Chuyện tình cổ tích của chàng trai bại liệt đăng ký hiến xác cho y học

Thứ Bảy, 06/05/2017, 17:46
Mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, hễ đụng mạnh vào chỗ nào là cơ thể bị "vỡ" chỗ đó; không những thế, chàng trai quê Nghệ An Trần Văn Hà, sinh năm 1990, còn bị chứng bại liệt từ nhỏ khiến cơ thể chỉ nặng vỏn vẹn có 21kg.

Với những nỗ lực phi thường, Hà không chỉ tự lo cho bản thân mà còn cùng mẹ gánh vác khó khăn của cuộc sống. Như một giấc mơ có thật, chàng trai tật nguyền ấy tìm được vợ khỏe mạnh, xinh đẹp, kém mình đến 9 tuổi.

Đặc biệt hơn, cách đây 3 tháng, Hà đã một mình lặn lội từ Nghệ An ra Thủ đô để đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời.

Để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp mẹ Hà đã phải đi bán tăm, miến dạo.

1. Đáng ra ngày đón đứa con chào đời là ngày hạnh phúc nhất của người mẹ thì với bà Nguyễn Thị Lâm lại là ngày rơi nhiều nước mắt, tủi thân và lo lắng nhất. Đứa con sinh ra đã mắc phải căn bệnh xương thủy tinh, chỉ cần một cái chạm quá lực thôi cũng đủ gãy, vỡ.

Bà Lâm nhìn đứa con yếu ớt nằm im lìm mà không kìm nén nổi nước mắt. sợ con đau, bà cứ gắng gượng ôm con, giữ chặt mà không dám đưa cho ai bế hộ. Trần Văn Hà cứ thế lớn lên trong vòng tay của mẹ. Sinh ra với một hình hài không lành lặn, cuộc sống của Hà gặp không ít sóng gió.

Hai mẹ con bà Lâm bồng bế nhau khắp các bệnh viện, nghe đâu có thầy lang giỏi bà lại đưa con tới. Gia đình hoàn cảnh nghèo khó, chữa bệnh cho con tốn kém, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Sức đã cùng, lực đã kiệt, nợ nần khắp nơi, có lúc bà Lâm tưởng mình sẽ buông xuôi, phó mặc cuộc sống của con cho ông trời quyết định. Nhưng mỗi lần nhìn Hà ngủ ngon giấc sau những viên thuốc giảm đau, bà lại như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục cùng con vượt qua khó khăn.

Nhớ lại những tháng ngày cơ cực, bà Lâm nghẹn ngào: "Con thì ốm đau, tiền thuốc chữa trị thì tốn kém, tôi đã phải đi khắp họ hàng, làng xóm để vay mượn. Có những lúc thấy mệt mỏi, chán nản vì bệnh tình của con không thuyên giảm nhưng nó là khúc ruột của mình, mình bỏ sao đành".

Dù đã cố gắng chữa trị khắp nơi nhưng đôi tay, đôi chân và cả cơ thể của Hà vẫn không thể như bình thường. Toàn thân anh co quắp lại như hình dáng một thai nhi khi đang còn trong bụng mẹ.

Mọi sinh hoạt dù nhỏ nhất của Hà đều dựa cả vào mẹ. Có điều, dù cơ thể bại liệt và bé nhỏ nhưng suy nghĩ của chàng trai ấy không hề khiếm khuyết. Hiểu hơn ai hết những vất vả, cực nhọc của mẹ nên Hà luôn cố gắng gấp 5, gấp 10 người bình thường.

Đến tuổi đi học, do thể trạng quá yếu nên Hà không thể đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Dù vậy, khát khao được học chữ của Hà chưa khi nào vơi bớt. Hà chia sẻ: "Thấy mình phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn nên mẹ đã tự nguyện làm cô giáo dạy chữ cho mình. Để đọc thông viết thạo như ngày nay, mình phải chịu nhiều đau đớn lắm. Vì bàn tay mình rất mềm, cầm phấn hoặc cầm bút rất khó khăn”. Sau này, dù phải ngồi một chỗ nhưng Hà vẫn tự mày mò, học hỏi và sửa chữa giúp mẹ những vật dụng bị hư hỏng như quạt, nồi cơm điện. Rồi sau này anh tự liên hệ với các trung tâm nhân đạo để đi bán tăm, bán bông tai, bán miến… kiếm tiền phụ giúp mẹ.

