Cuộc sống hai mặt ở làng "giàu nhất xứ Nghệ"
- Chung tay góp vốn giúp nhau thoát nghèo
- Hỗ trợ 200.000 hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất
- Quảng Trị: Làng chài khó khăn nhất thị xã đã thoát nghèo
Thoát nghèo với tốc độ chóng mặt
Đến xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) những ngày này, ít ai có thể tưởng tượng trước đây là một xã nghèo nhất nhì của tỉnh. Những ngôi biệt thự khang trang, bề thế, những chiếc xe hơi ra vào tấp nập. Cổ Đạm bây giờ người ta còn gọi là làng tỷ phú, hay "làng ngoại tệ" rồi.
Theo thống kê, hiện nay cả xã có tới 1500 người đang đi xuất khẩu lao động trên khắp thế giới. Tính trung bình thì mỗi nhà có 1 người đi xuất khẩu lao động. Ông Phạm Công Thành, Trưởng Công an xã Cổ Đạm cười với chúng tôi: "Đúng là nhờ có xuất khẩu lao động mà xã tôi mới nhiều người biết đến như thế. Dù gì thì cuộc sống của nhân dân cũng tốt lên trông thấy, nhà cao cửa rộng, con cái có điều kiện hơn. Khoảng hơn chục năm trước chúng tôi vẫn là một xã nghèo, giờ đã khác nhiều rồi".
Đến Cương Gián bây giờ chỉ thấy người già và trẻ con. |
Dân Cổ Đạm nổi tiếng là liều lĩnh, họ sẵn sàng bán nhà, bán đất, thậm chí vay nặng lãi để có tiền sang nước ngoài lao động. Dù ai cũng biết nơi "đất khách quê người" có muôn vàn khó khăn, sóng gió, chỉ cần thất bại thôi coi như tán gia bại sản. Để minh chứng cho sự thoát nghèo "siêu tốc" của dân Cổ Đạm, chúng tôi được giới thiệu đến gia đình ông Nguyễn Xuân Đức.
Trong ngôi nhà khá rộng còn đang xây dựng, ông Đức không giấu được niềm vui: "Đây là ngôi nhà thứ 2 tôi xây dựng cho các con rồi. Đã có đứa nào ở đâu nhưng có tiền thì cứ xây, nay mai chúng nó về ở sau". Gia đình ông Đức có tới 6 người con, cả con trai cả con dâu đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Công việc chính của vợ chồng ông Đức là nuôi các cháu và giữ tiền hộ các con.
Với 6 người con, hàng tháng ông Đức cũng nhận được hơn 100 triệu từ nước ngoài gửi về. Trước đây gia đình ông Đức được liệt vào danh sách những hộ khó khăn. Nhận thấy chỉ có con đường xuất khẩu lao động mới thoát được nghèo, ông Đức không cần suy nghĩ quá lâu, ông quyết định vay mượn ngân hàng, thậm chí vay nóng ở ngoài để dồn tiền cho con.
"Chỉ có vậy thì gia đình chúng tôi mới ngóc được lên. Hai vợ chồng với một đống con như thế chỉ trông vào mấy sào ruộng thì có nước chết đói. Các con học hành thì không giỏi giang, đi lao động phổ thông may ra cũng chỉ đủ ăn, tiền nhà trọ. Thôi thì cũng may các con cũng sang được bên Đài Loan làm ăn, đứa lớn dắt đứa bé, dựa vào nhau mà làm ăn. Không phải là giàu có nhưng cũng xây dựng được cái nhà, gọi là có tí của để ra" - Ông Đức chia sẻ.
Ông Đức kể lại những tháng ngày cơ cực trước đây. |
Ngôi nhà đang xây dựng của gia đình ông Đức. |
Ở xóm 6 xã Cổ Đạm không ai là không biết hoàn cảnh gia đình anh Trần Trung Thông. Cha mất anh vẫn còn trong bụng mẹ, cuộc sống vô cùng khó khăn đè nặng lên người mẹ trẻ. Anh sinh ra trong cơ cực, nghèo khó. Mẹ chỉ đủ sức nuôi anh học đến lớp 9 rồi phải tự ra đời bươn chải. Vì thương mẹ, năm 2008 anh quyết định lấy vợ dù cuộc sống chẳng khá giả gì.
