Người đàn ông hơn 20 năm làm "đôi chân" cho vợ

Thứ Năm, 28/01/2016, 16:58
Bà bị tai biến đúng lúc ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, đứa học đại học, đứa học cấp 3. Suốt những tháng bà nằm viện, sống đời thực vật, một mình ông vừa chăm vợ, vừa làm nghề mộc kiếm tiền nuôi các con ăn học. Cứ ở đâu mách thuốc hay, ông lại lặn lội đến tận nơi mua thuốc, hoặc đón thầy thuốc về chữa bệnh cho vợ. Hơn 20 năm qua, ông trở thành đôi chân của bà, thành người "giúp việc" có một không hai trong gia đình.


Câu chuyện cảm động về vợ chồng ông Nguyễn Chí Thọ và bà Nguyễn Thị Quyên ở Văn Cao, Hà Nội khiến nhiều người không khỏi khâm phục.

Năm nay ông Thọ và bà Quyên đã ngoài 60 tuổi. Thương cha tuổi già còn nhiều vất vả, lo toan nên ba năm nay các con ông đã thuê người giúp việc để cơm nước, dọn dẹp nhà cửa phụ giúp ông chăm bà và ba đứa cháu nội. Dù có người giúp việc nhưng ông Thọ vẫn làm hết những việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân của bà Quyên và của các cháu ngoại, cháu nội. Chị giúp việc chỉ lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, còn lại tắm rửa, đưa đón, cho các cháu ăn uống, học hành và chăm sóc bà, ông đều làm hết. Hỏi ông, ông chỉ cười. 

Ông bảo, ông không an tâm khi để người khác chăm vợ, hơn nữa, hơn 20 năm nay, ông đã quá quen với công việc này nên chẳng thể nào bỏ được. Nhìn cái cách ông nói chuyện với bà bằng ánh mắt chan chứa tình cảm đủ thấy ông yêu bà đến nhường nào.

  Ông Thọ và bà Quyên.

Khi chúng tôi đến nhà, ông Thọ chỉ kịp mời vào nhà chơi rồi lại tất tả đi đón đứa cháu lớn năm nay đang học lớp 3. Người con trai út mà vợ chồng ông đang ở cùng có ba đứa cháu, bố mẹ chúng đi làm cả ngày đến tối mịt mới về, một mình ông lo đưa đón, chăm sóc, lo cả việc học hành cho chúng nó. Trước đây chưa có người giúp việc, ông vừa làm mộc, vừa trông cháu, vừa chăm bà.

Giọng nói khó nhọc do hậu quả của lần tai biến nhưng thần thái tươi vui, gương mặt hạnh phúc mãn nguyện. Bà Quyên tâm sự, bà được như ngày hôm nay là nhờ ông nhiều lắm. 4 tháng ròng rã nằm viện, hơn 1000 ngày hôn mê, ông chăm sóc bà từng li từng tí, xoa bóp, bế ẵm, chạy vạy khắp nơi lo thuốc thang cho bà… Nhờ ông mà bà có thể ngồi dậy được, có thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân cho chính mình.

Ngày trước, ông bà vốn sống chung ở một xóm nhỏ của huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lớn lên cùng nhau nên hai người sớm nảy sinh tình cảm khi vừa bước vào trường Trung học phổ thông. Sau ba năm học cấp 3, cả hai cùng xuống Hà Nội làm thuê rồi kết hôn khi vừa bước sang tuổi 20. Cuộc sống của hai vợ chồng anh công nhân trẻ càng khó khăn hơn khi ba đứa con lần lượt ra đời. Để có tiền nuôi các con ăn học, ngoài giờ làm, ông bà còn làm thêm đủ nghề như chạy chợ, giao hàng cho các quán ăn trong thành phố, tối về lại tranh thủ làm nghề mộc ngay sau nhà kiếm thêm tiền.

Giữa lúc cuộc sống gia đình đang khó khăn chồng chất khi anh con trai cả vừa vào đại học, chị thứ hai và anh út vẫn đang học cấp 3 thì một biến cố lớn xảy ra. Một buổi sáng ngủ dậy đột nhiên bà Quyên không nói được gì, toàn thân không cử động được cứ nằm bất động trên giường. Vào viện các bác sỹ kết luận bà bị tai biến. Từ đó là những tháng ngày vất vả, cực nhọc chăm sóc vợ và nuôi các con ăn học của ông Thọ.

Nằm viện được 10 ngày thì bà chuyển sang hôn mê sâu và sống thực vật mấy tháng trời. Ông Thọ bỏ dở mọi công việc để vào viện chăm vợ. Các con còn đang đi học nên chẳng giúp được gì nhiều, một mình ông phục vụ bà là chính. Thời gian ông ở viện nhiều hơn ở nhà. Ban ngày ông chỉ tranh thủ về nhà lấy ít đồ rồi lại vội vã đi ngay. 

Bốn tháng bà Quyên nằm viện, bao nhiêu tài sản trong nhà đều đội nón ra đi. Có khoản tiền tích cóp để xây nhà cũng hết, phải đi vay mượn khắp nơi. Không đủ tiền chạy chữa bằng thuốc Tây, ông đưa bà về nhà chạy chữa bằng thuốc Nam. Trước khi về, các bác sỹ dặn: "Bà ấy vẫn có cơ hội tỉnh lại. Ông cần chu đáo, nhẹ nhàng với bà. Mọi người nên thường xuyên nói chuyện với bà ấy để kích thích hoạt động của thần kinh". Ông bắt đầu "chiến dịch cứu vợ".

