Hà Lâm, mùa sầu riêng trái chín

Thứ Ba, 13/10/2015, 07:00
Hà Lâm là khu kinh tế mới của người Hà Nội tại Lâm Đồng. Mùa này ở Hà Lâm, nơi nào cũng thấy người đi xe máy chở sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm chạy tung tăng như bướm lượn. Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở Nam Tây Nguyên trở nên giàu có không kém các ông chủ cà phê. Tuy nhiên, có được vườn sầu riêng đầy quả treo lủng lẳng, người làm vườn cũng phải trải qua nhiều năm khốn khó.

Ở xứ mình, loại trái cây chín tự rụng gần như quả nào cũng đầy gai nhọn nhưng đều có mùi thơm lừng như mít, mãng cầu xiêm, sầu riêng… Loại quả có gai này khi đến mùa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nếu người làm vườn không chủ động thu hoạch có thể bị mất trắng vì sóc, chuột, dơi… hoặc bị “bốc hơi” bởi những con người “máu lạnh”.

Sầu riêng chỉ thích hợp ở vùng nhiệt đới nóng ẩm gió mùa. Đông Nam Á là xứ sở của chúng, nhiều nhất là ở Indonesia. Ẩn trong lớp vỏ xù xì đầy gai nhọn nhưng bên trong là những múi vàng ruộm nằm kề nhau tỏa mùi hương ngọt ngào với vị béo ngậy. Đối với thực khách, không ít người phong sầu riêng là vua của trái cây và cũng không ít chỉ ngửi mùi đã cao chạy xa bay. 

Một độc giả tên là Lindsay viết trên tờ New York Time mới đây cho rằng, quả sầu riêng ở Đông Nam Á có mùi của địa ngục và vị của thiên đường. Cũng trên tờ Thời báo New York, nhà nghiên cứu ẩm thực Richard Sterling đã mô tả hương sầu riêng “giống như mùi của phân heo trộn với nhựa thông và một mớ tất bẩn trong phòng thể dục”. 

Mùi hương không mấy dễ chịu của loại quả này đã bị cấm hầu hết trên các phương tiện di chuyển công cộng, và bạn chắc chắn sẽ bị xua đuổi nếu cố ý mang theo một trái sầu riêng vào khách sạn, lên taxi hay xe bus ở ngoài cộng đồng ASEAN. Cho dù hương vị như thế nào thì loại quả này ở xứ mình vẫn được nhiều người yêu thích. 

Ở các vựa sầu riêng, khá nhiều cậu chủ nhỏ với chiếc dao cán vàng điệu nghệ nhanh nhẹn tách lớp vỏ như bàn chông kia để khêu ra những miếng cùi thơm ngon vàng ngậy mời du khách nếm thử.

Hà Lâm thời xa vắng

Lương y Nguyễn Viết Đỡ, sinh năm 1956 tại Quảng Nam nhưng sống ở Hà Lâm từ năm 1995. Đối với một đời người, định cư trên vùng đất 20 năm là có thể trở thành người bản xứ. 9 giờ sáng, ghé nhà anh trong lúc vẫn còn mây mù phủ lên ngọn núi Lú Mu. Thầy Đỡ là một võ sư, dáng người xương xương, nên cách nói chuyện sắc lẹm của con nhà võ. Tuy nhiên, anh đã chào tạm biệt nghề dạy từ lúc tốt nghiệp Khoa Đông y tại Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

Ông On và ông Đỡ (áo trắng).

Ở khu kinh tế mới này, anh hành nghề bốc thuốc, châm cứu, sửa trặc chân tay, xương sống không có bảng hiệu, ai biết thì đến nhờ thầy giúp, có tiền thì trả, không có thì nợ tới mùa điều, mùa sầu riêng cũng chẳng sao. Chính vì lòng nhân ái ấy nên kinh tế gia đình của thầy không khá giả mấy. Là người sống ở Hà Lâm 20 năm, thầy Đỡ biết nhiều chuyện, từ cây cầu Công An bắc qua thôn I đến người dân Long Khánh lên Hà Lâm hướng dẫn cho dân Bắc vào đây trồng chăm sóc mít tố nữ, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng.