Một nhà hảo tâm đã tài trợ cho đôi bạn trẻ bộ ảnh cưới ý nghĩa.

Không được như bạn bè cùng trang lứa, nhưng những gì Hà làm được là ngoài sức tưởng tượng của mẹ, của gia đình. "Tất cả những gì đã qua, mình hiểu mẹ đã khổ rất nhiều. Mẹ vừa phải lo ăn cho cả nhà, lo tiền chữa bệnh cho con. Gánh nặng ấy nhiều lúc như quá sức nhưng mẹ vẫn luôn tươi cười, động viên mình. Khi bố mẹ ly hôn, nỗi đau, khó khăn càng đè nặng lên đôi vai của mẹ nhưng chưa khi nào mẹ khóc trước mặt mình. Mẹ là niềm tin, sức mạnh để giúp chị em mình vượt qua khó khăn" - Hà tâm sự.

Hà bảo, mẹ tuy là người phụ nữ thôn quê chân chất nhưng lại rất yêu khoa học và có tấm lòng sẻ chia với những người bất hạnh. "Có lần hai mẹ con đang ngồi ăn cơm tối, mẹ đột nhiên bảo khi nào có điều kiện hai mẹ con mình ra Hà Nội đăng ký hiến xác cho y học nhé. Như thế, kể cả khi chết đi rồi thì mẹ con mình vẫn làm được việc có ý nghĩa cho xã hội" - Hà tự hào kể về mẹ.

Từ lời gợi ý của mẹ, chàng trai trẻ Trần Văn Hà đã quyết tâm dành dụm tiền để thực hiện ước mơ của cả hai mẹ con. Ba tháng trước, Hà đã một mình lặn lội từ Nghệ An ra Thủ đô đăng ký hiến xác sau khi chết cho y học. Lần đi đó, Hà cầm theo cả giấy ủy quyền hiến xác của mẹ.

Anh chia sẻ: "Đi một chặng đường dài hơn 300km đối với một người bình thường cũng khá vất vả, huống hồ mình lại là người bại liệt, xương thì dễ vỡ. Lần đó khi đi xe lăn từ bến xe vào Trường Đại học Y Hà Nội, mình chẳng may bị một chiếc taxi đâm phải. Cứ tưởng phải vào bệnh viện nằm luôn, ai dè vẫn ngóc dậy đi tiếp. Nói chung khi hoàn thành được ý nguyện của cả hai mẹ con mình rất vui".

2. Không thể "bay nhảy" như những người bình thường khác nên với Hà, facebook giống như một phần của cuộc sống. Nơi ấy Hà có thể giao lưu, trò chuyện với những người bạn "ảo".

Trong số những người bạn online ấy, Hà thực sự ấn tượng với cô gái Lô Thị Giang. Giang quê ở Khe Mèn, Đồng Hợp, Nghệ An, cách nhà Hà chừng 10km. Không chỉ có má lúm đồng tiền với nụ cười rất duyên, mà cô bé kém Hà tới 9 tuổi này luôn tỏ ra quan tâm và đồng cảm với những thiệt thòi mà anh đang phải gánh chịu.

Hà chia sẻ: "Dù Giang lúc nào cũng động viên mình nhưng mình cũng chỉ dám nhận sự chân thành của cô ấy thôi. Thực lòng mình chẳng bao giờ dám nghĩ đến một ngày mình lại đủ dũng cảm để nói lời yêu thương với Giang. Bởi cô ấy là một người hoàn toàn bình thường, mạnh khỏe và xinh đẹp". Duyên cớ dẫn tới chuyện tình yêu tưởng chừng như không tưởng ấy cũng rất đặc biệt.

Giang trẻ trung và nhí nhảnh ngoài đời.

Một lần, facebook của Giang bị hack, Hà mạnh dạn nhắn tin vào điện thoại của Giang với nội dung: "Facebook của em bị hack rồi. Nếu em không chê thì để chàng trai tật nguyền này sửa cho em nhé!".

