Người phụ nữ vượt ngàn cây số lấy chồng bại liệt

Thứ Ba, 15/12/2015, 11:08
Mặc dù là người bình thường nhưng lại có lòng xót thương và đồng cảm trước những mảnh đời phải chịu nhiều thiệt thòi như anh; thương và yêu anh, chị đã vượt qua sự phản đối của gia đình, vượt hàng nghìn cây số từ Đà Lạt ra Bắc để làm vợ một người bại liệt...

Vô tình, anh quen chị qua một trang mạng của những người khuyết tật. Chị mặc dù là người bình thường nhưng lại có lòng xót thương và đồng cảm trước những mảnh đời phải chịu nhiều thiệt thòi như anh. Thương và yêu anh, chị đã vượt qua sự phản đối của gia đình, vượt hàng nghìn cây số từ Đà Lạt ra Bắc để làm vợ một người bại liệt. Kết quả, sau 5 năm nên duyên chồng vợ, anh chị đã có bé gái đầu lòng và có một cuộc sống kinh tế mà nhiều người mơ ước.

Vợ chồng là duyên nợ kiếp trước

Nhân vật chính trong câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích ấy là anh Trần Đức Thái (42 tuổi, nhà ở Kinh Môn, Hải Dương) và chị Nguyễn Thị Bích Phượng (45 tuổi, sống tại TP Đà Lạt). Trước khi đến thăm anh chị, chúng tôi đã mường tượng ra chị Phượng là một người kém nhan sắc hoặc chí ít cũng không được tháo vát như nhiều người. Bởi, suy cho cùng chỉ có những khiếm khuyết ấy mới khiến một cô gái vượt qua khoảng cách địa lý dài dằng dặc để làm vợ một người khuyết tật.Nhưng hoá ra, những mường tượng của chúng tôi hoàn toàn sai.

Chị Phượng có vóc dáng cao ráo, khuôn mặt ưa nhìn. Sự hấp dẫn của người phụ nữ này còn ở chính cách nói chuyện linh hoạt và hiểu biết. Chị Phượng chia sẻ: "Bố mẹ mình đều là nhà giáo nên chị em mình cũng được học hành tới nơi tới chốn. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày ông, bà cũng căn chỉnh từng li từng tí".

Có vợ, có con như thể một giấc mơ với anh Thái.

Nhà có khách, chị Phượng bế chồng từ phòng ngủ ra phòng khách rồi kê cho anh Thái ngồi. Trời lạnh, chị lại quay vào nhà lấy chiếc áo khoác khoác lên vai chồng. Chị đùa bảo: "Chăm anh còn hơn là chăm con nhỏ. Con nhỏ nuôi rồi cũng có ngày nó lớn, đằng này thấy vợ chiều, được thể cứ bé mãi". Anh Thái sinh ra trong gia đình có 3 chị em, anh Thái là con út. Bố anh từng là bộ đội chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị, chất độc da cam ngấm vào từ bố đã khiến anh trở thành đứa trẻ bại liệt ngay từ khi mới lọt lòng. Thân hình bé nhỏ, khòng khoeo như một đứa trẻ nhưng sự hiểu biết của anh Thái không phải ai cũng sánh kịp.

Anh tếu táo: "Ngày xưa mình cũng lên mạng tán tỉnh nhiều em lắm đấy. Có một em sinh năm 1990, quê ở Thái Bình cũng thích mình lắm, cứ đòi về nhà mình thăm nhưng mình không đồng ý. Vì mình hiểu rằng, những người còn trẻ họ thường nông nổi. Có thể khi nói chuyện với mình họ thích, họ tưởng sẽ cảm thông được cho mình nhưng qua giây phút bốc đồng ấy rồi họ sẽ hối hận ngay. Nên lần đó mình nhất định không cho cô ấy về thăm".

Hỏi anh Thái lý do vì sao lại chọn chị Phượng làm vợ thì anh bảo: "Vợ chồng nó là cái duyên số. Có một thời gian mình rất hay vào trang mạng Nghị lực sống do hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng (đã mất - PV) sáng lập ra. Khi đó mình để ý thấy có một cô gái dù không khuyết tật nhưng lại rất hay chịu khó vào đó để động viên, chia sẻ với bọn mình. Mình cảm thấy đây là một người có tấm lòng bao dung nên làm quen. Càng nói chuyện thì càng thấy cảm tình vì cô ấy rất hiểu biết. Được cái, ngay từ đầu mình đã không giấu giếm gì về thực tế bệnh tật của mình. Mình cho cô ấy xem mình qua webcam và cô ấy chấp nhận".