Anh kể: “Ở Lâm Đồng có hai nơi người Hà Nội đi kinh tế mới. Lâm Hà ở phía Tây giáp với Đắk Lắk, được thành lập năm 1976. Mười năm sau, tức là năm 1986, người Hà Nội vào đợt hai định cư ở Đạ Huoai nên gọi là Hà Lâm. Ngày ấy Hà Lâm toàn là rừng tre lồ ô bạt ngàn, dân ở đây làm nghề “Phạm Ngũ Lão”, tức nghề ngồi đan sọt. Thời điểm ấy, ven lộ 20 đoạn Hà Lâm đầy các vựa rá, giỏ sọt tre bán cho dân xe tải đường dài. Bây giờ là các vựa trái cây chở đi các tỉnh. Ba mươi năm trước, dân tình thiếu thốn, bệnh tật hoành hành, nhiều người ốm đói đến mức không đủ sức vác bó lồ ô từ rừng về…”. 

Đang lúc câu chuyện trở về thời xa vắng, một ông cán bộ về hưu ghé thăm, nhưng từ lúc nhập cuộc, ông đưa tay nâng tách trà lên xuống mấy lần vẫn không uống nổi. 

Sầu riêng.

Ông nói tiếng Bắc với chất giọng buồn buồn: “Tôi kể các chú nghe câu chuyện có thật 100% tại Hà Lâm. Số là vợ chồng dì Thương bà con bên vợ của tôi từ quê vào năm 1986. Lúc ấy cả hai vợ chồng đều là giáo viên, lương ba cọc ba đồng. Năm 1990, chú Tiến, chồng của dì chết vì bệnh sốt rét. Khi liệm, anh em mới phát hiện chú ấy đang mặc chiếc quần cũ nhàu nát đã rách một vài chỗ nên đề nghị thay cho chiếc quần tươm tất khác. Lúc đó dì Thương ôm mặt, trong tiếng khóc khàn, dì nói: “Cả nhà em chỉ có một chiếc quần lành, mỗi khi có việc vợ chồng nhường nhau mặc. Nhưng người sống còn có thể làm được, các bác đợi em đi thay nhường lại cho ảnh”. Chị tự tay thay cho chồng cái quần mới, còn mình mặc lại cái cũ của chồng. Anh em chúng tôi nhìn thấy hoàn cảnh đau thương ấy đều ầng ậng nước mắt. Mồ của chú Tiến đang còn ở đây, nhưng dì dẫn cháu đi nơi khác rồi. Nghe nói các con của chú học hành đàng hoàng và khá giả lắm chứ không phải như thời bố mẹ chúng”.

Ba giờ chiều anh Đỡ dẫn tôi ra chiếc cầu treo được bà con ở đây gọi là cầu Công An nối liền thôn II, thôn I. Đó là chiếc cầu sắt rộng 2m, dài 97m, bắc qua suối Đạ Mré, trên cầu treo tấm biển “Cầu Nghĩa Tình, do Báo Công an TP Hồ Chí Minh tài trợ”. 

Khi được hỏi về nghĩa cử cao đẹp này, anh Đỡ cho biết: Mấy năm trước khi chưa có chiếc cầu này, việc qua lại cực kỳ khó khăn vì lòng suối sâu hai bên bờ đầy đá lởm chởm. Vào mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về chảy như con ngựa bất kham, cam quýt chín vàng, sầu riêng rơi rụng nhưng không thể chuyển qua. Đã không ít lần học sinh và người lớn bị nước cuốn trôi không tìm được xác. Có một nhà văn tên là Tạ Thị Ngọc Hiền, cựu sĩ quan Công an ở Đạ Tẻh viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Khi bài lên báo, được ông Nguyễn Việt Nam (thường gọi Ba Nam, chuyên gia cầu treo) “gõ cửa” Báo Công an thành phố. Sau khi khảo sát, ông tổng biên tập đồng ý tặng Hà Lâm 350 triệu để làm chiếc cầu treo bằng sắt mang tên “Nghĩa Tình”, khánh thành 2007.