Có lẽ đó là khoảng thời gian vất vả, cực nhọc nhất của ông Thọ, không chỉ gánh trách nhiệm của người cha mà ông còn là một người mẹ trong gia đình thay cho vợ. Ông bỏ làm công nhân, chuyển sang làm mộc ngay tại nhà để có nhiều thời gian chăm sóc bà hơn. Một ngày có 24 tiếng thì ông thức trọn 20 tiếng để làm việc nhà và chăm sóc vợ. 

Hằng ngày, ông cứ dạy từ sáng sớm, rồi vệ sinh cá nhân cho bà từ rửa mặt, lau tay chân, thay bỉm… Sau đó, ông nấu cháo để truyền nước cháo cho bà… và cơm nước cho các con đi học. Xong xuôi, ông lại lụi cụi trong xưởng mộc, vừa làm vừa trông nom vợ. Vài ba tiếng, ông lại vào trông xem bà có gì thay đổi… Tối đến trước khi đi ngủ ông tranh thủ xoa bóp, bấm huyệt cho bà, giúp bà tập vật lý trị liệu. Kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc của ông bao giờ cũng là quá nửa đêm.

Có lẽ nhờ tình thương và sự chăm sóc tận tình, chu đáo của ông Thọ mà bà Quyên tỉnh lại nhanh đến thế. Đến bây giờ ông Thọ và các con vẫn không thể quên được cái ngày đặc biệt đó, sau 1.000 ngày, mi mắt bà nhấp nháy. Mới đầu bà chẳng nhận ra ai, hỏi gì cũng chỉ biết lắc đầu, đút cho gì thì ăn nấy, chẳng nói được câu nào. Những ngày sau đó, ông cùng các con tiếp tục chiến dịch khôi phục trí nhớ và vật lý trị liệu cho bà. 

Bên cạnh những câu chuyện gợi lại ký ức, ông còn nhờ hàng xóm sang để tâm sự cùng bà mỗi khi ông bận việc. Nhớ lại những ngày đó, bà Quyên cho biết: "Khi tôi bị tai biến thì ngôi nhà vẫn đang là nhà cấp 4, khi tỉnh lại thì căn nhà đã được xây dựng lại. Lúc ấy tôi cũng không biết mình đang ở đâu, nằm ở nhà ai nữa...".

Bà Nguyễn Thị Quyên kể lại quãng thời gian được chồng chăm sóc.

Để giúp vợ sớm phục hồi sau khi tỉnh lại, ông Thọ còn lặn lội khắp tỉnh trong, tỉnh ngoài để tìm thầy tìm thuốc. Cứ nghe ai mách ở đâu có thuốc tốt là ông lại đến tận nơi mua thuốc hay đón thầy thuốc về tận nhà để bắt mạch, kê đơn. Mỗi tuần, ông nhờ bác sỹ đến nhà châm cứu 2 lần. Châm cứu nhiều không đem lại kết quả tốt, ông giảm xuống c̣n mỗi tháng 2 lần, đồng thời tăng thời gian bấm huyệt và xoa bóp lên. Từ uống nước cháo, bà có thể ăn cháo đặc, rồi ăn cơm. Từ chỗ người khác phải bón, năm 2009, bà đã tự ăn và ngồi dậy được. Mấy năm nay, bà Quyên đã có thể ngồi xe lăn, chơi với các cháu và nói chuyện với mọi người dù chưa tròn vành rõ chữ.

Vất vả, mệt nhọc là thế nhưng chẳng bao giờ ông Thọ quát vợ và các con đến nửa lời. Có khi chán nản, bực bội vì bệnh tật, vì không làm được gì cho chồng con, bà Quyên lại nổi cáu rồi quát ông, nhưng lúc nào ông cũng chỉ cười trừ và tếu táo vài câu đùa cho bà vui. Thương ông, nhiều lần bà khuyên ông nên chia tay đi tìm hạnh phúc mới để có người chăm ông và các con khi tuổi già, ông lại mắng bà hay cả nghĩ, nói linh tinh. Những tháng ngày bà chỉ nằm một chỗ, không nói không cử động được, gia đình nhà chồng cũng nhiều lần khuyên ông Thọ nên từ bỏ người vợ ốm yếu, bệnh tật, nhưng ông Thọ kiên quyết không nghe.

Giờ đây các con đều đã tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng. Dựng vợ gả chồng cho con đều một tay ông quán xuyến. Đưa đón, chăm sóc các cháu cũng do ông lo liệu. Nhà có giúp việc, nhưng ông vẫn muốn tự tay chăm sóc vợ và các cháu. Nhìn cái cách ông Thọ kể lại câu chuyện, thêm vào những câu đùa vui với vợ và ánh mắt chứa chan yêu thương của bà Quyên khi nhìn ông, chắc hẳn ai cũng phải ghen tị bởi sự hạnh phúc hiếm có ấy của họ. Có lẽ với ông Thọ, chẳng có gì quý giá hơn bằng việc được ở bên bà, chăm sóc bà như những ngày xưa cũ.

Minh Lâm - An Di
.
.
.