Câu chuyện đẫm nước mắt của nữ phạm nhân từng mang án tử hình

Thứ Tư, 20/07/2016, 16:13
Với tôi, nữ phạm nhân ấy có những ấn tượng đặc biệt dù trước đó tôi chưa hề gặp một lần nào bởi tội trạng "vận chuyển trái phép chất ma túy" và mức án cao nhất - tử hình (chưa kể em gái cô cũng nhận mức án 20 năm tù với cùng tội danh), rồi cô may mắn  được Chủ tịch nước ân xá xuống "chung thân".

Đó là niềm vui tột cùng của cô và gia đình. Câu chuyện của nữ phạm nhân này chứa đầy những giọt nước mắt đau thương và cả sự mừng tủi, hy vọng…

Trần Hà Duy (SN 1989, thường trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) - phạm nhân hiện đang thụ án chung thân tại Phân trại 3, Trại giam Thủ Đức (Z30D, Tổng cục VIII, đóng tại Hàm Tân, Bình Thuận) vốn đã có thời gian khá "nổi tiếng" bởi những tình tiết tội trạng của cô và em gái, nhất là vụ xử án chị em Duy ở cả hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm.

Phạm nhân Trần Hà Duy.

Điều đáng nói ở cấp sơ thẩm (ngày 27-3-2012), Duy bị tuyên mức án "chung thân" vì tội danh "vận chuyển trái phép chất ma túy" (với số lượng ma túy vận chuyển qua đường hàng không rất lớn - hơn 7,5kg) và em gái của Duy là Trần Hạ Tiên (SN 1991) chịu mức án 20 năm tù với cùng tội danh (hiện Tiên đang thụ án tại Trại giam An Phước - huyện Phú Giáo, Bình Dương).

Tuy nhiên, trong phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử đồng tình với kháng nghị của VKS và tuyên tăng mức hình phạt lên "tử hình" đối với Trần Hà Duy.

Từ đây hành trình của người cha chị em Duy - ông Trần Văn Tường (SN 1964, thường trú thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã cầm đơn đi gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương để mong sao có một "phép màu" nào đó có thể giúp con ông thoát khỏi mức án tử nghiệt ngã.

Theo lời ông thì ông cầm đơn đi kêu cứu nhiều nơi bởi ông vẫn còn chút niềm tin rằng: "Tôi nghĩ các con tôi tham gia vào việc vận chuyển "hàng mẫu" bắt đầu từ hoàn cảnh gia đình khó khăn và với mong muốn đỡ đần cha mẹ.

Nếu không vì cái đói, cái nghèo bám riết, đeo đẳng, và niềm tin bồng bột của Duy là không làm điều gì vi phạm pháp luật, thì có lẽ các con tôi đã không bị gài bẫy và bị khống chế bởi những kẻ tội phạm xuyên quốc gia với thủ đoạn và phương thức hoạt động hết sức tinh vi và xảo quyệt".

Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình ông và cá nhân hai đứa con gái của ông, một nhóm cựu chiến binh huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang (nguyên quán của vợ chồng ông) đã cùng ký vào đơn gửi Chủ tịch nước cứu xét tha tội chết cho Duy.

Đồng thời, một nhóm hơn 20 sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh (trước khi bị bắt chị em Duy là sinh viên Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng) cũng có đơn kêu cứu gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án cho Duy.

Đặc biệt còn có cả đơn xin "ân xá hình phạt tử hình" cho Duy của hai cựu tù Côn Đảo cũng là hai chị em ruột Thiều Thị Tạo (ngụ quận 2) và Thiều Thị Tân (ngụ quận 12, bà Tân là chủ nhiệm CLB võ thuật Việt Võ đạo quận 12 cũng là thầy dạy võ của Duy)…

Và cuối cùng "phép màu" đã thành hiện thực! Sau khi xem xét mọi khía cạnh của vụ án, để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị và Chủ tịch nước đã ra Quyết định ân giảm hình phạt tử hình cho Trần Hà Duy xuống tù chung thân (tháng 7-2013).

Gặp Duy tại Phân trại 3, Trại giam Thủ Đức sau mấy năm thụ án tại đây, Duy nhìn khỏe mạnh, tươi tỉnh và theo đánh giá của các cán bộ quản giáo, Duy là một phạm nhân tích cực cải tạo, tham gia các phong trào của trại.

Kể lại hôm được thông báo việc được ân giảm án từ Chủ tịch nước, đôi mắt Duy ánh lên niềm vui tột độ: "Một ngày như mọi ngày khi tôi được kêu ra làm việc với cán bộ, có một cán bộ đã cầm tờ giấy và khi anh ấy vừa đọc những dòng chữ đầu tiên thôi, tôi đã bật khóc vì cảm xúc vỡ òa, vì biết rằng tôi đã thỏa nguyện ước muốn được tiếp tục sống.

Tôi coi đó như ngày mình được sinh ra lần thứ hai. Để có được niềm vui đó, tôi thực sự cảm ơn tất cả những thầy cô, các bác các chú và cha mẹ tôi - những người đã không từ bất cứ gian khổ nào để kêu cứu cho tôi"…

Chia sẻ về những ngày mang án tử hình, trước khi được ân xá, Duy nghẹn ngào bộc bạch về thời gian trong buồng giam một cách khá "lãng mạn", dù biết rằng ai ở hoàn cảnh đó cũng khó mà có thể suy nghĩ nhẹ nhàng được.

