Bác sĩ có đôi tay vàng, gắp thành công hơn 1.000 ca hóc dị vật

Thứ Tư, 19/10/2016, 10:58
Với người dân Bắc Ninh, Bắc Giang và vùng lân cận, khi gặp vấn đề về hóc dị vật, người đầu tiên họ tìm đến là Đại tá, PGS. TS Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện Quân y 110. Nhiều người nói anh là bác sĩ có bàn tay vàng gắp dị vật, gắp thành công những ca dị vật hy hữu, mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc và sức khoẻ cho nhiều người không may bị hóc dị vật.


Quả thực, với hơn 1.000 ca gắp dị vật thành công trong 25 năm công tác, bác sĩ Thanh đã để lại ấn tượng tốt đối với người dân trong vùng và cái tên “bác gắp” của Viện Quân y 110. Dân dã, thân thiện, gần gũi bệnh nhân là những điều chúng tôi cảm nhận được khi nhìn BS Thanh thăm khám cho bệnh nhân.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bác sĩ Thanh bảo, nội soi và gắp dị vật là thế mạnh của Bệnh viện Quân y 110. Những ca khó, người bệnh nặng tìm đến viện đều được anh trực tiếp thăm khám và điều trị. Anh đã ứng dụng phương pháp nội soi trong khám, chữa bệnh. 

Năm 2011, bằng phương pháp nội soi, anh lấy thành công hai nửa dao lam trong dạ dày bệnh nhân Nguyễn Đoan Hùng, binh nhì thuộc Trung đoàn 141, đoàn Sao Vàng. 

Khi hội chẩn, phần lớn đồng nghiệp đều chỉ định mổ phẫu thuật. Suy xét tình hình, bác sĩ Thanh cho rằng, đây là ca khó và phức tạp, nếu phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng, trong khi phương pháp nội soi đỡ tốn kém và không gây đau đớn. Ca nội soi do anh làm kíp trưởng đã lấy thành công hai nửa lưỡi dao lam qua đường nội soi ống mềm. 

Hay trường hợp hy hữu của bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa, quê ở Bắc Ninh, do nuốt vào bụng tới 139 tờ nhân dân tệ trong quá trình lưu lạc tại Trung Quốc nên khi về sinh sống tại quê hương, bệnh nhân bị bít tắc dạ dày, gây đau đớn và khó khăn trong ăn uống. 

Với ca bệnh này, anh và kíp trực phải mất tới hơn 2 giờ nội soi mới lấy ra được toàn bộ số tiền đó. Và gần đây nhất là ca gắp thành công một chiếc bàn chải đánh răng dài 17cm đưa ra khỏi dạ dày một thanh niên 25 tuổi bằng phương pháp nội soi đường tiêu hoá bằng ống mềm và các dụng cụ khác.

Ca nội soi diễn ra trong thời gian 17 phút, do bác sĩ Diêm Đăng Thanh trực tiếp thực hiện cùng bác sỹ Đỗ Thiện Quảng và 2 kỹ thuật viên khoa Nội tiêu hoá - bệnh máu.

Đại tá, PGS,TS Diêm Đăng Thanh trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân.

Nội soi và gắp dị vật là thế mạnh của bác sĩ Thanh, nhưng đến nay, đối với bác sĩ Thanh, ca mổ hy hữu nhất lại là trường hợp bệnh nhân Lê Văn D., 22 tuổi, quê thị trấn Nếnh (Việt Yên - Bắc Giang). 

Trước đó, vào chiều ngày 17-2-2011, bệnh nhân Lê Văn D. bị một đối tượng dùng dao chọc tiết lợn đâm thẳng vào ổ bụng, lòi nội tạng ra ngoài. Lúc ấy, bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch do mất máu nhiều, da nhợt nhạt, ý thức lơ mơ, huyết áp tụt (có lúc huyết áp bằng 0). 

Khi phẫu thuật, trong ổ bụng có rất nhiều máu, gan bị một vết rách lớn, túi mật bị đứt đôi... Do vết rách quá rộng, không thể khâu bằng kim thông thường, anh đã chỉ đạo kíp mổ dùng kim móc len khâu cầm máu, sau đó tiến hành cắt túi mật. 

Đây là một ca phẫu thuật khó, phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, chính xác, tỉ mỉ, đồng thời cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của nhiều thành phần (gây mê, hồi sức, xét nghiệm, truyền máu, phẫu thuật). Sau hơn 3 giờ, kíp mổ đã thành công, giành lại sự sống cho bệnh nhân khi cái chết đã cận kề.

Lý giải với chúng tôi về việc dùng kim móc len để khâu gan cứu bệnh nhân, anh nói, khi còn học trong trường thầy giáo đã chỉ ra nguyên tắc khâu gan là: Kim cùn, chỉ to. Bất chợt nghĩ ngay đến kim móc len của các chị ở ngoài cổng viện, nên anh đã quyết định chính xác, cứu sống được bệnh nhân, cho thấy sự ứng dụng tài tình của những vật tưởng chừng không ăn nhập với ngành y, nhưng đã đem lại hiệu quả bất ngờ.

Năm 1991, tốt nghiệp Học viện Quân y, bác sĩ Diêm Đăng Thanh về công tác tại Bệnh viện 110. Từ thực tiễn công tác tại khoa tiêu hoá cho tới các vị trí khác nhau trong bệnh viện, anh đều hoàn thành nhiệm vụ với nhiều công trình nghiên cứu có ứng dụng thực tế. 

Ở cương vị giám đốc bệnh viện nhưng trong anh luôn đau đáu với nghề, trăn trở, tìm tòi, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để phục vụ người bệnh tốt nhất có thể. Đồng thời, làm sao để giữ chân được người tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo hình ảnh đẹp thu hút người dân tới viện khám chữa bệnh. 

Với bác sĩ Thanh, sự bình an của người dân là một hạnh phúc lớn đối với người bác sĩ trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người.

Lưu Hiệp

.
.