Sốc với những ông "sư hổ mang" đi buôn lậu... hổ

Thứ Sáu, 10/06/2016, 16:50
“Đây là một vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép trong nước hay xuyên quốc gia?”, Cảnh sát trưởng quốc gia Chakthip Chaijinda đã đặt câu hỏi này và yêu cầu cấp dưới nhanh chóng tìm câu trả lời. 


Ngày 3-6, ông Adisorn Noochdumrong, Phó Giám đốc Viện Quản lý Vườn quốc gia cho biết, cảnh sát đã tìm thấy da và nanh hổ trong một chiếc xe đang cố rời khỏi Wat Pha Luang Ta Bua (còn gọi là chùa Hổ), ngôi chùa nổi tiếng về du lịch ở tỉnh Kanchanaburi. Và 22 người, trong đó có 3 nhà sư tại chùa Hổ đã bị cảnh sát buộc tội buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Trước đó, cảnh sát đã bắt một nhà sư đang tìm cách đào tẩu cùng da, nanh hổ và khi lục soát nơi ở của nhà sư này, họ phát hiện nhiều phần xác động vật hoang dã khác. Cảnh sát cũng vừa phát hiện thêm nhiều xác động vật hoang dã, trong đó có 1 con báo và 1 con gấu.

Xác của những chú hổ con ở chùa Hổ.

Theo ông Adisorn Nuchdamrong cho biết, những người bị bắt khi đang tìm cách tẩu thoát trên một chiếc xe tải chở đầy da hổ. Trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 bộ da hổ, 10 răng nanh và xác của 40 con hổ trong tủ đông lạnh, cùng 20 hũ đựng các bộ phận cơ thể hổ dùng để “làm thuốc" tại đây.

Cảnh sát Bandith Meungsukhum cho biết, những con hổ con có lẽ được 1-2 ngày tuổi, nhưng không rõ chúng đã chết từ khi nào. Cảnh sát sẽ xét nghiệm ADN để xem chúng có liên quan tới những con hổ trong chùa Hổ hay không.

Vụ việc bị phát giác sau khi người ta đang nỗ lực di dời 137 con hổ từ chùa Hổ và chuyện này bắt đầu từ ngày 30-5.Tại chùa Hổ, lực lượng chức năng còn phát hiện một số con vật còn sống như chim mỏ sừng, gấu và bò banteng (động vật có nguy cơ tuyệt chủng).

Theo tờ The Washington Post, trên Facebook của chùa Hổ, các nhà sư đã phủ nhận mọi cáo buộc bởi đông lạnh xác hổ con là tập tục có từ lâu tại đây. Trong khi đó, nhà sư điều hành chùa Hổ bị cáo buộc buôn bán, ngược đãi và sở hữu bất hợp pháp động vật hoang dã, sắp tuyệt chủng suốt 2 thập kỷ qua.

Theo giới truyền thông, chùa Hổ nằm cạnh khu vực sinh sống của hổ hoang dã và mở cửa từ năm 1994. Du khách tới chùa Hổ phải trả từ 17 USD (để chụp ảnh và dắt hổ đi dạo) tới 140 USD (có thể chăm sóc hổ con) và thu khoảng 5,7 triệu USD tiền bán vé/năm. Và từ năm 2010, chùa Hổ đã tuyên bố ngừng hỏa thiêu hổ con chết sau khi sinh.

Theo giới truyền thông, mấy năm qua, chùa Hổ liên tiếp bị điều tra vì bị nghi ngờ liên quan đến hoạt động ngược đãi và buôn bán động vật trái phép.Nhưng mọi nỗ lực kiểm tra đều bị các sư trụ trì ngăn cản.Nhiều nhà hoạt động cho rằng, chùa Hổ là trại nuôi hổ bí mật và kiếm lợi nhuận lớn từ việc bán động vật và các bộ phận cơ thể hổ ra chợ đen.Hiện chùa Hổ tạm thời đóng cửa để phục vụ công tác điều tra.

Trong một diễn biến mới, hơn 2.200 cảnh sát cùng binh sĩ vừa được triển khai xung quanh chùa Dhammakaya ở tỉnh Pathum Thani để bắt sư trụ trì Phra Dhammajayo. Cảnh sát còn triển khai thiết bị bay điều khiển từ xa và trực thăng để khảo sát từ trên cao chùa Dhammakaya, nơi ông Phra Dhammajayo bị truy nã với cáo buộc rửa tiền.

Hàng loạt xác hổ con được tìm thấy tại chùa Hổ.

Tờ The Nation dẫn nguồn tin từ Cục Điều tra Đặc biệt (DSI) cho biết, cảnh sát được triển khai để canh gác 15 lối vào chùa Dhammakaya. Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Koomchaya tiết lộ, DSI đã xác lập 5 bước nhằm bắt giữ ông Phra Dhammajayo.Giám đốc DSI Paisith Wongmuang khẳng định, chùa Dhammakaya vướng vào nhiều cáo buộc tham nhũng từ nhiều năm qua. Trước đó (17-5), tòa đã phát lệnh bắt ông Phra Dhammajayo với cáo buộc rửa tiền, nhận 1,2 tỷ baht (khoảng 33.500 USD) bất chính liên quan đến vụ biển thủ lớn.

Cảnh sát và luật sư của ông Phra Dhammachayo cho biết, lệnh bắt giữ được đưa ra sau khi ông Phra Dhammajayo không chịu trình diện để thẩm vấn tới 3 lần. Luật sư Sumpun Sermcheep cho biết, ông Phra Dhammajayo đang bị bệnh, nên không thể xuất hiện theo lệnh của tòa.

Việc nhà sư Luang Pu Nenkham Chattiko, tên thật là Wirapol Sukphol có biệt danh “sư hổ mang” được chấp nhận sống tị nạn ở bang California, Mỹ từng khiến dư luận bất bình. Bởi Wirapol Sukphol được Mỹ cưu mang bất chấp việc ông bị cảnh sát Thái Lan truy nã với nhiều tội danh.

Được biết, Wirapol Sukphol đã chi khoảng 30 triệu USD để có cuộc sống mới ở Mỹ. Và sẽ có cuộc sống mới tại Mỹ với tư cách một nhà sư giàu có, với danh xưng mới Phra Vimuttuyarn.

Theo giới truyền thông, trước khi tới Mỹ, Wirapol Sukphol từng tị nạn ở Pháp sau khi bị cảnh sát Thái Lan cáo buộc với các tội danh như bắt cóc trẻ em, cưỡng dâm vị thành niên, lừa đảo, rửa tiền và tội phạm máy tính. Tới khi biết Wirapol Sukphol đã đào tẩu, cảnh sát Thái Lan mới tịch thu được 380 triệu baht từ 41 tài khoản ngân hàng (chưa kể bất động sản) của “sư hổ mang” này.

Khắc Tuấn
.
.
.