Cô giáo 84 tuổi nặng lòng với học sinh khuyết tật
- Một nữ Công an được đề cử ‘Công dân Thủ đô ưu tú’ năm 2015
- Chuyện về những công dân Thủ đô tiêu biểu
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Tới thăm “Lớp học tình thương” vào một ngày đầu xuân năm mới, mới hiểu được tình cảm của cô giáo Hồ Hương Nam (sống tại An Dương, Yên Phụ, Hà Nội) đã dành cho các thế hệ học sinh khuyết tật trong suốt 18 năm qua. Sở dĩ, có tên là “Lớp học tình thương” vì nó ra đời chính từ tình thương của người giáo viên già với những trẻ em khuyết tật. Cô giáo Hồ Hương Nam từng làm giáo viên tại nhiều trường tiểu học trong suốt 25 năm.
Năm 1997 nghỉ hưu từ Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, sau đó tiếp tục làm công tác dân số, gia đình và trẻ em của phường Yên Phụ. Do công việc, cô có điều kiện tới từng nhà, bắt gặp nhiều gia đình có hoàn cảnh con em bị khuyết tật không được đến trường, thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Không cầm lòng trước cảnh tượng đó, cô quyết định mở lớp để dạy dỗ, chăm sóc cho những em nhỏ bị khuyết tật này. Khi bắt đầu thành lập lớp, gặp vô vàn khó khăn.
Kể về những ngày này, cô cho biết: “Các gia đình có con bị khuyết tật đều tỏ ra mặc cảm, một mực từ chối việc cho con đi học, không muốn cho con mình tiếp xúc với xã hội. Có người còn bảo sao cô không đi dạy lấy tiền, đi dạy các em khuyết tật làm gì có tiền mà sống. Nhưng mưa dầm thấm lâu, sau một thời gian dài vận động, đã có hai gia đình quyết định cho con mình theo học”.
Thuyết phục được các gia đình cho con em mình đi học đã khó, tìm nơi để mở lớp càng khó hơn. Những ngày đầu tiên, cả cô và trò tìm đến trụ sở tuần tra xin học nhờ, sau 2 năm thì trụ sở bị phá, cô Nam lại tiếp tục tìm lớp học mới. Cô tìm đến một nhà trẻ bỏ hoang, dọn dẹp sạch sẽ để các em có thể ngồi học. “Mỗi gia đình còn phải góp một chiếc ghế cho con mình có cái ngồi học” – cô vui vẻ kể lại.
Cô giáo Hồ Hương Nam (84 tuổi) tự nguyện dạy học. |
Nhưng sau 3 năm thì lớp học bị đòi, “Lớp học tình thương” lại một lần nữa đứng trước nguy cơ không có chỗ học. Sau nhiều nỗ lực bất thành, cô Nam đã phải tìm tới Phòng Giáo dục quận Tây Hồ nhờ giúp đỡ. “Tôi đã phải khóc lóc, trình bày về những việc làm và hoàn cảnh của mình với mong muốn được lãnh đạo quận giúp đỡ” – cô Nam ngậm ngùi kể về chuyện cũ. Từ đó (năm 2002) đến nay, “Lớp học tình thương” được Trường THCS An Dương cho mượn một chỗ học, lớp học vào thời điểm đó có hơn 10 em đang theo học.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”
Để dạy những học sinh khuyết tật này, cô Nam đã phải nỗ lực rất nhiều với những cách giảng dạy đặc biệt. Vì mức độ khuyết tật của mỗi học sinh là khác nhau như: câm, điếc, tự kỷ, đao, tâm thần phân liệt… nên cô Nam phải chia chỗ ngồi thành từng nhóm có cùng một chứng bệnh để dạy.
Nhận thức mỗi học sinh tại lớp cũng vô cùng khác nhau, “Có em tiếp thu rất nhanh, sau một thời gian ngắn đã có thể đọc thông, viết thạo, có em tôi phải mất tới 3 tháng chỉ để dạy viết chữ “O” thôi” – cô Nam cho hay.
Có nhiều trường hợp học sinh, thời gian đầu đến học thường xuyên không làm chủ được bản thân, hay la hét trong lớp, thậm chí đạp bàn ghế, đánh cả các bạn trong lớp và cô giáo. Cô Nam phải dành một sự kiên nhẫn đặc biệt với những em học sinh này.
“Với các em nhỏ tại đây, mình phải khen nhiều hơn chê, không chỉ đơn thuần dạy kỹ năng, dạy chữ mình còn phải xem thái độ của các em để có những câu nói, hành động phù hợp, tránh gây kích động dẫn tới những hành động mất kiểm soát từ phía các em” – cô Nam chia sẻ.
Khi quan sát thấy học sinh có biểu hiện ức chế, khó chịu, cô lại nhẹ nhàng tới gần, khuyên bảo, dùng tay vuốt nhẹ lên đầu để giảm bớt căng thẳng. Không chỉ được dạy bảo ân cần, mà những em học sinh đặc biệt tại đây chưa từng phải đóng một đồng tiền học phí nào, tất cả sách vở và đồ dùng học tập đều do cô Nam dùng tiền lương hưu của mình để mua. Không những thế, cứ vào thứ 6 hàng tuần, các em học sinh khuyết tật còn được cô mua cho bánh kẹo, như một món quà nhỏ nhằm khích lệ tinh thần các em.
Sau một thời gian dài nỗ lực thì “Lớp học tình thương” của cô giáo già đã cho về những trái ngọt. Nhìn từ ngoài vào, chẳng ai có thể nghĩ những em học sinh đang ngồi học bài ngay ngắn đó là những em bị khuyết tật. Đã có nhiều thế hệ học sinh đến và đi, có nhiều em giờ đã lập gia đình, sinh con, thậm chí có em giờ đây đang làm hộ lý tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
“Bà Nam như một bà tiên, tôi không thể nào tưởng tượng được rằng con mình có thể biết đọc, biết viết, biết làm toán như ngày hôm nay” – một phụ huynh có con theo học tại lớp của cô Nam ngưỡng mộ nói.
Cô Nam chia sẻ rằng: “Trong quá trình dạy cho các em khuyết tật, có những kỷ niệm mà trong thời gian làm giáo viên trước đó, tôi chưa bao giờ có được. Đó là vào ngày 20-11, các em học sinh khuyết tật thấy cô giáo của các lớp xung quanh có hoa, mà cô mình chưa có, các em đã rủ nhau đi mua một bông hoa về để tặng tôi. Các em nói rằng dùng tiền ăn sáng để mua hoa cho tôi, hành động đó của các em làm tôi vô cùng xúc động, tôi biết được rằng các em học sinh tại “Lớp học tình thương” cũng dành rất nhiều tình cảm cho tôi, chỉ là các em chưa biết cách để thể hiện nó ra”.
Sau 18 năm gắn bó với những em học sinh khuyết tật tại “Lớp học tình thương”, điều cô Nam lo lắng nhất bây giờ là không tìm ra người sẽ tiếp tục thay cô giảng dạy cho các em nhỏ khuyết tật. Ở cái tuổi 84, cái tuổi cần được tĩnh dưỡng, cần được nghỉ ngơi, nhưng với cô Nam thì không, bởi trái tim cô vẫn quyến luyến và tâm hồn cô vẫn dành cho các em học sinh khuyết tật tình thương yêu vô bờ bến. Năm 2014, cô Hồ Hương Nam được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú và năm 2015 cô được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3.