Nghẹn ngào nghe chuyện người mẹ nghèo hiến tạng con trai cứu 5 người

Thứ Hai, 07/05/2018, 08:05
Trên đường đi làm, hễ thấy bóng dáng của thanh niên nào đó đang cặm cụi phụ hồ, bà Phụng đứng rất lâu nhìn ngắm. Đó là cách làm bà vơi bớt nỗi nhớ về cậu con trai xấu số của mình. Rồi bà mỉm cười tự nhủ, biết đâu trong số những người này đang mang một phần máu thịt của Lành, người con trai yêu quý của mình...


Quyết định dũng cảm

Căn phòng trọ của mẹ con bà Võ Thị Ánh Phụng (48 tuổi) nằm trong khu vực giải tỏa ở gần nghĩa trang thuộc phường Bình Trưng Đông (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) bốn bề ép tôn, vách gỗ liêu xiêu, nền xi loang lổ. Mùa này, bên trong nhà như cái lò bát quái, mẹ con bà không dám ở trong nhà mà thường lánh sang nhà người quen hoặc ra bờ sông ngồi tới tối mới trở về. 

Có lẽ, thứ quý nhất trong nhà là Bằng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân do Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Trần Văn Lành, người con trai đã hiến tạng cứu 5 người. Kể về con trai, bà Phụng lại rơm rớm nước mắt. Vừa nhớ lại vừa thương, cảm giác đau đớn, xót xa.

Bây giờ bà Phụng chỉ còn Sơn Lâm.

Hai năm trước, Trần Văn Lành vừa bước qua tuổi 20 tràn đầy lý tưởng và hoài bão. Nào ngờ đâu, tai nạn ập tới chóng vánh như một ác mộng. Đến bây giờ, bà Phụng vẫn không thể tin con trai đã ra đi mãi mãi. “Nó đi nhanh lắm, chẳng nói được với tôi câu nào”. Nước mắt người mẹ trào ra, nhớ về khoảnh khắc đau khổ cùng cực khi nghe tin mất con.

Hôm ấy, bà đang làm việc thì nghe tin con trai gặp tai nạn giao thông đang cấp cứu tại Bệnh viện quận 2. Bà tức tốc chạy tới, chỉ thấy con xây sát chân tay, đầu băng bó nhẹ. Con vẫn nói chuyện và đi lại bình thường. Đến chiều thì Lành buồn ói, kêu mệt mỏi rồi cứ thế lịm đi không biết gì nữa. Người ta chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy thì không kịp, bác sĩ thông báo con trai bà đã chết não. 

Bi kịch ập đến quá bất ngờ khiến bà Phụng sụp đổ, bà chỉ biết gào khóc đến mờ mắt, héo hắt ruột gan. Là người mẹ từ quê nghèo lên thành phố mưu sinh, cuộc đời bà Phụng nào biết đến tiến bộ y khoa là gì. Bà không hình dung ra được việc ghép tạng sẽ như thế nào. 

Khi đó, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy đã an ủi, động viên, giải thích ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người. Bác sĩ Thu gợi ý để bà Phụng đồng ý hiến tạng con trai. 

Bà Phụng nhớ lại: “Bác sĩ Thu cho biết, các bộ phận trên cơ thể của con trai tôi sẽ cứu được 5 người bệnh đang rất nguy kịch đến tính mạng. Nghe xong tôi bần thần mãi, tôi ngồi thụp xuống suy nghĩ thật lâu. Cuối cùng, tôi nghĩ đến sự hồi sinh của con trai trong cơ thể người khác. Vậy thì ít ra, tôi vẫn còn được nhìn thấy một phần máu thịt của con ở lại với cuộc đời”. Ngay sau đó, bà đã đặt bút ký vào đơn hiến tạng con.

Sơn Lâm được cô Thoa tận tình dạy học tại nhà.

Sau khi hiến tạng, Lành được hỏa thiêu rồi đưa về một ngôi chùa ở quận 9. Những tưởng người về với cát bụi là hết, dư âm còn lại chính là 5 con người được tiếp tục sống thì người ta sẽ ca tụng biết ơn mẹ con bà Phụng. Nhưng người thân của bà đã xì xào bàn tán, hoài nghi bà Phụng bán tạng của con để kiếm một khoản tiền lớn. Bà Phụng buồn bã không biết bày tỏ cùng ai. 

Bà gào lên: “Tôi thương con không hết, sao lại đi bán nội tạng của con cơ chứ. Tôi nghèo cả cuộc đời còn được, hèn cớ gì đi làm điều trái với lương tâm đạo đức như mọi người nghĩ”. Rồi bà giải thích, theo đúng lý lẽ của người đàn bà chân chất, mộc mạc: “Thiêu đốt rồi thì tất cả đều thành tro, nội tạng cũng thành tro chứ còn gì nữa. Tôi chỉ biết triết lý sống chính là cứu được người. Thế thôi, ai nói gì cũng đành chịu. Sau này nếu được, tôi cũng sẽ hiến xác”.

Lúc nào cũng nhớ về con

Bà Phụng sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Bến Tre. Lớn lên lấy chồng sinh được 2 đứa con thì cái nghèo càng thêm đeo bám. Người chồng dứt áo ra đi, bỏ lại bà ôm hai con nhỏ dại. Ở quê đi làm mướn bữa được bữa không nên nồi cơm của ba mẹ con lúc vơi lúc đầy. 

