Nga doạ huỷ dự án trạm vũ trụ quốc tế vì Mỹ

Chủ Nhật, 23/09/2018, 07:06
Nga doạ huỷ dự án xây dựng một trạm vũ trụ mới trên Mặt trăng cùng Mỹ, thay vào đó tự xây dựng một trạm riêng, vì căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nước.

ChannelNewsAsia ngày 21-9 đưa tin, cuối năm 2017, Nga đã đồng ý hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ trên quỹ đạo của Mặt trăng có tên Deep Space Gateway (Cánh cổng vào không gian) nhằm tăng cường khả năng thám hiểm không gian của con người.

Mặt trăng. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Cơ quan không gian vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin đã cho biết, Nga có khả năng sẽ rời khỏi dự án này mà thay vào đó sẽ tự lập chương trình trạm vũ trụ trên quỹ đạo mặt trăng của mình.

“Nga không thể đứng ở vị trí thứ yếu trong dự án này”, ông Rogozin nói với hãng tin Ria Novosti.

Trước đó, phía Nga từng tiết lộ đã thảo luận với Mỹ về việc sử dụng các tên lửa Proton-M và Angara để đưa tàu vũ trụ lên xây dựng cơ sở hạ tầng cho trạm không gian Mặt trăng. Dự án chung của Mỹ và Nga được lên kế hoạch bắt đầu đi vào thực hiện từ năm 2020, trong khi các mô đun đầu tiên của trạm sẽ được đưa lên không gian trong khoảng năm 2024 đến 2026.

Theo RT, Nga chịu trách nhiệm 3 mô đun quan trọng nhất cho trạm. Bao gồm cả hệ thống kết nối để đón các tàu khác khi dự án đi vào hoạt động. Bởi vậy, sự rút lui của Moscow có thể khiến dự án này bị đình trệ.

Thám hiểm không gian, bao gồm các sứ mệnh chung trên trạm ISS, dường như là lĩnh vực duy nhất mà Nga và Mỹ có hợp tác hiệu quả từ khi Washington áp đặt hàng chục biện pháp cấm vận lên Moscow. 

Tuy nhiên, với việc căng thẳng trong quan hệ hai cường quốc này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hợp tác trong lĩnh vực không gian giữa Nga và Mỹ có thể sẽ xấu đi trong tương lai gần, ảnh hưởng đến công cuộc thám hiểm không gian của nhân loại.

Thiện Minh
.
.
.