Vĩnh Phúc triển khai thí điểm ký số, phát hành văn bản điện tử

Thứ Sáu, 31/05/2019, 08:13
Từ ngày 20-5-2019, Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thí điểm việc gửi, nhận các văn bản có sử dụng chữ ký số trên Trục liên thông Quốc gia (trừ văn bản mật) trong hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn.


Thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước và Văn bản số 2887/VPCP ngày 9-4-2019 của Văn phòng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia, từ ngày 20-5-2019, Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thí điểm việc gửi, nhận các văn bản có sử dụng chữ ký số trên Trục liên thông Quốc gia (trừ văn bản mật) trong hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn.

Đối với văn bản của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh gửi Tỉnh ủy; HĐND tỉnh thực hiện gửi song song văn bản điện tử và văn bản giấy. Đối với văn bản của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh chỉ gửi văn bản điện tử. Các loại văn bản áp dụng gồm: Văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định của UBND tỉnh) và văn bản hành chính (Chỉ thị, Quy chế, Quy định, Thông báo,…).

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc tăng cường nguồn lực phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… giải quyết công việc thông qua mạng Internet. Đây là những nội dung quan trọng trong cải cách hành chính của tỉnh.

Vĩnh Phúc giao Trung tâm Hạ tầng Thông tin thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, duy trì hoạt động cả hệ thống thông tin, quản lý hoạt động Cổng dịch vụ chung của tỉnh và đảm bảo đường truyền dữ liệu thông tin.

Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu cơ bản trong cải cách hành chính là đẩy mạnh cải cách theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Đến nay, 100% các ban Đảng, Đảng ủy trực thuộc, tất cả huyện, thành phố trong tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ kết nối mạng diện rộng thông qua đường truyền tốc độ cao; tỉ lệ cán bộ chuyên môn cơ quan Đảng cấp tỉnh được trang bị máy tính đạt gần 100%...

Nguyễn Trọng Lịch
.
.
.