Lương y Nguyễn Viết Đỡ là một trong những nhân chứng về cái chết thương tâm. Ngoài việc châm cứu bốc thuốc, anh còn có thú vui câu cá ở suối Đạ Mré, con suối nổi tiếng cá lăn nối liền dòng sông vàng Madaguil huyền thoại. Anh kể: “Dọc theo con suối này gần như tôi biết nơi cạn, nơi sâu, cá lăn mấy giờ ăn mồi, nhưng đau lòng nhất là hình ảnh những bậc cha mẹ ngất xỉu khi nghe tin người thân bị đuối nước. Họ đứng ngay chỗ con mình chết trôi, nhìn dòng nước đục ngầu lồng lộn gào thét réo gọi tên con em mình trong tuyệt vọng…”.

Sầu riêng nhưng buồn vui chung

Ở Nam Tây Nguyên, hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông là vùng đất thích hợp với cây sầu riêng. Trong đó Hà Lâm là thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng với tổng diện tích 600ha, trong đó 450ha đang bước vào thời kỳ thu hoạch đại trà. Người dân nơi đây cho biết, năm 2015 được mùa cao nhất. Ước tính, năng suất sầu riêng ở Hà Lâm năm nay đạt trung bình từ 11-12 tấn/ha. Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng ghép còn đạt tới từ 20-22 tấn/ha. 

Ông Lương Xuân Thành, 37 tuổi, ở bên kia cầu Công An, trải lòng: “Hơn 15 năm gắn bó với cây sầu riêng, nhưng chưa năm nào trúng mùa như năm nay. Gia đình tôi có hơn 1ha sầu riêng ghép đang cho thu hoạch năm thứ 4. Tuy chưa thu hoạch hết, nhưng đoán 20 tấn/ha. Với giá bán như hiện tại, nhà tôi thu được từ 350-400 triệu đồng”. Vợ anh đang bồng con nhỏ cũng tham gia với chồng: “Tụi này có một mẫu hà! Ăn thua gì, ở đây có người có đến 5-7 mẫu. Tết này bà con ăn Tết to, anh nhớ ghé chơi nhen!”.

Tại thời điểm khi chúng tôi đến, giá các loại sầu riêng ghép như Đô Na, Mongthong, Ri6 đang được thương lái thu mua tại vườn từ 24-28 ngàn đồng/kg (tăng từ 8-10 ngàn đồng so với năm 2014). Còn sầu riêng hạt được người dân bán tại vườn với giá từ 11-13 ngàn đồng/kg (tăng 4- 6 ngàn đồng so cùng kỳ năm ngoái). 

Ông Nguyễn Huy Quốc, chủ đại lý thu mua sầu riêng tại Hà Lâm, cho biết: “Tôi mở đại lý thu mua sầu riêng đến nay đã được gần 10 năm. Năm nay, thương lái từ TP Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đến đặt hàng với số lượng lớn nên khá hút hàng. Mỗi ngày tôi thu mua được từ 4 – 5 tấn nhưng vẫn không đủ”. 

Chở sầu riêng đi đường xa Vườn sầu riêng. 

Anh Đỡ dẫn tôi đến một đại gia sầu riêng là bạn thân của anh tên là Lương Phú On, sinh năm 1952 tại Quảng Nam. Anh On định cư tại Hà Lâm vào năm 1995. Hiện nay, anh có một cơ ngơi mà nhiều người nằm mơ. Ngoài 5ha cây trái anh còn xây dựng một biệt thự vườn. Cũng nhờ sầu riêng, các con anh đều tốt nghiệp đại học, có cháu lấy luôn hai bằng. Anh bảo đó là tài sản lớn nhất của gia tộc Lương Phú.

Lúc chúng tôi đến, anh chị On đi vườn hái chôm chôm Thái. Tôi theo chân cháu Tuyến, con trai anh từ Sài Gòn về chơi. Tuyến dẫn tôi ra vườn rừng, cách nhà 500m nhưng phải bò lên xuống mấy con dốc sâu hoắm trơn trượt, có thể rơi tõm xuống thung lũng nếu lơ đễnh tay lái. 

Trên đường đi Tuyến cho biết mình tốt nghiệp hai đại học là hóa dầu và xây dựng. Tuy nhiên, gặp tôi, cháu chỉ mổ xẻ về ngành giáo dục. Cháu mang mô hình Do Thái và Mỹ để làm tiêu chí đánh giá. Ở giữa vườn cây um tùm, dọc ngang đá núi nghe tiếng gà rừng vỗ cánh bay tan tác, bình luận chuyện xã hội hóa hệ đại học cũng rất thú vị. 