Năm đó trong làng đang rộ phong trào xuất khẩu lao động anh quyết định ra đi mong đổi đời. Sau 1 năm làm việc cật lực, anh Thông dồn toàn bộ số tiền ấy để đưa tiếp người vợ mới cưới sang. "Lúc đó đã làm gì đủ vốn nhưng vẫn quyết định dồn hết tiền để đưa vợ sang. Vừa là hai vợ chồng sống bên nhau, vừa là cùng lao động để kiếm thêm. Sang bên đó hai vợ chồng cùng làm ở 1 xưởng may, thu nhập cũng khá ổn định"- anh Thông tâm sự.
Sau hơn 5 năm vợ chồng anh Thông đã trở nên khấm khá hơn, anh xây ngôi nhà khá lớn với chi phi khoảng hơn 1 tỷ. Chỉ vào đứa con nhỏ anh Thông buồn buồn: "Bây giờ có con rồi, không thể để nó ở nhà được. Hai vợ chồng đã thống nhất, chỉ một đứa đi còn một đứa ở nhà dạy con. Ở đây đầy rẫy những tấm gương bố mẹ không có nhà đâm ra con cái hỏng".
Và những hệ lụy…
Ở huyện Nghi Xuân có hàng chục nghìn người xuất khẩu lao động nhưng không phải ai cũng "ca khúc khải hoàn". Có những người sang nước ngoài, ham lương cao trốn ra ngoài, bị bắt rồi trục xuất về nước. Rồi cũng có cả những người không may mắn, ốm đau, tai nạn bên xứ người. Anh Thông kể: "Trốn ra ngoài sợ cảnh sát bên đó lắm. Có những người đang trên giàn giáo làm việc, nghe thấy tiếng cảnh sát, hoảng loạn còn rơi cả xuống. Người thì bị thương, người thì chết. Nói chung là sống bên đó khổ lắm, nhưng ai cũng xác định cố vài năm lấy đồng vốn rồi về".
Không những vậy, giấc mơ xuất ngoại với nhiều người cũng còn dang dở bởi những kẻ lừa đảo, chạy cho người dân sang theo những con đường không chính thống, vượt biên bất hợp pháp. Chị N.T.H vẫn còn chưa hết bàng hoàng kể lại trong một lần bị những kẻ môi giới xuất khẩu lao động lừa sang Úc.
Khoảng tháng 4 - 2013 chị H cùng 5 chị em trong huyện lên thuyền đi Indonesia, rồi vượt biên sang Australia. Trên chiếc thuyền đó tất cả có 71 người Việt Nam, lênh đênh hơn 1 tuần trên biển mọi người không được gì ngoài bát cháo loãng. "Chúng tôi chẳng có gì ăn, nước cũng gần như cạn kiệt. Thuyền thì hết dầu nên cũng không thể cập bờ được nữa. May mắn cho chúng tôi lực lượng chức năng Australia đã phát hiện và đưa vào trại tị nạn, sau 7 tháng chúng tôi bị trục xuất về nước".
Ít ai nghĩ anh Thông sẽ có ngày xây được ngôi nhà khang trang thế này. |
Cùng chung cảnh ngộ, anh P.V.H cũng vì tin lời "đường mật" của những kẻ môi giới, đã bỏ ra 20 triệu đồng để được làm thủ tục sang Australia. Khi đang ở TP Hồ Chí Minh chuẩn bị chờ thuyền vượt biên thì bị lực lượng hải quan phát hiện và phải quay về. Anh H nói: "Cũng may mà chưa lên thuyền, nếu lên rồi chưa biết chừng tôi bỏ mạng trên biển. Tiền thì tiếc thật đấy nhưng cứ đi kiểu này chẳng khác nào đánh đổi mạng sống của mình".
