Rớt nước mắt nghe chuyện tình già ven sông Cửa Tiền

Thứ Hai, 28/11/2016, 12:22
Không điện, không nước, không một tài sản đáng giá, nơi ở của ông bà chỉ là một chiếc bè được lợp tôn ven sông Cửa Tiền, thành phố Vinh, Nghệ An. Ngày ngày, bà đi đồng nát, ve chai, ông chài lưới kiếm sống qua ngày.

Không còn phải vất vả nuôi đàn con thơ dại như ngày nào, nhưng cũng không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu nên bao nhiêu năm nay ông bà cứ thế sống dựa vào nhau, viết nên một câu chuyện tình cảm động.

Ở cái làng chài nhỏ bé ven sông Cửa Tiền này, người dân vẫn ngưỡng mộ câu chuyện tình của ông Nguyễn Văn Dần và bà Nguyễn Thị Lan bởi hơn hai chục năm chuyển về đây sinh sống, họ chẳng bao giờ thấy ông bà lời qua tiếng lại. Ông bà chăm chút nhau từng li từng tí, nhất là khi tuổi đã xế chiều.

Hai vợ chồng ông Dần, bà Lan vẫn hạnh phúc bên nhau qua 40 năm sóng gió.

Ông Dần năm nay đã 78 tuổi, còn bà Lan cũng đã 68 tuổi; nhưng cuộc sống của ông bà khó khăn, cơ cực nhiều lắm. Trước đây, vợ chồng ông phải sống trong túp lều dột nát, được vá víu bằng những tấm ni lông rách nát.

Mùa mưa rét, gió lùa từng cơn lạnh căm căm, nước dột vào cả chỗ nằm. Mùa hè nắng nóng hầm hập, điện không có, quạt càng không. Nóng quá thì ra tạm gốc cây ngồi quạt mát.

Khát nước thì lại múc nước sông lên đun nấu, tắm giặt. Bao nhiêu năm nay, ông bà chẳng biết đến đèn điện. Làm bạn với đèn pin, cây nến riết rồi cũng thành quen.

Gần đây, nhờ sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, ông bà đã có chỗ ở gọi là khang trang hơn một chút.

Chiếc bè nằm ven sông được che chắn bằng tôn vững chãi. Mưa gió bão bùng không còn phải lo lắng nhiều nhưng cuộc sống của hai vợ chồng già cũng không khá hơn là mấy. Khi chúng tôi đến, ông bà đang dùng bữa.

Mâm cơm đạm bạc chẳng có gì ngoài chút cá kho ông đánh bắt được hàng ngày trên sông.

Móm mém ông bà kể lại cuộc đời chìm nổi của mình như những thước phim quay chậm. Bà Lan quê ở Diễn Châu, Nghệ An là con gái thứ 3 trong số 10 người con của một gia đình ngư dân nghèo.

Hai anh trai đi bộ đội nên từ nhỏ, bà đã phải lăn lộn, bươn chải phụ cha mẹ nuôi các em khôn lớn.

Ngày ấy chiến tranh loạn lạc nên cuộc mưu sinh càng vất vả hơn. Nhà nghèo, đông anh em, bà Lan phải chạy ăn từng bữa cho các em. Từ buôn thúng bán mẹt đến bốc vác, vá lưới thuê, không việc gì là không đến tay bà.

Vốn có tiếng là người con gái xinh đẹp, ngoan hiền, lại hết lòng vì gia đình và các em nên bà Lan được nhiều chàng trai trong vùng để mắt tới. Thương bố mẹ, thương các em, mong có người về cùng nhà để chung tay gánh vác việc gia đình, lo lắng cho các em nên 20 tuổi, bà Lan đồng ý lấy một người đàn ông cùng làng có tài làm ăn buôn bán.

"Ngôi nhà nhỏ" của hai vợ chồng ông lão đồng nát.

Ngỡ tưởng rằng cuộc sống sẽ khấm khá hơn khi chồng bà là một người giỏi giang, thế nhưng cuộc đời chẳng ai học được chữ ngờ. Bản tính phóng túng, trăng hoa, nên sau mỗi chuyến đi buôn, chồng bà lại vướng vào những mối tình mới.

Bao nhiêu tiền kiếm được đều ném vào những cuộc ăn chơi, rượu chè với những người đàn bà ấy. Để rồi sau mỗi cơn say, ông ta lại trút những trận đòn roi lên người vợ chịu khó, một lòng thương chồng, thương con, ngay cả khi bà đang bụng mang dạ chửa.

Vì con nên bà Lan cắn răng chịu đựng, cho đến một ngày chứng kiến đứa con 3 tuổi bị chồng đánh đập không thương tiếc thì bà quyết định ôm con dứt áo ra đi. Bà bỏ vào thành phố Vinh bươn chải bằng đủ thứ nghề để nuôi ba đứa con.

Tình cờ những lần buôn bán, cửu vạn, bà gặp ông Dần. Khi ấy ông đã gần 40 tuổi. Cuộc đời ông cũng thăng trầm chẳng kém gì cuộc đời bà. Trước đây ông vốn là một cán bộ ngân hàng, nhưng tuổi trẻ bồng bột nên ông vướng phải vòng lao lý. 10 năm sống cách biệt xã hội đủ để ông thấm thía những giá trị của cuộc sống và khao khát làm lại cuộc đời.

Quê ông ở Thanh Hóa, nhưng sau khi ra tù, ông không dám trở về quê mà xuôi tàu vào Vinh, sống lang thang bằng nghề cửu vạn, bốc vác thuê. Ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền. Tình cờ ông gặp bà. Hai con người cùng cảnh ngộ nhanh chóng bén duyên. Ông ấn tượng với bà vì là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó hết lòng chăm con.