Anh Thái xúc động kể về người vợ của mình.

Về phần chị Phượng, dù biết anh Thái từ bé đến lớn chưa bao giờ ra khỏi chiếc giường nhưng lại cảm mến cái tài của anh. Chị kể: "Anh dù không được học hành nhưng lại viết được bài, thơ đăng trên các báo Hoa học trò, Sinh viên Việt Nam, Thiếu niên Tiền Phong… Rồi anh còn chịu khó mày mò sửa chữa điện thoại, tự chế tạo ra được chiếc xe dành cho người khuyết tật có cả đèn, gương chạy bằng ắc quy. Sản phẩm đó của anh đạt giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam năm 2007".

Nghe cái cách chị Phượng nói về chồng mình đủ thấy chị tự hào về anh thế nào. Thế nên, 5 năm chung sống với anh, cuộc sống có đôi lúc cũng khiến chị mệt mỏi nhưng chị vẫn thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Chị cười bảo, trước chị không có ý định lấy chồng vì quan điểm của chị rất cực đoan.Với chị, khi đã là vợ chồng thì không được phép lừa dối nhau, chồng không được có ai đó bên ngoài hay chửi đánh vợ. Mà xung quanh nơi chị sống cùng bố mẹ trong Đà Lạt, những cảnh chướng tai gai mắt ấy cứ diễn ra hằng ngày khiến chị rất dị ứng. Chị đã từng nói với bố mẹ là con không lấy chồng, cứ ở vậy với bố mẹ đến già. Vậy mà, như cái duyên tiền định, chị quen anh và yêu anh. Lúc chị nói chị muốn lấy chồng, bố mẹ chị rất vui. Nhưng khi nghe chị kể anh là người Bắc và là người khuyết tật, bố mẹ chị đã cực lực phản đối. 

"Hồi đó mình có hai người bạn gái thân thì một người phải chăm bố đẻ bị liệt, một người lại phải chăm sóc mẹ chồng bị liệt. Mình nói với bố mẹ, chắc tuổi con nó vậy đó, kiểu gì cũng phải chăm người liệt. Biết đâu con lấy anh lại gánh cho bố mẹ đỡ bệnh tật sau này thì sao. Thuyết phục bố mẹ đến như vậy mà bố mẹ mình còn chưa chịu nghe. Sau này ông bà còn phái cả em trai mình ra Bắc để thăm dò về gia cảnh của anh ấy".

Sau chuyến ra Bắc "thám thính" của người em trai, khi quay về, em trai chị Phượng chỉ nói với chị duy nhất một câu: "Nếu chị thật lòng yêu anh Thái thì cứ lấy thôi. Ngoài việc anh bị khuyết tật ra thì em thấy không có điều gì đáng chê cả". Câu nói đó chính là động lực để chị quyết tâm hơn với sự lựa chọn của mình.

Ngày hôn lễ, không có chú rể đến đón dâu. Chỉ có vài người thân trong gia đình anh Thái vào đón chị Phượng về. Quay sang nhìn chồng, chị Phượng đùa: "Các em thấy có ai sướng như anh ấy không? Còn chưa biết nhà vợ ở đâu mà cũng cưới được vợ cơ đấy!".

Chị Phượng luôn tin vào một tình yêu tiền kiếp.

Quả ngọt của một chuyện tình đẹp

Trước đây, ngôi nhà nhỏ của anh Thái dù có nằm ngay cạnh đường lớn nhưng cũng chẳng mấy khi có tiếng người cười đùa. Một thân một mình nằm trên giường, thỉnh thoảng có đứa cháu đến chăm sóc, lúc buồn chỉ hé cửa nhìn ra đường. Vậy mà từ khi có chị Phượng về làm vợ, ngôi nhà ấy "sáng" hẳn lên, anh nói nhiều hơn, cười nhiều hơn. Ngôi nhà ấy càng trở nên hạnh phúc, ấm áp khi bé Trần Ngọc Anh ra đời. Có mơ hai vợ chồng anh cũng không thể tưởng tượng mình sẽ có con.