Theo chia sẻ của chính quyền địa phương, đây chỉ là hai trường hợp trắng tay trở về sau chuyến "xuất ngoại" sang Australia làm ăn. Họ vẫn được liệt vào những người may mắn, bởi còn hàng trăm người dân khác đang bị tạm giữ tại các trại di cư nước Australia, hoặc chịu đựng cuộc sống chui lủi, khổ sở bên xứ người. Rồi còn cả những người vỡ nợ vì đi vay mượn tiền cho con đi lao động theo đường du học.
Ông Phạm Công Thành chia sẻ: "Cũng nhiều trường hợp chạy cho con đi du học bên Australia, khi sang đó các cháu trốn ra ngoài để lao động. Khi bị bắt và trục xuất về nước thì coi như trắng tay, vỡ nợ luôn".
Không ai phủ nhận được việc người dân giàu lên trông thấy, nhà cửa khang trang nhưng vẫn còn đó nhưng câu chuyện buồn. Như gia đình ông Đức có tới 6 người con sang bên Đài Loan, hai vợ chồng ông chỉ có mỗi việc nuôi cháu và giữ tiền cho các con. Thử hỏi những đứa trẻ thiếu cha mẹ ấy liệu có sống tốt? Liệu có học hành tử tế? Đúng vậy, chúng được ở nhà biệt thự, dùng hàng ngoại xịn, nhưng chúng vẫn còn một thứ thiếu mà chẳng thứ vật chất gì bù đắp được đó là sự quan tâm, tình cảm của cha mẹ.
Trong ngôi nhà 3 tầng, đầy đủ tiện nghi hai bé Thanh Hà (11 tuổi) và Thanh Thủy (8 tuổi) ở thôn Nam Mới (xã Cương Gián, Nghi Xuân) đang cùng bà nội nói chuyện điện thoại từ Hàn Quốc của bố mẹ. Bé Thủy khoe: "Bố mẹ cháu lại sắp gửi quà từ Hàn Quốc về đấy. Toàn kẹo xịn, quần áo xịn, rồi cả tiền cho bà cháu nữa". Bé Hà cướp lời của em: "Nhưng cháu cũng chẳng thích, quần áo toàn rộng thôi, cháu muốn bố mẹ đưa đi mua giống các bạn. Cháu muốn bố mẹ cháu về ăn tết với ba bà cháu cơ".
Với số người đi xuất khẩu lao động làm ăn thuận lợi ở đây rất đông nên xã Cương Gián được mệnh danh là làng giàu nhất nước. Đa phần vợ chồng dắt nhau đi xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật… con cái được sinh ra khoảng 7 tháng tuổi lại được gửi về Việt Nam để ông bà chăm. Bé Duy (6 tuổi) thôn Bắc Sơn (Cương Gián) là một trong những trường hợp như thế. Nói đến bố mẹ, bé Duy thổ lộ: "Cháu chưa được gặp bố lần nào. Bố cháu mấy lần bảo về nhưng cũng không về. Bố bảo đi cố mấy năm rồi về ở với con luôn. Bố mẹ gửi nhiều quà lắm, cháu chỉ thích bố thôi".
Ông Phạm Công Thành, Trưởng Công an xã Cổ Đạm chia sẻ: "Đúng là nhờ có xuất khẩu lao động mà dân chúng tôi mới thoát nghèo, cuộc sống đầy đủ hơn. Thế nhưng nó cũng kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy. Xã chúng tôi có truyền thống hiếu học, học rất giỏi nhưng có vẻ vài năm gần đây các cháu cũng không còn tha thiết lắm với việc học. Nhiều gia đình đầu tư cho con đi nước ngoài mà không đầu tư cho đi học. Thế rồi các cháu nhỏ sống thiếu cha mẹ là rất nguy hiểm. Chúng không được dạy dỗ, kèm cặp rất dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), từ năm 2009-2013, cả nước có 976 người di cư trái phép sang Australia. Tháng 10-2013, Chính phủ Australia đã trả 28 người Việt về nước vì không có thị thực. Hà Tĩnh, Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu là 3 tỉnh có số người di cư trái phép sang Australia đông nhất cả nước. Riêng huyện Nghi Xuân có 79 người di cư trái phép và mới chỉ 5 người được trở về. |