Dị nhân trên dòng Sêrêpôk

Thứ Tư, 05/10/2016, 09:51
Vài thập kỷ trước, Sêrêpôk trù phú cá tôm nhưng bây giờ thời tiết khắc nghiệt cộng thêm việc thủy điện chặn dòng nên sông "chết", cá hết. Kỳ thủ cá lăng Y'Bia không thể rời xa bởi tình yêu dòng sông đã ngấm vào máu, bởi cuộc chiến giành giật sự sống với thủy thần, hà bá…


1.Làng M'Dhar (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những ngôi làng lâu đời nằm ẩn mình bên dòng Sêrêpôk. Người làng bao đời dựa vào sông để sống, con cá con tôm là bầu bạn, là thứ nuôi sống nhiều thế hệ. Bây giờ sông cạn, cá hết, nồi cơm không còn đầy nữa, thì họ vẫn quyết bám trụ, để giữ lấy hồn cốt của làng và cả cái huyền thoại sắp đi vào dĩ vãng.

Trên dòng Sêrêpôk, lão ngư Y'Bia Niê (55 tuổi) là một trong những thợ săn cá lăng đầu tiên của làng, ông dũng mãnh chinh phục "thủy quái" trên dòng sông chảy ngược, đối chọi với muôn vàn hiểm nguy bất trắc. Y'Bia biết đến loài cá khổng lồ từ những năm tuổi 20 tràn đầy sinh lực.

Những đêm nằm chờ thu lưới, ông nghe tiếng quẫy đạp ầm ầm dưới lòng sông. Ông hoảng hồn, nghĩ tiếng động mạnh thế này chắc là quái vật hay hà bá rồi, vì lịch sử dòng sông được thêu dệt nên bởi các vị thần, vốn nổi tiếng huyền bí. Đêm tiếp theo, ông dắt theo cái cây to bằng cổ tay, đầu cây cuốn chặt con dao nhọn mài bóng loáng, sắc lẹm.

Cuộc mưu sinh bình lặng bên dòng Sêrêpôk.

Vào giữa đêm, tiếng quẫy nước rung chuyển chiếc ghe, qua ánh trăng mờ ảo, Y'Bia nhìn rõ đường bơi của loài cá khổng lồ. Ông neo thuyền vào tảng đá, nằm im quan sát. Đàn cá vô tư lượn lờ, búng mình tí tách trên mặt nước. Ông lấy hết sức mạnh, vung lao xuyên thẳng vào mục tiêu, xong ông nhảy xuống giữ lao ghìm thân cá, chặn đứng đường thoát.

Đó là lần đầu tiên trong đời Y'Bia nhìn thấy con cá lớn đến vậy, tay ông run bần bật, vừa sợ hãi vừa sung sướng. Ông phải chạy đi gọi mấy thanh niên có sức khỏe xuống sông khiêng cá về. Đặt lên bàn cân, con cá nặng gần 50kg. Một chủ nhà hàng đến mua với giá 5 triệu đồng, Y'Bia sung sướng rơi nước mắt, vì vào thời điểm đó, số tiền như vậy là quá lớn, đủ cho gia đình ông ăn uống cả tháng trời.

Từ ngày bắt được "quái vật" sông, Y'Bia bỏ hẳn nghề chài lưới để chuyển sang nghề đâm cá lăng. Sau này cá bị đánh động, Y'Bia nghĩ đến việc đặt mồi câu. Làm nghề này kiếm ăn cũng được, trung bình một tuần ông câu được từ một đến hai con cá lăng. Dân buôn tranh nhau mua để mang đi các thành phố lớn bán cho nhà hàng hoặc các đại gia đãi yến tiệc.

Thấy Y'Bia làm ăn được với nghề câu cá lăng, đàn ông các làng bên cạnh cũng sắm cần câu đi săn. Đêm về, dòng sông lấp lánh ánh đèn pin, thi thoảng lại nghe tiếng cười vang trời của một tay trúng mánh cá lăng.

