Những cạm bẫy trên đường đến miền đất hứa

Thứ Ba, 28/08/2018, 07:35
Lợi dụng nhu cầu của công dân ra nước ngoài lao động, tìm kiếm việc làm, học tập, du lịch, thăm thân, kết hôn, đoàn tụ gia đình..., rất lớn và đa dạng nên một số đối tượng đã lợi dụng, hình thành các đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Trong các đường dây này có sự câu kết chặt chẽ giữa đối tượng ở trong và ngoài nước.


Bài 1: Gia tăng tình trạng buôn bán người

Những năm qua, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam ra nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. 

Tuy nhiên, do nhu cầu của công dân ra nước ngoài lao động, tìm kiếm việc làm, học tập, du lịch, thăm thân, kết hôn, đoàn tụ gia đình..., rất lớn và đa dạng nên một số đối tượng đã lợi dụng, hình thành các đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Trong các đường dây này có sự câu kết chặt chẽ giữa đối tượng ở trong và ngoài nước.

“Nếu không gặp được cô lái đò tốt bụng thì có lẽ giờ này em đang lưu lạc nơi đất khách, quê người...”, em PTTL (trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), một trong những nạn nhân may mắn thoát khỏi bàn tay của những kẻ mua bán người, ngậm ngùi nói với chúng tôi. PTTL chỉ là một trong những cô gái chúng tôi có dịp tìm hiểu khi viết bài này. 

Trần Đức Anh và các đối tượng trong đường dây mua bán người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nạn nhân trong các đường dây mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài hiện nay đi bằng nhiều con đường khác nhau cả hợp pháp (bằng hộ chiếu, giấy tờ hợp lệ) và trái phép qua đường tiểu ngạch, không có hộ chiếu giấy tờ. 

Tại nước sở tại, những người di cư làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, nhà hàng, cơ sở giải trí, công trường, xưởng may "đen", cơ sở trồng cần sa… có nguy cơ cao bị cưỡng bức, bóc lột lao động và lạm dụng tình dục, thậm chí bị ép buộc phạm tội, trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.

Kể lại câu chuyện xảy ra, PTTL không giấu được nỗi sợ hãi, chia sẻ rằng: Qua mạng xã hội facebook, cuối tháng 12-2017, L kết bạn với nick facebook tên “Anh Cok”. Sau này, L biết chủ của tài khoản là Trần Đức Anh (19 tuổi, tại khu 8, xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ). 

Qua những lần chuyện trò, L nói với Đức Anh về việc muốn tìm việc làm, cô gái trẻ không ngờ rằng người bạn mà mình mới quen lại nảy sinh ý định tàn độc, dụ dỗ lừa đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán làm gái mại dâm. 

 L nhớ lại: “Vào thời điểm đó, tôi có em trai là Phùng Mạnh Q (17 tuổi) đang làm thuê tại một quán ăn ở Gia Lâm - Hà Nội nên đã rủ Q cùng tìm một công việc mới ở Trung Quốc. Sau khi tôi ngỏ ý, Trần Đức Anh đã đồng ý xin việc giúp cho em của tôi, vì thế tôi đã tin tưởng”. 

Đức Anh thuê xe taxi đưa L cùng Q lên thành phố Lào Cai. Tại đây, L và em trai gặp Nguyễn Thị Lan (21 tuổi, trú tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, Lào Cai) và một người đàn ông Trung Quốc, đối tượng Lan giới thiệu là chồng của chị ta. Lan và Đức Anh đưa L và Q vào một nhà nghỉ trên địa bàn phường Phố Mới (TP Lào Cai) nghỉ ngơi rồi đưa đi ăn chơi. 

Đối tượng Đức Anh yêu cầu L và em trai chụp ảnh để làm hộ chiếu đi Trung Quốc. Sau đó, Đức Anh nói với L rằng hộ chiếu của cô đã được làm xong còn của Đức Anh, Q chưa làm được nên sẽ đi sau. Tin vào lời của Đức Anh, L đã theo hai vợ chồng Lan đưa Lan ra khu vực bến đò Phố Tèo để sang Trung Quốc.

Rất may khi cô bị đưa vào nội địa thì Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai, đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Đức Anh. Từ lời khai của đối tượng này, Công an tỉnh Lào Cai đã kịp thời giải cứu cho cô gái trẻ.

Theo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, hiện nay, tình hình đưa người trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ bị mua bán người dạng cưỡng bức lao động. 

Trên thực tế, thời gian qua đã xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản với tên giả trên mạng xã hội hoặc dùng mồi nhử bằng "tiền" thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương (nhất là các huyện, bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa) nhằm tuyên truyền, lừa phỉnh, dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động (học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên), kể cả lao động thời vụ với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản để tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài sau đó bán nhằm cưỡng bức lao động.

Từ năm 2017 đến quý I- 2018, Cơ quan đại diện tại Trung Quốc tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ hồi hương hàng trăm trường hợp nạn nhân bị mua bán. Từ năm 2016 đến nay, Bộ đội biên phòng đã phát hiện 27.520 lượt người xuất cảnh, di cư trái phép sang Trung Quốc; 26.500 lượt người xuất cảnh, di cư trái phép sang Lào; 7.567 lượt người xuất cảnh, di cư trái phép sang Campuchia, số người này chủ yếu sang lao động làm thuê tại các nhà nghỉ, khách sạn, hàng ăn, cửa hàng tạp hóa, khai hoang, trồng trọt hoặc một số phụ nữ được các đối tượng môi giới hôn nhân bất hợp pháp... 

Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán người xuyên quốc gia, bắt giữ, xử lý 80 vụ/536 đối tượng/196 nạn nhân bị mua bán thông qua hình thức di cư trái phép; trong đó, các đối tượng đưa nạn nhân thông qua con đường công khai xuất cảnh hợp pháp chiếm tỉ lệ thấp; chủ yếu khi đã tuyển mộ, lừa gạt, đưa nạn nhân đến khu vực biên giới sau đó hướng dẫn họ tự qua biên giới trái phép. 

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải cứu, tiếp nhận 458 phụ nữ do Trung Quốc trao trả; 210 nạn nhân tự trở về; qua điều tra, xác minh nhiều phụ nữ, trẻ em là nạn nhân trong các vụ mua bán, tạo điều kiện cho số phụ nữ này tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an: Thời gian qua, các đường dây tội phạm không chỉ tổ chức đưa người di cư trái phép mà còn lợi dụng nhu cầu, sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của người di cư, sự thiếu hiểu biết, vị thế bấp bênh của họ để tiến hành hoạt động mua bán người, hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức…, chủ yếu sang Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Nga, Đài Loan, Ma Cao, một số nước châu Âu….

Các đường dây mua bán người hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, với sự câu kết giữa các đối tượng tổ chức ở trong và ngoài nước; móc nối với các đối tượng ở các địa phương khác nhau của Việt Nam để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân, sau đó tổ chức đưa họ ra nước ngoài. 

Trong các vụ việc này, nạn nhân không được biết toàn bộ hành trình bị mua bán hoặc nếu có thì đã bị lừa, ép buộc bằng vũ lực hoặc bị đe dọa (từ người di cư trở thành nạn nhân bị mua bán); có trường hợp nạn nhân sau khi trở về nước đã lừa gạt, dụ dỗ người khác và tổ chức mua bán người (từ nạn nhân trở thành tội phạm).

Xuân Mai - Vũ Linh
.
.
.