Gặp được anh On đang đứng trên cây chôm chôm, cách mặt đất 4m giữa lưng chừng triền đồi. Anh On có vóc người khẳng khiu da ngăm nên mỗi cơn gió tàn nhánh đong đưa lên xuống trông như người Kenya ốm đói ở rừng châu Phi.

Anh On giao công việc cho con, dẫn tôi đi hết khu vườn. Hai anh em lội theo con đường mòn, đường tắt để trải nghiệm vườn rừng rộng đến 5ha. Trước mặt tôi là hàng trăm cây sầu riêng cuối mùa, trái không còn bao nhiêu nữa, trông xơ xác như người mẹ quê tảo tần nuôi 5-7 đứa con. 

Anh đứng dưới một gốc cây sầu riêng đường kính 50cm, cao gần 15m, trải lòng: “Làm nghề vườn khổ lắm anh ơi! Đối với sầu riêng đến mùa trái chín không phải trèo hái vì chúng tự rụng, mà chỉ rụng ban đêm. Vì vậy sáng phải đi thật sớm để nhặt, nếu chậm dễ bị người khác nhặt giùm. Năm nay được mùa và được giá, nhà tôi thu cũng bộn, nhưng tính ra trồng chôm chôm Thái kinh tế hơn nhiều, mình đầu tư ít mà thời gian thu hoạch kéo dài vài chục năm, còn sầu riêng có cả ngàn lý do thất thu từ sâu đục thân gẫy cành, rụng lá năm nào mưa nhiều hoặc không chăm sóc kỹ rất ít trái. Không như mít tố nữ, chôm chôm… cứ đến mùa là hoa nở”. 

bên sông Đạ M'Ré.

Chôm chôm Thái ở vườn anh On đang mùa trái chín, hàng trăm gốc trái đỏ au sà xuống, mỗi gốc cả hai trăm ký, mỗi ký 15 ngàn có bao nhiêu mang ra nhà vựa trả tiền rốp rẻn.

Buổi trưa có tí rượu. Anh kể cuộc đời oanh liệt của mình: “Mấy chục năm trước dẫn vợ con từ Long Khánh lên sống giữa rừng tre. Sáng mở mắt thấy tre, ban ngày đi chặt tre, đêm về chẻ tre, tối ngủ trên giường tre rồi cả nhà ốm đói như tre. Ngày ấy toàn Hà Lâm núp mình dưới tán tre, vẫn biết nơi nào có tre là nơi đó đất tốt, nhưng không còn sức để chờ đợi một viễn cảnh xa vời. Dân Long Khánh là những người đã tồn tại với tre nên họ biết giá trị, còn tôi dân Quảng Nam chưa quen cảnh rừng âm u và sốt rét. Ngày ấy dân Bắc đi kinh tế mới vào đây đối mặt với cơm áo và bệnh tật, lại không quen trồng cây trái theo miệt vườn Nam Bộ, không ít người tháo chạy. Số người trụ lại bây giờ giàu có. Từ ngày Hà Tây nhập vào Hà Nội, họ bán đất ở quê rồi vào đây mua 5-7ha, trở thành đại gia miệt vườn. Nhiều người giàu mới nổi lên xây biệt thự hoành tráng lắm”.

Tôi quay sang hỏi thầy Hai Đỡ về sự tích một loại cây mang tên có vẻ buồn buồn. Ông võ sư giải thích: Sầu riêng, truyền thuyết được kể rằng: Thời Tây Sơn suy tàn, Nguyễn Ánh lên chấp chính, vua Gia Long ra chiếu trừng trị những người đã từng theo Tây Sơn. Tại Nam Bộ, có một quan võ, vì sợ bị giết nên trốn vào phum sóc dân tộc, rồi lấy một cô gái làm vợ. Nhà cô gái có một cây ăn quả gọi là Tu Rên. Trái Tu Rên đến mùa chín tự rụng ăn rất ngon nhưng có mùi khó chịu. Sau này vợ mất, cùng lúc vua Gia Long bãi bỏ lệnh tìm diệt nhà Tây Sơn, vị quan võ bái lạy cha mẹ vợ trở về, khi ra đi bỗng nhiên một quả Tu Rên rơi vào chiếc gùi của mình. 

