Sinh viên sáng chế “bàn tay robot” giúp người khuyết tật
Dết kể, em đã sử dụng công nghệ in 3D để chế tạo ra mô hình có cấu tạo và hình dạng được mô phỏng theo bàn tay người thật. Các ngón tay có thể chuyển động linh hoạt và thực hiện các thao tác cầm nắm dễ dàng nhờ được cố định bằng chốt đàn hồi.
“Bàn tay robot hoạt động theo nguyên tắc điều khiển bằng lực được tạo ra từ phần cơ của cánh tay bị mất thông qua cảm biến áp suất. Khi cảm biến áp suất nhận lực từ phần cơ ở cẳng tay thì sẽ truyền tín hiệu lực đến bộ vi xử lý, lúc này động cơ sẽ kéo dây và các ngón tay nắm lại. Nhờ đó, người sử dụng có thể thực hiện được các động tác cử động theo ý muốn”, Dết giải thích.
Đặc biệt, phần khung bàn tay được làm từ chất liệu nhựa in 3D và sử dụng các chốt nhựa dẻo đàn hồi để kết nối các đốt ngón với bàn tay, nhằm thuận tiện hơn trong cử động co duỗi, cầm nắm. Ngoài ra, sản phẩm này được thiết kế sử dụng pin ngoài, người dùng có thể sạc pin để sử dụng.
Em Ngô Văn Dết cùng mô hình “bàn tay robot”. |
Giải thích cho việc nảy ra ý tưởng chế tạo bàn tay robot giá rẻ, Dết tâm sự, vì nhiều lần chứng kiến những người khuyết tật xung quanh mình gặp quá nhiều khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, chưa kể giá thành của các bàn tay hỗ trợ cử động ở nước ngoài lại cực kì cao, trong khi thu nhập của người khuyết tật đa số rất thấp nên khó mà tiếp cận được.
Từ đó, Dết mong muốn tạo ra một sản phẩm có chất lượng và tính năng tương đương, nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều để cho tất cả những người khuyết tật nghèo đều có cơ hội được sử dụng, giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt.
Dết cho biết, bàn tay robot đầu tiên mà em thử nghiệm tốn chi phí đến 6 triệu đồng. Qua bàn tay thứ hai, khi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, thì chi phí chỉ còn 3 triệu đồng. Dự tính, sản phẩm này đến tay người dùng thì giá ở khoảng 3-4 triệu đồng.
Ông Lê Quang Trọng (72 tuổi, trú tại thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cho hay, trước đây ông phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để mua bàn tay giả, tuy nhiên cử động vẫn không được thuận tiện lắm.
Khi thử nghiệm sử dụng sản phẩm của Dết, ông nhận thấy chất lượng cũng tương đương, thực hiện cử động khá dễ dàng mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều, vậy nên ông rất mong chờ sản phẩm này hoàn thiện và phát triển hơn…
Được biết, sáng chế “bàn tay robot” của Dết vừa đạt giải Nhì trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường do Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức.