Bi kịch tột cùng của một người mẹ

Thứ Bảy, 21/11/2015, 10:30
Căn nhà cấp 4 của bà Lê Thị Bông, 70 tuổi, ngụ ấp An Thuận (xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) loang lổ vết bổ, chém của dao búa, nằm ẩn dưới hàng dừa xiêm mọc không thẳng hàng giữa cánh đồng lúa xanh thì con gái vẫn ngày ngày oang oang tiếng đập phá, chửi bới la hét của người con trai cả, nghiện rượu đến độ tâm thần. 

6 người con sinh ra hình hài khỏe mạnh, nhưng 4 cậu "quý tử" chưa kịp lớn đã sa chân vào thói hư tật xấu. Người chồng uất quá uống thuốc sâu tự vẫn, để lại gánh nặng trần gian lên vai vợ. Đàn con lưu linh của bà tối ngày chìm đắm trong men rượu, cờ bạc, về nhà chửi mẹ, đánh em rồi huynh đệ tương tàn dẫn đến kẻ mất mạng, người vào tù. Cuộc đời người đàn bà này là một chuỗi dài bi kịch, có lẽ cho đến chết vẫn chưa thôi. 

Một gia đình bất hạnh

Căn nhà cấp 4 của bà Lê Thị Bông, 70 tuổi, ngụ ấp An Thuận (xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) loang lổ vết bổ, chém của dao búa, nằm ẩn dưới hàng dừa xiêm mọc không thẳng hàng giữa cánh đồng lúa xanh thì con gái vẫn ngày ngày oang oang tiếng đập phá, chửi bới la hét của người con trai cả, nghiện rượu đến độ tâm thần.

Bà Bông đau khổ kể về chuỗi ngày bi kịch trong gia đình.

Nhà có khách, Hai Hùng (48 tuổi) tỏ ra niềm nở, nói cười luyên thuyên nhưng vừa thấy bóng mẹ lụ khụ chống gậy đi chợ về, Hùng đã chuyển hẳn thái độ, gắt gỏng: "Giờ này mới chịu về, để tôi chết đói hả". Bà Bông không trả lời con, lặng lẽ đi xuống bếp đặt nồi cơm, lặt bó rau cho thằng con khỏi quát tháo.

Chờ cho Hai Hùng đi khuất mặt, bà thì thầm vào tai chúng tôi: "Nó thần kinh đấy, tốt nhất là im lặng cho êm chuyện". Nhưng đó chưa phải là thằng con duy nhất bị bệnh "bất hảo" của bà, vẫn còn hai thằng nữa, rượu vào lời ra chúng đánh nhau, một chết, một đi tù rồi. Nói đến đây, bà Bông lấy khăn rằn lau vội nước mắt.

Cuộc đời "trăm đắng ngàn cay" của bà như một thước phim quay chậm, khắc sâu vào tâm can và trí nhớ, bà chưa quên một chi tiết nào. Hơn bốn mươi năm trước, bà nên duyên vợ chồng với người đàn ông ngụ cùng ấp rồi sinh ra cả thảy 7 người con, bốn trai, ba gái, trong đó đứa con trai thứ ba lên 4 tuổi thì mất do bệnh tật.

Nhà nghèo con đông, miếng ăn lo chưa tới nên các con bà đều không được ăn học đàng hoàng. Chúng khờ khạo lớn lên như cây hoang cỏ dại. Không giấu được nỗi niềm, bà trầm ngâm: "Sinh con ra nhưng không thể lo lắng cho chúng chu toàn cũng chỉ vì nhà quá hoàn cảnh. Biết chúng thiệt thòi hơn con nhà người ta vì không được học hành, nhưng vợ chồng tôi lúc nào cũng cố gắng để các con có cuộc sống thật tốt".

Lớn lên như cỏ dại, không được uốn nắn, dạy bảo nên 4 quý tử nhà bà chưa kịp lớn đã sa chân vào thói hư tật xấu. Em nối gót anh, đều là những đệ tử lưu linh của rượu và con "chiên" của lô đề, cờ bạc. Mỗi lần say sỉn, chúng kéo nhau về nhà quậy phá tưng bừng, thấy gì đập đó, chỉ mặt quát tháo, chửi bới không chừa một ai. Chồng bà bất lực, buồn khổ một thời gian dài rồi không chịu nổi cảnh gia đình tan nát vì những đứa con hư đã âm thầm uống thuốc sâu tự vẫn. Chồng chết, mọi gánh nặng trần gian trút hết lên vai bà.

Suốt thời tuổi trẻ bốn thằng con trai của bà chìm đắm trong rượu nên tinh thần của chúng ngày càng bất ổn, "lúc người lúc ma". Lên cơn mà không có tiền mua rượu, trong nhà có thứ gì giá trị chúng mang đi bán, thậm chí nồi nấu cơm chúng cũng thẳng tay bán cho ve chai sắt vụn kiếm vài ngàn mua rượu.

Chỉ vài năm tàn phá, căn nhà còn mỗi chiếc chiếu rách và mấy cái bát sứt mẻ không ai mua. May mà kéo lại được ba cô con gái bình thường tỉnh táo nhưng duyên tình thì gập ghềnh trắc trở. Người con gái thứ 5 đã chạm mốc 40 mà vẫn chưa có anh nào nhòm ngó. Cô bỏ nhà lên thành phố ở đợ từ năm 19 tuổi và cũng năm thủa mười thì mới về nhà một lần.

Căn nhà cấp 4, nơi chứng kiến sóng gió gia đình vì những đứa con điên.  

Thấy cảnh nhà tan hoang, anh em ngây ngất suốt ngày nên chỉ vài tiếng ở nhà cô lại đi. Cô gái út bén duyên từ sớm, có chồng sinh được đứa con thì chồng hiện nguyên hình là một tay cờ bạc nức tiếng. Chán quá, cô ôm con về nhà mẹ đẻ giao trắng cho bà Bông. Còn cô nữa lấy chồng xa có vẻ êm ấm hơn vì chưa thấy ôm con cắp quần áo về nhà.

Lời ầu ơ ru cháu của bà Bông bị ngắt đột ngột bởi tiếng quát hằn học của cậu con trai Hai Hùng: "Con dao bà giấu ở đâu sáng giờ tui tìm không thấy…?". Bà lật đật bỏ cháu khóc trên võng tìm dao để Hai Hùng đi chặt dừa cho người ta kiếm vài đồng mua rượu. Chỉ lên mảng tường nhà sứt mẻ loang lổ, bà thở dài: "Đấy, nó chém nát hết nhà rồi. Chỉ thiếu mỗi người là nó chưa chém thôi".

Uất ức nghẹn lên đến cổ, bà Bông khóc nức nở. Bà buột miệng: "Chúng lên cơn thì không có cách nào bằng bỏ chạy thoát thân. Bốn thằng con ùa vào đánh mẹ, vài lần nó cầm dao đuổi tôi chạy thục mạng". Cuộc sống tối tăm, buồn khổ của người mẹ già trong một gia đình toàn người nghiện rượu và tâm thần cũng đến một ngày tận cùng của bi kịch. 

Huynh đệ tương tàn

Trong số những người con trai của bà Bông, Đỗ Văn Phụng (SN1976) là người nghiện rượu nhẹ hơn cả và chưa có dấu hiệu bị thần kinh. Tinh thần tỉnh táo, có chút suy nghĩ nên trong một lần anh trai Đỗ Văn Mến (SN 1971) cự cãi với mẹ, Phụng cho đó là hỗn xược nên nhảy vào chửi bới, lăng mạ anh trai. Có chút men rượu, Mến cầm khúc cây ném thẳng vào đầu Phụng. Sau lần đấy, Phụng bị chấn thương sọ não phải khâu 7 mũi trên đầu.

Sau chấn thương, Phụng nửa tỉnh nửa mê, người tưng tửng suốt ngày. Dù không rượu nhưng lên cơn là Phụng đập phá đồ đạc, vác hết chăn màn quẳng xuống mương nước.

Đỗ Văn Mến là con trai duy nhất trong 4 người con của bà Bông lấy được vợ. Vợ Mến vì không chịu đựng được cảnh sáng sỉn chiều say, tối loay quay của chồng nên đã bỏ nhà đi, để lại đứa con trai mang gen của cha. Vợ bỏ đi, Mến ngày càng ngập ngụa trong rượu, gã còn có tật say xỉn ngủ bờ ngủ bụi rồi về nhà bắt mẹ tắm rửa sạch sẽ mới chịu lên giường.

Phụng từ ngày mang thương tật do anh trai gây nên đã luôn ấp ủ hận thù, trong lòng nung nấu cơ hội trả đũa. Trong một lần "chén chú chén anh" tại nhà người chú, Phụng và Mến đã đấu khẩu kịch liệt với nhau. Phụng cho rằng anh trai không giúp gì cho mẹ còn hay làm khổ bà, là gánh nặng của bà. Tự ái lên cao, Mến vùng dậy lao vào Phụng định sống mái với thằng em một phen nhưng được mọi người can ngăn nên bất thành.

Đỗ Văn Phụng, hung thủ giết anh trai bị tâm thần.

Cuộc nhậu tiếp tục, Phụng lại moi chuyện cũ ra chì chiết, khinh rẻ Mến rồi vác thanh gỗ trên đầu giường phang thẳng vào người anh trai. Chính quyền địa phương có mặt đưa Phụng về trụ sở giải quyết. Mến bị đánh vào đầu nhưng không chảy máu, vẫn tỉnh táo nên ngồi nghỉ một lúc thì tự ra về, đến giữa đường Mến lăn đùng ra ngất xỉu. Bà Bông đi chợ về thấy con nằm lăn quay bên vệ đường nghĩ bụng chắc lại say sỉn ở đâu vác xác về đến đây. Bà lôi Mến vào nhà đi mua thuốc giải rượu thì không thấy Mến nhúc nhích, người lạnh tanh. Mến đã tử vong từ bao giờ. Cơ quan giám định pháp y kết luận: Mến tử vong vì chấn thương sọ não. Phụng bị cơ quan Công an bắt khẩn cấp, sau đó bị tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên án tù chung thân. 

Cùng lúc chứng kiến một đứa con về với đất, một đứa vào tù, bà Bông ngất lên ngất xuống. Nước mắt người mẹ già không còn đủ để rơi cho bao nhiêu bi kịch đổ ập xuống phận người. Nghiệp chướng vẫn chưa buông tha bà Bông, sau ngày Mến qua đời, thằng con trai của Mến để lại cho bà cũng bị tâm thần nặng, suốt ngày la hét, khóc lóc, đập phá đồ dùng của hàng xóm. Bà Bông phải dùng dây xích trói cháu nội vào cột nhà, khi nào hết cơn mới thả ra. Con trai cả Hai Hùng tính nóng như lửa, lại tưng tửng nên thấy cháu lên cơn, y luôn miệng hét: "Giết chết nó đi cho đỡ khổ". Bà Bông sợ có án mạng lần nữa nên đã ngậm ngùi gửi cháu vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai).

Sóng gió bao trùm nửa đời người mẹ già, con trai chết, con đi tù, cháu ở bệnh viện tâm thần, giờ căn nhà đã bớt tiếng chửi rủa, la hét nhưng chưa đêm nào bà Bông có giấc ngủ trọn vẹn. Bệnh tật tuổi già nhiều năm không được chữa trị khiến chân bà không thể đi lại nhiều, gia đình trông cả vào 2 công đất vườn dừa.

Trông cả vào Hai Hùng bị tâm thần nhẹ làm mướn bằng nghề trèo dừa, nhưng nó chưa ngày nào nuôi được mẹ bữa cơm, nó luôn ngửa tay xin tiền bà đi uống rượu và đánh bạc. Bà con chòm xóm ai cũng thương cho bà Bông, như thân cò lặn lội đêm hôm, như kiếp tằm tằn tiện nhả tơ. Họ giang tay che chở cho bà mỗi khi ông con trai cầm dao rượt đuổi và chia sẻ cùng bà những khó nhọc trong cuộc sống.

Ông Trần Văn Chính, Trưởng ấp An Thuận cho biết: "Gia đình bà Bông toàn người bệnh, thu nhập bấp bênh nên chính quyền xã trợ cấp cho ba người con bệnh tâm thần 270 ngàn/người/ tháng".

Số tiền ấy bà Bông không dám dùng vào việc gì, bà nhịn ăn nhịn uống để dành rồi khăn gói vào trại giam thăm con và mua đồ gửi xuống bệnh viện tâm thần cho cháu. Nhìn trước ngó sau mắt bà Bông lại đổ lệ, bà đau đớn lắc đầu, nghẹn ngào: "Không biết đời tôi còn khổ đến bao giờ…?".

Ngọc Thiện
.
.
.