Bí bách, bà Phụng mang hai con rời quê lên TP. Hồ Chí Minh kiếm sống. Lúc này cô con gái đầu đã lớn, bà giao cho trông em, còn mình thì “lao” ra ngoài làm đủ thứ nghề, ai thuê gì bà đều làm, nhưng vì bàn tay của bà bị tật nên chỉ có thể rửa chén, lau nhà.

Chìa bàn tay cong queo, xù xì vết chai, lồi lõm xương cốt, bà Phụng cho biết: “Đây là vết thương do tai nạn giao thông để lại. Chiếc xe tải cán gãy rục xương bàn tay, bác sĩ cố gắng lắm mới sắp xếp lại đúng trật tự các đốt xương, nhưng cũng chỉ giữ lại được thế này làm cảnh thôi”.

Bà Phụng day dứt mãi vì không thể cho hai con có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Cả thời thơ ấu của chúng chỉ quanh quẩn chơi bên bãi rác, không được học hành, ăn ngon mặc đẹp và cũng không biết đến sở thú, công viên là gì. 

Khi chị gái lớn đi lấy chồng, cũng là lúc Lành biết phụ giúp mẹ việc nhà. “Những đồng tiền đầu tiên kiếm được từ nghề phụ hồ, nó đưa hết cho tôi, không giữ cho mình một xu nào. Tôi biết là nó mệt lắm nhưng thương mẹ nên cố gắng đi làm” - bà Phụng kể.

Lành bị bệnh máu loãng, không được khỏe mạnh như các thanh niên khác nên bà Phụng luôn căn dặn con phải cẩn thận, không để đứt tay chân, vết thương sẽ khó lành. Trước ngày xảy ra tai nạn một tháng, bà Phụng đã to tiếng với Lành. Vì sợ mẹ giận nên Lành bỏ sang nhà bạn ở. 

Một tuần không thấy con về, bà Phụng tất tả đi tìm và quặn lòng khi thấy con xanh xao gầy yếu. Lành nói với mẹ, chỉ dám ngủ nhờ nhà bạn thôi, không dám ăn nên đói lắm. Sợ mẹ chưa hết giận nên không dám về. Trên đường về nhà, bà Phụng và con trai đã tâm sự rất nhiều chuyện. 

Lành nói với mẹ đi làm phụ hồ vất vả, nặng nhọc mà lương thì không được bao nhiêu. Cậu xin mẹ để dành tiền vài tháng nữa sẽ đi học nghề. Vậy mà một tháng sau, cậu bị tai nạn, ước mơ mãi mãi bị chôn chặt.

Dù con đã đi xa, nhưng bà Phụng lúc nào cũng nhớ. Trên đường đi làm, hễ thấy bóng dáng của thanh niên nào đó đang cặm cụi phụ hồ, bà Phụng đứng rất lâu nhìn ngắm. Rồi bà mỉm cười tự nghĩ, biết đâu trong số những con người này đang mang một phần máu thịt của Lành...

Sống tiếp cuộc đời của anh

Lát cắt về cuộc đời của bà Phụng không dừng lại ở việc dũng cảm hiến tạng con trai. Sau những đớn đau, tủi hổ, bà lại trở về với đời sống lam lũ thường nhật. Bà xin vào làm lao công ở một quán bar ở Thảo Điền (quận 2). Bà làm quần quật để quên đi nỗi nhớ con trai và nỗi đau mất mát. 

Còn đứa con trai 8 tuổi là kết quả của cuộc tình “vớt vát” sau này, cũng bị bệnh máu loãng như anh trai và cũng rơi vào tình cảnh thiếu ăn, thiếu chữ. Con đường tình duyên của bà lận đận như chính cuộc đời bà, lại một lần nữa, người đàn ông thứ 2 dứt áo ra đi, bỏ lại hai mẹ con bà Phụng chơi vơi, chòng chành với cuộc sống khốn khó.

Thằng bé Sơn Lâm may mắn vì được hưởng tấm lòng rộng mở của nhiều người. Sau khi người anh trai cùng mẹ khác cha hiến tạng, bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tới thăm hai mẹ con. Thấy cảnh Sơn Lâm đến tuổi đi học mà không được đến trường, họ đã xin cho thằng bé vào học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 2). 

Bà Phụng bên bàn thờ con trai.

Tuy nhiên, do từ nhỏ sống trong môi trường tách biệt với mọi người, Sơn Lâm lầm lũi, chậm chạp, rất khó hòa nhập. Cu cậu đi học mà không nói chuyện với ai, không chịu đọc bài, ai hỏi đến là khóc. Học mấy tháng mà chưa biết gì cả. Các thầy cô kiên trì tập chuyện cho Lâm ở trên lớp. Mấy tháng hè, Lâm được gửi tại nhà cô giáo về hưu Đinh Thị Kim Thoa học phụ đạo cả ngày, cô nuôi ăn luôn.

Bà Phụng chia sẻ: “Cô giáo cũng chịu vất vả rất nhiều khi nhận dạy Sơn Lâm. Tôi biết nhiều khi họ nản lắm, nhưng vì nghĩ đến người anh của nó đã hiến dâng một phần cơ thể của mình cho những cuộc đời khác nên họ ráng thôi”.

Giờ thì Sơn Lâm đã tiến bộ rõ rệt, cậu đã hòa nhập được với bạn bè và môi trường học tập. Lâm tự viết được chữ và dễ bảo hơn ngày đầu. Bà Phụng hy vọng tương lai của Lâm sẽ xán lạn hơn người anh quá cố, để ở đâu đó trên cõi đời này, Lành mỉm cười hạnh phúc.

Ngọc Thiện
.
.
.