Theo kinh nghiệm của thợ săn, ban đêm cá lăng bắt mồi nhạy nhất, cần thủ phải đi tìm cá mè dinh loại nhỏ hoặc con sâu đất còn sống, bơi được trong nước thì cá lăng mới ăn. Nơi đặt câu cũng được kiểm tra kỹ lưỡng, đó là những vùng nước tĩnh lặng, không có ghềnh thác, không chảy xoáy. Cá lăng sẽ bơi thành từng đàn nhưng không phải con nào cũng cắn câu. Làm nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, có khi cả tháng trời thức đêm mai phục nhưng không được con cá nào.

Cá lăng bây giờ không còn khổng lồ như thời ông Y'Bia bắt được.
Đây là loài cá đắt đỏ, chỉ dành cho giới thượng lưu.

Thâm niên hơn 30 năm bắt cá, ông Y'Bia ngậm ngùi: "Cứ nói là cá lăng đắt đỏ, giá bán hàng triệu một ký nên nhiều người ham, thi nhau sắm đồ nghề đi săn. Một thời gian thấy lỗ đã buông cần nghỉ hết. Vài thập kỷ trước, Sêrêpôk trù phú cá tôm thật đấy nhưng mấy năm trở lại đây, sông khô hạn, nước thượng nguồn bị chắn bởi thủy điện khiến việc mưu sinh của bà con lâm vào cảnh bữa đói bữa no. Đâu phải lúc nào cũng có cá và cánh thợ săn chúng tôi chẳng ai giàu vì nghề này cả. Đi săn cá là vì yêu cái dòng sông này thôi".

2.Sinh ra và lớn lên tại làng M'Dhar bên dòng Sêrêpôk, tuổi thơ của Y'Bia là những ngày thả câu bắt cá và buông mình xuống dòng nước trong vắt tắm mát. Gắn bó với dòng sông khiến ông yêu đắm đuối lúc nào không biết. Ngay cả khi lấy vợ, dù theo tập tục của người M'Nông, đàn ông sẽ bị vợ bắt về ở rể, thì ông đã kiên quyết chống lại hủ tục để được ở lại làng.

Lý do ông đưa ra chỉ vì không thể rời xa dòng Sêrêpôk, không muốn từ bỏ con tôm con cá vốn quá thân thuộc trong mỗi bữa cơm. Ngày nào cũng vậy, không cần biết có bắt được cá hay không, ông vẫn vui vẻ chèo thuyền "tản bộ" từ hạ nguồn lên thượng nguồn.

Am hiểu luồng lạch như trong lòng bàn tay, Y'Bia còn nắm rõ quy luật ngược dòng và cả những lúc "giận dữ" của con sông kỳ lạ có một không hai này. Đêm, ông như con cú nhào lặn tìm luồng cá. Ngày ông thong dong thả câu ngắm những thiếu nữ tắm tiên. Ông yêu sông nhưng cũng hờn giận, oán trách nó.

Buổi chiều tháng bảy chín năm về trước, Y'Bia đang tập trung cao độ rình cá cắn câu thì nghe tiếng hét thật to, tiếng kêu cứu khàn giọng của các cô gái. Nhìn ra xa, Y'Bia thấy một thân hình trắng nõn đang vùng vẫy đối chọi với dòng nước hung dữ.

Như con cá lăng khổng lồ, Y'Bia trườn thật nhanh ra giữa dòng lôi cô gái vào bờ. Nạn nhân bị đuối nước nằm bất tỉnh. Các cô gái ôm nhau khóc, chỉ biết lay gọi bạn mình nhưng không ai biết cách sơ cứu cho người đuối nước. Y'Bia bế sốc cô gái về làng tìm thầy mo cứu chữa và kết quả là cô gái đã hộc máu mũi, chảy máu tai chết tức tưởi trên tay ông.

Cái chết của cô gái ám ảnh Y'Bia mấy năm trời. Sau này có dịp ra phố học tập, Y'Bia mới được người phố dạy cho cách sơ cứu người đuối nước. Càng hiểu, ông càng đau và ân hận giằng xé.

