Tăng cường hậu kiểm đối với các vi phạm trên mạng xã hội
- Cạm bẫy trên không gian mạng: Tung tin thất thiệt, hậu quả nhãn tiền
- Tung tin thất thiệt trên mạng: Từ “câu like” trục lợi đến bất nhẫn1
- Tung tin thất thiệt lên facebook, mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có Văn bản số 3108/BTTT-VP trả lời kiến nghị của cử tri Bình Định gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV về việc tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề nóng đã và đang được cử tri và dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Theo Bộ TT&TT, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu, vi phạm pháp luật như tham mưu cho Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý internet và thông tin trên mạng; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
Sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử để nâng cao trách nhiệm của người dùng mạng xã hội ( ảnh minh họa). |
Bộ TT&TT đã chỉ đạo thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin thất thiệt, phản động, kích động bạo lực, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm uy tín các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội.
Từ năm 2016 đến tháng 8-2019, Thanh tra Bộ và các đơn vị chức năng đã xử lý 130 trường hợp vi phạm thông tin sai sự thật, xâm phạm đời tư… xử phạt hành chính bằng tiền đối với 85 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng; cảnh cáo 3 trường hợp, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 trường hợp; thu hồi 10 thẻ nhà báo có sai phạm.
Chỉ đạo các Sở TT&TT đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, điển hình là việc xử phạt hành chính đối với các cá nhân thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi gây hoang mang dư luận.
Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý hành vi vi phạm, đặc biệt là trên mạng xã hội. Trong trường hợp không xác định được thân nhân của các tổ chức, cá nhân vi phạm, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook… thực hiện biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016. Cùng với đó, sử dụng các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn phát tán thông tin vi phạm; chủ động đàm phán, quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới buộc các doanh nghiệp này phải nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm, thông tin xấu độc khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam; xây dựng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm tự động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng; triển khai các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của các thông tin xấu độc trên các website, mạng xã hội có tên miền quốc tế đặt máy chủ tại nước ngoài.
Bộ TT&TT cũng đã thiết lập sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát, báo cáo, ngăn chặn các nguồn tiền chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp được chuyển đến Facebook và Google.
Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung một số quy định và giải pháp như xây dựng đầu mối tiếp nhận, quy trình xử lý tin giả; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dùng mạng xã hội; thúc đẩy xây dựng mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ.
Đặc biệt là tăng cường phối hợp, phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh, chính trị, kinh tế và kỹ thuật.