Ngay sau đó Hà nhận được tin nhắn trả lời vui vẻ của Giang. Cũng kể từ giờ phút ấy, mối quan hệ giữa hai người chuyển sang một giai đoạn mới. Ngồi bên người chồng sắp cưới, Giang bẽn lẽn kể lại: "Lúc em mạnh dạn mời anh ấy về nhà chơi em cũng lo lắm, chỉ sợ bố mẹ sẽ khó chịu. Vậy mà khi anh ấy về, bố mẹ em lại rất quý mến. Bố em còn thịt gà mời anh ấy ở lại ăn cơm, khi anh ấy về còn dặn dò là rảnh qua nhà cô chú chơi nhé!".

Không giống như hầu hết các bậc phụ huynh khác, khi thấy con gái có ý định tiến xa trong mối quan hệ với một người đàn ông khuyết tật sẽ kịch liệt phản đối, ngược lại, bố mẹ Giang rất ủng hộ quyết định của con gái.

Khi chuyện tình yêu của Giang với Hà được công khai, những người thân trong họ của Giang ra sức phản đối và kỳ thị. Họ bảo, không hiểu bố mẹ Giang nghĩ gì mà lại đồng ý để con mình tới một con đường không nhìn thấy ánh sáng.

Bỏ qua những dị nghị của những người xung quanh, chính bố mẹ Giang lại là người đi thuyết phục để đôi trẻ được thừa nhận. Hỏi lý do vì sao Giang lại yêu và chấp nhận lấy một người khuyết tật như Hà làm chồng, Giang chỉ cười rồi bảo: "Chắc đó là duyên trời định".

Trên trang facebook cá nhân của mình, Giang trải lòng: "Em biết rằng cuộc sống hôn nhân sẽ chồng chất khó khăn, lo bao nhiêu thứ cơm, áo, gạo, tiền... Nhưng em luôn có một niềm tin từ anh và từ chính bản thân em. Người ta thường bảo rằng: ông trời không lấy đi của ai tất cả, mình mất cái này lại được cái kia. Em chọn bên anh không vì bất cứ lý do gì, mà là vì bên anh em thấy bình yên.

Em đã từng suy nghĩ rất nhiều về tương lai và những rào cản mà em phải đối mặt, nhưng có một điều đã thắp sáng niềm hy vọng trong trái tim em đó là có anh trong cuộc đời. Tuổi đời em còn ít, chưa nếm trải nhiều nhưng em chưa bao giờ nghĩ đó là quyết định sai lầm trong cuộc đời mình, và em tin rằng hạnh phúc trên đời luôn tồn tại.

Cuộc đời vốn dĩ rất công bằng, không ai có tất cả và cũng không ai mất đi tất cả. Em không phân biệt địa vị xã hội hay ngoại hình của một người, mà em cần một trái tim chân thành, một người đàn ông xứng đáng để em gọi là chồng cho đến hết cuộc đời.

Với Hà, mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần.

Tuổi thơ em cũng không khác gì anh, cũng đã từng thiếu tình yêu thương và chịu nhiều bất hạnh, nhưng em chỉ may mắn hơn anh một thứ đó là em là một con người lành lặn, được cắp sách đến trường vui chơi, học tập cùng bạn bè và thầy cô"…

Gia cảnh Hà nghèo khó nhưng gia đình bên vợ tương lai cũng chẳng khá giả gì hơn. Để lo cho đám cưới sắp tới được chu toàn, Hà đã phải cố gắng rất nhiều. Anh chia sẻ: "Một mình mình phải lo chi phí đám cưới cho cả hai bên nên thực sự là quá sức. Dù vậy mình vẫn cố gắng nhất có thể để đám cưới của bọn mình diễn ra tốt đẹp và đầm ấm". Nhìn đôi trẻ hoan hỉ, tất bật chuẩn bị cho ngày trọng đại của đời mình đủ thấy họ khao khát được về chung sống cùng nhau dưới một mái nhà biết chừng nào. Tình yêu luôn có lý lẽ riêng!

Phong Anh
.
.
.