Còn bà thương ông vì xa quê, một thân một mình không người chăm sóc. Và hơn cả, bà hiểu được khao khát làm lại cuộc đời của chính ông. Ngày ông ngỏ lời, bà chỉ biết khóc, dù biết ông chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng.

Mới đầu ai cũng nghĩ rằng ông bà đến với nhau chỉ là mối tình rổ rá cạp lại, thế nhưng chứng kiến cuộc sống tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng vô cùng hạnh phúc của ông bà hơn 40 năm nay, nhiều người mới thầm cảm phục.

Sau khi cưới, ông Dần theo bà Lan về quê ngoại ở rể. Cũng như bao người dân vùng biển khác, hai vợ chồng mưu sinh bằng nghề chài lưới. Nhưng vì không quen nghề lại đã có tuổi nên ông Dần không trụ được lâu. Cuộc sống vốn khó khăn, túng thiếu lại càng chật vật hơn khi 4 đứa con chung lần lượt ra đời.

Cuối cùng, ông bà quyết định để các con lại cho ông bà ngoại, khăn gói trở lại thành phố Vinh để kiếm sống. Ít ra ở thành phố còn có nhiều việc để làm thuê hơn, dễ dàng buôn bán hơn. Để tiết kiệm tiền gửi về quê nuôi các con, ông bà đưa nhau ra bờ sông Cửa Tiền, dựng lều để ở.

Hằng ngày, ông bà dậy từ sớm tinh mơ, lọ mọ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, các bãi rác để lục lọi tìm đồ đồng nát đem bán. Tiền kiếm ra chẳng được mấy đồng nhưng hai vợ chồng ăn uống kham khổ để dành dụm cho các con.

Thời điểm đó, vùng ven sông là nơi tụ tập của các đối tượng nghiện ngập, giang hồ. Có  những đêm hai vợ chồng chẳng dám ngủ vì sợ chúng lên cơn, có thể vào đe dọa, xin đểu bất cứ lúc nào. Nhưng có lẽ thấy ông bà già cả, lại nghèo đói nên chúng chẳng bao giờ quấy quả.

Cuộc sống của vợ chồng ông Dần cơ cực đến nỗi, bao nhiêu năm nay ông bà không biết đến ánh đèn điện. Trước đây, sông Cửa Tiền còn trong, sạch, ông vẫn thường múc nước lên để tắm giặt, nấu nướng. Nhưng về sau nước bẩn, ô nhiễm, ông lại phải gánh thùng đi mua nước về ăn.

Ông bảo, khổ nhất là những lần mưa bão phải chạy lũ. Hai vợ chồng lại gói ghém đồ đạc lên chiếc thuyền cũ mua rẻ từ người hàng xóm để tránh lũ. Nước dâng tới đâu thì thuyền dâng tới đó. Bão tan, ông bà lại dọn dẹp túp lều rách, bắt đầu lại cuộc sống thường nhật.

Bữa cơm đạm bạc của hai vợ chồng già.

Mấy năm trở lại đây, sức khỏe bà Lan nhanh chóng giảm sút, phần vì có tuổi, phần vì lao lực từ những ngày bé, không có tiền thuốc thang tẩm bổ. Bà Lan bị u ở chân trái nên mỗi khi trái gió trở trời, bà lại đau mỏi không dứt.

Không có tiền nên bà cũng chẳng dám đi bệnh viện, cứ thế chịu đựng những cơn đau dai dẳng nên ngày một gầy mòn ốm yếu. Thương vợ, ông Dần lại làm việc nhiều hơn.

Ông chăm sóc bà từng li từng tí, giành hết mọi việc lớn việc nhỏ trong nhà về mình. Ông bảo, ông chỉ muốn bà khỏe, sống lâu hơn với mình, bởi với ông, bà là người quan trọng nhất, là người đã giúp ông làm lại cuộc đời.

Hỏi về quê hương và các con, ông bà đều rơm rớm nước mắt. Đã bao nhiêu năm ông bà chẳng về thăm quê. Dù chỉ cách quê có hơn 1 tiếng đi xe khách nhưng ông bà chẳng có tiền để mà về. Mà có về rồi lại không đành lòng mà ra đi, nhưng ở quê với tuổi này, ông bà biết làm gì để kiếm tiền.

Ngoài thành phố còn có nghề đồng nát. Ở quê sẽ phải sống dựa vào người này, người kia, ông bà không làm được. Vì hoàn cảnh, các con ông bà cũng mỗi người một nơi.

Thương nhất là cậu út, sống cách biệt cha mẹ từ khi mới 6 tuổi. Đến nay đã gần 30, anh vẫn làm thuê trong miền Nam, chưa có điều kiện để lấy vợ sinh con.

Người con gái tên Thanh vốn là con riêng của bà nhưng một lòng yêu thương, kính trọng cha dượng của mình nhiều lần muốn đón ông bà về phụng dưỡng nhưng ông bà không chịu, bởi hoàn cảnh của chị cũng chẳng khá giả là mấy.

Nhiều hôm nhớ con nhớ cháu lắm, muốn được gần con gần cháu, nhưng hoàn cảnh không cho phép nên ông bà vẫn bám trụ bên ven sông Cửa Tiền này.

Ông bảo, còn khỏe ngày nào, ông bà vẫn ở đây chăm nhau để không ảnh hưởng đến con cháu, khi nào không thể làm được gì mới trở về quê hương. Điều mong mỏi lớn nhất là hai vợ chồng có sức khỏe để cùng nhau đi hết quãng đời còn lại.

Minh Khôi
.
.
.