Ngày đó, nếu biết cách hà hơi thổi ngạt thì cô gái đã không phải bỏ mạng. Những đêm quăng mình xuống sông tìm cá, Y'Bia thường nghe tiếng khóc nỉ non từ đâu vọng lại, như lời ai oán của một oan hồn. Trái tim mách bảo Y'Bia phải ở lại trên sông để cứu người. Ông là người dám "cãi" lại lời nguyền của thần sông, dám "cướp" thức ăn của hà bá. Ông đã cứu được nhiều người đuối nước trên dòng Sêsêpôk, nhiều nhất là trẻ em đi tắm sông. Ông làm điều ấy, để trả món nợ với cô gái năm xưa phải chết oan vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Câu cá lăng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại.

Trong những cuộc giải cứu, ông nhớ nhất vẫn là hai mẹ con người Ê Đê ở xã Krông Ana bơi qua sông đi làm rẫy. Người mẹ trượt chân ngã xuống liền bị dòng xoáy cuốn trôi, đứa con lao ra cứu mẹ cũng chịu chung số phận. Hai mẹ con ôm nhau chấp chới, nhỏ bé như chấm lửa tàn mong manh giữa dòng sông quần quật chảy xiết.

Từ bên này sông, Y'Bia lao xuống nước, bơi hết khả năng có thể. Chỉ còn một đoạn nữa là với tay tới người mẹ, thì bất ngờ ông thụt xuống vũng xoáy, dòng nước hung hãn nhanh chóng cuốn Y'Bia vào gầm đá. Nhờ sức khỏe tốt, lại quen thuộc với việc chế ngự "tử thần" trên sông, Y'Bia trườn mình lên rồi nhanh chóng thoát ra.

Hai mẹ con vùng vẫy đã mệt lả đi, Y'Bia chìa lưng của mình cho đứa con trèo lên, một tay nắm chặt tay người mẹ, một tay bơi luồn lách qua khe đá, đạp nước vào bờ. Đoạn đường vào bờ dài hơn 20 mét, cộng với sức nặng của nước, của hai con người dồn cả vào cơ thể khiến Y'Bia khiến ông hụt hơi kiệt sức.

Vừa vào đến bờ, Y'Bia đã lịm đi. Hôm sau, người nhà hai mẹ con mang hẳn con heo tới tạ ơn Y'Bia và nhận ông làm cha nuôi. Triết lý sống của Y'Bia là thấy gì cứu đó, con vật cũng có linh hồn, chúng cũng khao khát sống. Vì vậy, khi mùa lũ về, Y'Bia cứu được rất nhiều trâu bò, lợn gà của bà con bị cuốn trôi. Làm điều đó, ông không cần ai biết, không cần ai cảm ơn. Cái ông được là sự thanh thản trong cuộc sống, là mỗi đêm về, không còn phải ám ảnh chết chóc, giấc ngủ êm đềm và trọn vẹn.  

Từ ngày thủy điện Sêrêpôk 4A ngăn nước sang khu vực khác để phát điện, làm khúc sông chảy qua làng M'Dhar cạn trơ đáy. Y'Bia thẫn thờ, nuối tiếc nhìn khúc sông huyền thoại đã đi vào tuổi thơ và đi qua hết thời tuổi trẻ của ông. Sông "chết", không còn nước đánh bắt cá, huống hồ săn cá lăng. Y'Bia bàn với vợ chuyển nhà xuống khu vực gần thủy điện, ở đó có nước sẽ "hồi sinh" nghề chài lưới, săn cá mà ông đam mê trọn đời. Nói là làm, ông bà quyết định để đàn con ở lại nhà, cho chúng tự nuôi nhau, hai vợ chồng ôm tay lưới, vơ vài bộ quần áo, chở chiếc thuyền độc mộc chạy theo con nước đi tìm nguồn sống.

Ngọc Thiện
.
.
.