Tăng “sức đề kháng” cho người dùng trước vấn nạn tin giả

Thứ Hai, 13/01/2020, 09:40
Sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của mạng internet trong kỷ nguyên kỹ thuật số khiến thông tin được chia sẻ, lan truyền một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh dòng chảy tích cực, không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều rủi ro do tính thiếu xác thực của thông tin.


Tại Việt Nam, người tham gia mạng xã hội ngày càng tiếp xúc nhiều với tin tức giả, chưa được xác thực, chưa được kiểm chứng. Làm thế nào để  nhận biết và ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật đã và đang là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Những ngày qua, sự việc một số đối tượng vi phạm pháp luật chống đối người thi hành công vụ khiến 3 chiến sỹ Công an hy sinh tại xãĐồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. 

Mặc dù đây là một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khiến người dân cả nước hết sức bất bình, phẫn nộ trước những hành vi coi thường kỷ cương phép nước, thế nhưng, trên mạng xã hội Facebook, một số tài khoản Facebook tung ra nhiều thông tin thất thiệt, đánh lạc hướng dư luận, làm sai lệch bản chất vấn đề…
Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội đang là môi trường thuận lợi cho tin giả. (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói, việc tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội không phải chỉ ở vụ Đồng Tâm. Trước đó, tin giả, tin thất thiệt cũng đã “tung hoành” trên mạng xã hội, nhất là ở các vụ việc nóng, được dư luận xã hội quan tâm. 

Mới đây nhất là vụ việc bé trai 6 tuổi bị tử vong trên xe đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Gateway. Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc điều tra thì trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin suy diễn, sai sự thật về vụ việc. Thậm chí, một số tài khoản Facebook còn tung tin đồn thất thiệt về việc tài xế lái xe đưa đón đã tự tử… 

Trước đó nữa, hàng loạt tin giả, thông tin thất thiệt cũng đã được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận như thông tin “máy bay rơi tại sân bay Nội Bài”, “Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần”, “giả mạo văn bản của TP Đà Nẵng nhằm tạo “sốt đất”, giả mạo thông báo của Cục Hải quan bán xe thanh lý, phát tán thông tin không chính xác về dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương... 

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về tin giả, động cơ của tin giả là vì tiền, vì lý do chính trị, làm rối loạn xã hội, làm mất uy tín báo chí chính thống hoặc vui đùa quá trớn. Đặc biệt, tin giả ngày càng được thực hiện một cách tinh vi, chuyên nghiệp. Trong đó, các đối tượng tung tin giả thường dựa vào những sự kiện thời sự nóng bỏng để bịa đặt thông tin; từ câu chuyện thật nhưng giật tít sai sự thật, nội dung khác đi.

Theo số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Tập đoàn Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. 

Các chuyên gia an ninh mạng của Bkav phân tích, bản chất của việc tin tức giả mạo tràn lan cũng tương tự như sự lây lan của virus máy tính, đó là tấn công vào sức đề kháng của người dùng. 

Phía Bkav khuyến cáo, người dùng mạng xã hội cần xây dựng cho mình khả năng “đề kháng” trước các thông tin giả mạo, bằng cách biết đặt ra nghi vấn, tốt hơn nữa là chủ động kiểm chứng khi nhận được thông tin từ nguồn không tin tưởng. Nếu không trang bị được sức “đề kháng” tốt, gặp thông tin giả mạo người đọc sẽ dễ dàng tin tưởng, thậm chí còn chia sẻ gây ra những hậu quả khôn lường.

Đại diện Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: 

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của Bộ đã phối hợp yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật kích động bạo lực trên các nền tảng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube (Google). 

Tuy nhiên, thực tế chỉ có Google và YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ và rút ngắn thời gian từ khi cơ quan Nhà nước Việt Nam gửi yêu cầu đến khi gỡ bỏ các vi phạm. Riêng Facebook vẫn thực hiện theo quy trình cũ vừa mất thời gian, hiệu quả rất thấp. 

Chẳng hạn như đối với vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, TP Hà Nội, trong những ngày qua, các yêu cầu Bộ TT&TT gửi thì họ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, trong khi đó, với vụ việc chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm có những video livestream (phát trực tiếp) dài đến vài tiếng đồng hồ, kêu gọi bạo lực, nhưng họ vẫn làm theo quy trình cũ là dịch toàn bộ sang tiếng Anh sau đó đưa đi thẩm định thường từ 2 đến 3 ngày... 

Rõ ràng, với những vụ việc khẩn cấp, nghiêm trọng như Đồng Tâm, việc vẫn áp dụng cách làm quan liêu là không phù hợp, góp phần dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, để các đối tượng xấu phát tán các thông tin sai sự thật, kích động, khiến nhiều người hiểu sai; một số trang tin tiếng Việt ở nước ngoài lợi dụng vụ việc để kích động bạo loạn.

Đại diện Cục Phát thanh -Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho rằng, trong khi chờ đợi các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook thay đổi cách làm việc trong những tình huống khẩn cấp, tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam, người dân cũng cần tỉnh táo trước các tin giả, thông tin không được kiểm chứng tung ra với mục đích phá hoại sự ổn định của đất nước.

Chia sẻ thêm về vấn nạn tin giả và cách thức ứng phó, ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News cũng cho biết: Hiện các chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra một số cách thức giúp người đọc có thể phát hiện tin giả thông qua 6 bước. 

Bước thứ nhất là kiểm tra xem bài viết đến từ nguồn nào? 

Bước thứ hai là đọc kỹ trang giới thiệu để biết rõ ai đang vận hành website đó và người ta có nói rằng đây là trang châm biếm hay cố tình đăng tin giả không? 

Bước thứ ba là kiểm tra câu trích dẫn. Nếu bài viết trích dẫn lời một người nổi tiếng hoặc đến từ đại diện một cơ quan chức năng như sỹ quan cảnh sát, hãy thử dán câu đó vào công cụ tìm kiếm. 

Bước thứ tư là kiểm tra đường link bằng cách click vào các đường link trong bài viết và kiểm tra xem link có hoạt động không hoặc có từ nguồn tin cậy không? 

Bước thứ năm là tìm kiếm ảnh ngược với những hình ảnh và các sản phẩm khác trong bài viết. 

Bước thứ sáu là chậm lại. Nếu như câu chuyện quá hoàn hảo, quá hay tới mức khó tin hoặc khiến bạn có phản ứng xúc cảm mạnh mẽ thì hãy tỉnh trí lại một chút. 

Ngoài 6 bước này, có thể tham khảo thêm một số kinh nghiệm thực tiễn khác như thận trọng nếu các trang tin tức nổi tiếng không thông tin về câu chuyện này; những tên miền kỳ cục thông thường đưa ra những tin kỳ cục và ít khi đúng sự thật; thiếu tên tác giả cho thấy câu chuyện cần thẩm định.

Hùng Quân
.
.
.