Những chuyện xúc động ghi ở Trung tâm cai nghiện ma túy

Thứ Ba, 22/08/2017, 12:54
Với phương châm “Chân thành - Đồng cảm - Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ”, Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam đã có nhiều biện pháp, cách làm hay giúp các đối tượng nghiện ma túy nhanh chóng từ bỏ “nàng tiên nâu”, sớm tái hòa nhập cộng đồng.


Do tình trạng đối tượng sử dụng các loại ma túy trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, kéo theo đó là số người vào Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) Quảng Nam cũng có dấu hiệu tăng.

Được thành lập từ năm 1980, CSCNMT Quảng Nam (đóng tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) tiền thân là Đoàn 80. Đến nay, cơ sở này thường xuyên tiếp nhận trung bình hơn 130 học viên đến để cai nghiện. Để giúp đỡ các đối tượng nghiện nhanh chóng thoát nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, các cán bộ nhân viên CSCNMT Quảng Nam luôn thực hiện phương châm “Chân thành - Đồng cảm - Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ”.

Các học viên tại CSCNMT Quảng Nam đến từ nhiều tỉnh, thành như Quảng Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế,… Tiếp xúc với chúng tôi, học viên Trần Hiệp (32 tuổi, trú TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho biết anh làm nghề sơn nước, đã có vợ và 2 đứa con trai.

Do đám bạn kích động nên Hiệp đã sử dụng ma túy. Sau 15 tháng được cai nghiện ở Cơ sở, đến nay anh đã cơ bản cắt được cơn nghiện và quyết tâm cai nghiện thành công để trở về đoàn tụ cùng với vợ con.

Các học viên tại CSCNMT Quảng Nam tham gia học may giày công nghiệp.

Không như anh Hiệp, học viên Nguyễn Anh Thuận (26 tuổi, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trong thời gian vào TP Hồ Chí Minh để làm thuê đã bị lôi kéo sử dụng ma túy đá.

“Từ những ngày đầu mới vào cơ sở, do hiện tượng “ngáo đá” mà em không kiểm soát được bản thân. Nhờ sự giúp đỡ chân thành của các thầy cô nơi đây, đến nay sau 8 tháng cai nghiện, căn bản em đã ổn định rồi. Em hối hận lắm vì đã dính vào ma túy, nghĩ mà thương ba mẹ ở nhà phải làm lụng vất vả để lo cho đứa em đang học đại học năm hai tại Đà Nẵng nữa. Em đang quyết tâm cai nghiện để sớm trở về phụ giúp ba mẹ làm kiếm tiền nuôi đứa em ăn học đường hoàng”, Thuận cúi đầu, chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CSCNMT Quảng Nam, cho biết các học viên đang sinh hoạt tại đây sau khi cắt cơn, giải độc sẽ được phân loại để bố trí khu ở phù hợp.

Công tác quản lý, bảo vệ học viên tại Cơ sở được chú trọng hàng đầu, đảm bảo số lượng cán bộ trực tại các khu có học viên 24/24h mỗi ngày. Để giáo dục học viên, mỗi tuần 3 buổi học viên được lên lớp học tập theo bộ giáo trình của Bộ LĐ-TB&XH.

Ngoài ra, Cơ sở đang tổ chức dạy nghề may sơ cấp may công nghiệp cho hơn 20 học viên. Về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại Cơ sở, thời gian qua, công tác phối hợp với Công an cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là Công an huyện Hiệp Đức luôn được chú trọng. Các phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc diễn ra tại CSCNMT Quảng Nam đều có sự phối hợp đảm bảo ANTT của Công an huyện Hiệp Đức.

Nhờ làm tốt công tác phối hợp với lực lượng Công an, đặc biệt là Công an huyện Hiệp Đức mà từ đầu năm 2017 đến nay, tại Cơ sở không có trường hợp học viên gây rối, ảnh hưởng đến ANTT trong và ngoài Cơ sở, cũng không có trường hợp học viên không chấp hành hoặc gây rối tại các phiên tòa, phiên họp do tòa án các huyện, thị xã tổ chức.

Để công tác giáo dục cai nghiện cho học viên ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, CSCNMT Quảng Nam đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đơn cử, theo quy định thì khi các học viên vào cơ sở cai nghiện phải xưng hô “em” và gọi cán bộ nhân viên ở cơ sở là “cán bộ”, song từ giữa năm 2016, CSCNMT Quảng Nam đã áp dụng cách xưng hô khác là “em” - “thầy, cô” nhằm tạo nên sự gần gũi hơn giữa học viên với cán bộ cơ sở, từ đó giúp cán bộ nhân viên ở Cơ sở dễ dàng hơn trong tiếp cận, lắng nghe và chia sẻ với học viên.

Học viên tại CSCNMT Quảng Nam hồ hởi với những giờ phút chơi thể thao.

Ngoài ra, CSCNMT Quảng Nam còn xây dựng các sân bóng chuyền, trang bị cho các khu ở của học viên bàn bida, bàn bi lắc, cờ tướng, đàn Ghita,… để học viên có cơ hội hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ lành mạnh; thường xuyên tổ chức xem xét kết nạp Đoàn cho các học viên có thành tích trong việc cai nghiện nhằm giúp học viên khi tái hòa nhập cộng đồng về địa phương có cơ hội tham gia sinh hoạt Đoàn ở cơ sở, từ đó tránh được nguy cơ tái nghiện.

Đặc biệt, từ đầu năm 2016, CSCNMT Quảng Nam còn áp dụng mô hình “Ngủ hạnh phúc” để góp phần động viên, chia sẻ với các học viên đã có vợ. Theo quy định, các học viên đã có vợ nếu thực hiện cai nghiện tốt từ 2 tháng trở lên sẽ được tạo điều kiện để cùng vợ tham gia mô hình “Ngủ hạnh phúc”, tạo tâm lý phấn khởi, tiếp thêm sức mạnh cho học viên trong “cuộc chiến” chống chọi với cơn nghiện…

“Mặc dù Cơ sở còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, song mỗi cán bộ nhân viên của Cơ sở luôn biết đoàn kết, nhiệt tình giúp đỡ học viên bằng cái tâm của mình với phương châm “Chân thành - Đồng cảm - Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ”. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi đó là khi học viên cai nghiện thành công, trở về hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân bình thường trong cuộc sống”, ông Trung tâm sự.
Ngọc Thi
.
.
.