"Mỗi sáng sớm từ trong phòng giam, khi nghe được tiếng chim hót là tôi biết lúc bắt đầu một ngày mới và tôi lại có thêm một ngày nữa được sống…".

Theo lời Duy thì một năm mang án tử ở Trại giam Chí Hòa (TP Hồ Chí Minh) là khoảng thời gian đầy đau khổ cùng cực của cô nhưng vẫn luôn khao khát được sống. "Trong những ngày tôi bị giam cầm như thế, tôi cảm thấy có lỗi rất nhiều với bố mẹ, với các em, chỉ vì đi sai con đường mà tôi tự hủy hoại bản thân, tương lai và những kỳ vọng mà cha mẹ dành cho mình...

Hằng đêm trong giấc ngủ, tôi thường bị ám ảnh với những giấc mơ thật đẹp - tôi được mặc bộ lễ phục cử nhân, tốt nghiệp ra trường!

Nhưng khi mở mắt ra, xung quanh tôi là bốn bức tường, cảnh vật xung quanh làm cho tôi ớn lạnh, những người giam xung quanh tôi cũng đều là những tử tù. Liệu đêm nay hay sáng sớm mai một trong số chúng tôi ai sẽ là người ra đi… Mỗi ngày tôi đều phải trải qua cảm giác kinh khủng như vậy.

Phạm nhân lao động tại Trại giam Thủ Đức.

Thực ra Duy đã từng có một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê và trên hết Duy từng được sống trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương, là chị cả của ba đứa em thơ. Nhưng rồi Duy đã tự đánh mất tất cả chỉ trong tích tắc, đáng buồn hơn là chính Duy đã kéo em gái của mình cùng vướng vòng lao lý.

Đây có lẽ là điều mà Duy luôn đau đớn, dằn vặt nhất: "Tôi muốn sống để sám hối, chuộc lại những lỗi lầm mình đã gây ra. Tôi còn đau đớn hơn khi nghĩ về em gái, một người mà tôi rất mực thương yêu. Em gái tôi ngoan lắm và nó học cũng rất giỏi. Vậy mà chính tôi đã tự tay vất bỏ tất cả và còn kéo theo em tôi xuống vực thẳm…".

Phải nhắc lại đôi dòng về vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy "xuyên quốc gia" gây sự chú ý đặc biệt này. Vụ án được phanh phui bắt đầu từ sự việc lúc 22 giờ ngày 18-7-2011, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan sân bay phát hiện dưới đáy chiếc vali của Trần Hạ Tiên đi chuyến bay QR688 từ Doha về Việt Nam có chứa hơn 4kg ma túy (chất Methamphetamin).

Ngay trong ngày hôm sau, Duy đã tới Cơ quan Cảnh sát điều tra đầu thú vì liên quan trực tiếp tới đường dây vận chuyển ma túy của Tiên. Duy khai nhận năm 2007 Duy tình cờ quen một người tên Francis, quốc tịch Kenya và được tên này khoe rằng hắn là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu quần áo, giày dép có chi nhánh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh...

Giữa tháng 8-2010, Francis điện thoại cho Duy nói rằng công ty của hắn đang cần người đi vận chuyển hàng mẫu là quần áo, giày dép từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Thời gian này do bận học nên Duy từ chối, nhưng hai tháng sau trong một lần gặp gỡ, Duy đã đồng ý vận chuyển.

Bản thân Duy thừa nhận chính số tiền mà Francis trả cho cô sau các lần ra nước ngoài đã khiến cô "mất cảnh giác". "Sau này khi gác tay lên trán suy nghĩ lại, tôi thấy phải chăng đồng tiền đã làm mờ mắt nên tôi cứ nhắm mắt đưa chân và bỏ đi những hoài nghi trong lòng mình.

Số tiền 500USD tương đương 10 triệu đồng trong lần đầu vận chuyển và những chuyến đi xa hơn được trả 1.000 USD, thời điểm đó số tiền đó rất cao so với thu nhập tôi kiếm được từ việc đi làm thêm, dạy gia sư, làm bán thời gian…".

Vì thế, chính sự cám dỗ từ số tiền đó mà Duy "tình ngay lý gian", rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn bán, tổ chức vận chuyển ma túy chuyên nghiệp.

Những ngày trong trại giam, "Giá như, ước gì" là những từ mà Duy nghĩ đến rất nhiều lần, cô ước mong có thể quay trở ngược thời gian và giá như ngày ấy cô có đủ mạnh mẽ, bản lĩnh và sáng suốt hơn nữa để bước qua được những cám dỗ thì giờ đây có lẽ cô sẽ không phải khoác trên mình bộ quần áo của phạm nhân như thế này.

Trải qua tận cùng nỗi đau, tuyệt vọng và những day dứt, ân hận, Duy phần nào hiểu thêm giá trị của cuộc sống, của tự do, của tình thân ruột rà máu mủ… Mong ước lớn nhất của cô gái này là được sớm giảm án để có cơ hội quay về với gia đình và hòa nhập với xã hội để bù đắp những lỗi lầm mình đã gây ra.

Phú Lữ
.
.
.