Anh Thái còn nhớ như in cái ngày nghe tin vợ có bầu. Hai vợ chồng vừa mừng lại vừa lo. Người thân họ hàng khuyên nên bỏ thai, vì nếu sinh ra nhỡ không may có vấn đề gì thì lại thêm gánh nặng. Hai vợ chồng nhiều đêm mất ngủ, họ bàn với nhau, khi thì quyết định bỏ để trút đi nỗi lo, lúc lại quyết để hy vọng con khỏe mạnh. Thế rồi anh nói với chị, dù con có thế nào cũng là con của chúng ta, cũng là kết quả của một chuyện tình đẹp. Họ hứa với nhau sẽ nuôi dạy con thật tốt. Thế rồi họ hồi hộp chờ ngày bé chào đời. Một bé gái khỏe mạnh!

Hai vợ chồng như không tin vào mắt mình. Niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội khi bé Ngọc Anh ngày càng ngoan ngoãn, thông minh. Anh Thái nhớ lại: "Dù đi siêu âm, bác sĩ nói con bình thường nhưng hai vợ chồng vẫn lo lắng. Đến khi cháu chào đời, rồi lớn dần lên chúng tôi mới thực sự yên tâm.Giờ cháu đã 4 tuổi và rất thông minh". Anh Thái đang nói chuyện với chúng tôi thì con gái về đến cửa, bé Ngọc Anh khoanh tay chào bố. Anh Thái, chị Phượng nhìn con như bật khóc vì sung sướng, vì mãn nguyện.

Bé Ngọc Anh - chứng nhân của một tình yêu cổ tích.

Vốn là người tài hoa lại tâm lý, anh hiểu những thiệt thòi mà vợ mình phải chịu. 4 năm lấy nhau chưa một lần về nhà vợ nhưng năm nào anh cũng mua vé máy bay để vợ con về Đà Lạt thăm quê, ăn Tết. Anh Thái cười đùa: "Có khi Phượng lấy tôi lại sướng! Ít nhất là tôi chẳng bao giờ đánh đập vợ, lại chung thủy. Không phải đại gia nhưng vẫn lo đủ cho vợ con về quê… cuộc sống ổn định".

Con vừa về tới nhà là chị Phượng luôn chân tay. Hết cho con uống sữa, rồi quay sang pha nước cam cho chồng. Vừa đỡ cốc nước chị Phượng vừa vuốt nhẹ lên mái tóc chồng: "Hôm nay nắng ráo, tổng vệ sinh đầu tóc đây. Hằng ngày anh ấy chỉ ngồi trên giường này, chị phải lo tất từ chuyện vệ sinh, ăn uống cho đến thay đồ. Anh Thái thông minh nên học rất nhanh, dù không giỏi nhưng anh ấy vẫn sửa chữa điện thoại được cho khách.Những chiếc điện thoại hiện đại anh ấy có thể tải nhạc, chạy lại phần mềm, cài đặt".

Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng khi nhiều khách hàng vào giao dịch, mua bán. Cửa hàng sửa chữa, trao đổi mua bán điện thoại Thái Phượng của anh chị mở được 2 năm. Nhờ khả năng đặc biệt với đồ điện tử của anh Thái mà cửa hàng ngày một đông khách.  Anh Trần Văn Quang, người cùng xã với anh Thái tâm sự: "Quả thực nhìn vào cuộc sống gia đình của anh Thái không ít người phải ghen tị. Vợ đẹp, con ngoan, cửa hàng đông khách… chúng tôi bình thường có mơ cũng còn khó.Anh ấy xứng đáng có điều ấy nhờ nghị lực phi thường của mình".

Ngôi nhà nhỏ có người đàn ông nghị lực phi thường, người phụ nữ mạnh mẽ, nhất mực tin vào tình yêu tiền kiếp lại ấm lên trong bữa cơm chiều. Chia tay anh chị, chúng tôi tin với tình yêu của mình họ sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt. Họ xứng đáng được ở bên nhau, xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc.

Phong Anh
.
.
.