Ông biết là linh hồn người vợ quá cố xin đi theo. Vì trước lúc lâm chung, vợ ông thều thào: “Lòng em vẫn đậm đà như quả Tu Rên, sau này chàng đi đâu hồn em theo đó”. Người chồng cẩn thận mang trái về quê cũ. Ông vẫn sống độc thân, hằng ngày chăm sóc cây Tu Rên rồi nhân giống, đặt tên mới là sầu riêng để nhớ về người vợ quá cố chung thủy của mình”.

Sầu riêng ở Hà Lâm năm nay xuất hiện thêm sự kiện mới là dân bảo kê ngăn chặn các vựa để làm tiền. Theo ông Thọ ở thôn I cho biết, hiện có một số đối tượng đến tận vườn uy hiếp thương lái để lấy tiền hoa hồng. Hình thức mà các nhân vật “máu lạnh” đang làm là tiếp cận vườn sầu riêng của người dân để nắm bắt thời gian thương lái tới thu mua. Sau đó, chúng đến vườn và tự đặt ra yêu cầu được “bảo kê” cho người dân để lấy tiền hoa hồng 1 ngàn đồng/kg từ các thương lái. Trường hợp người dân không đồng ý, bọn chúng gọi đàn em tới dằn mặt và hăm dọa sẽ phá vườn sầu riêng của họ. Còn đối với các thương lái, nếu không chịu đưa tiền cho các đối tượng này thì bị chúng tìm cách chặn xe không cho đưa sầu riêng ra khỏi vườn. Chính điều này đã làm nhiều thương lái khiếp sợ và không dám quay lại để thu mua sầu riêng của người dân, còn bà con sợ trả thù nên chẳng ai lên tiếng!”.

Để biết thêm việc mua bán sầu riêng, chúng tôi ghé thăm một nhà vựa tên là Tám Đức, được ông cho biết: Sở dĩ năm nay sầu riêng giá cao hơn hẳn so với mọi năm là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất mạnh. Theo bà con cùng làm vựa với nhau nói: Chỉ có 40% sản lượng tiêu thụ ở nội địa, trong đó chủ yếu là Sài Gòn, Hà Nội, còn lại 60% là xuất sang Trung Quốc.

Lúc chúng tôi đang nói chuyện với ông Tám, thấy các con ông dùng dao cán vàng gõ gõ vào trái sầu riêng nói với dân nhà vườn: “Trong 5 trái chú mang đến có một trái đi hái chứ không phải do rụng”. Người bán cười khà khà. Khi được hỏi, cháu cho biết: “Khi gõ phải tập trung lắng nghe âm thanh, kèm theo cảm giác, kinh nghiệm để có thể phân ra thành từng loại. Âm thanh bộp bộp là sầu riêng chín, tiếng nghe mềm hơn một chút là trái hạt lép. Còn trái nào gõ vào nghe cong cong là còn xanh. Trái mà cháu loại ra là trái cong cong. Trái sầu riêng rụng thì sẽ thơm và cơm vàng; còn sầu riêng hái trên cây, đem ủ thì sẽ không thơm và cơm trắng, nhà vựa mang đi bán sẽ mất khách”.

* * *

Buổi chiều khi rời Hà Lâm mây đen kéo về vần vũ chuẩn bị trận mưa lớn, tôi chạy theo ven đường đếm thử chỉ còn ba vựa buôn bán sọt tre để chở trái cây đi các tỉnh, còn lại 10 vựa sầu riêng và có đến 52 gian hàng dựng lều bán cho khách qua đường. 

Hiện nay, có ai từ Sài Gòn lên Đà lạt, đi trên đường 20 rộng đẹp đoạn qua Hà Lâm-Đạ MRi hai bên nhà cửa khang trang, nhà hàng mọc lên nhộn nhịp người xe với những gian hàng trái cây rôm rả chào mời. Không phải tất cả trong họ ai cũng biết 30 năm trước là khu kinh tế mới, nhiều gia đình thiếu ăn bệnh tật phải bỏ xứ ra đi. Và để được cuộc sống no ấm như bây giờ, dân Hà Lâm đã trải qua nhiều giọt nước mắt lăn tròn. Lao động chính danh bao giờ cũng thế.

Như Long
.
.
.