin những người khách lạ hãy giúp mình trở thành một công dân thực sự, mặc dù, đã có giải thích là đó không phải thẩm quyền mà người viết có thể làm được. 

Chúng tôi về mà lòng mặn đắng. Ước gì, cuộc đời cho họ một phận người rồi cứ mặc cho tương lai để sống đúng số phận một con người. Ai rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, vậy mà khi nằm dưới lòng đất vẫn không quốc tịch thì thật là bi kịch nhói lòng.

Theo Sở Tư pháp tỉnh Long An, để được nhập quốc tịch thì những Việt kiều này phải định cư trên địa phương từ 20 năm trở lên. Việc này, đồng nghĩa những người dân trở về từ Biển Hồ sẽ phải tiếp tục chật vật với cuộc sống hiện tại bởi những phận đời không quốc tịch kéo dài. Tương lai của những đứa bé cũng là những nốt trầm vì không được đến trường.

Kỳ Phương
.
.
.