Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin:

Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin: Nguội ngắt!

Chủ Nhật, 27/12/2015, 09:08
Sau một năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về việc cho thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước, tuy nhiên, thị trường cho thuê ngoài dịch vụ CNTT vẫn chưa thực sự sôi động như kỳ vọng.

Sau một năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg về việc cho thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước, nhiều “đại gia” về CNTT đã có những đầu tư lớn cho lĩnh vực mới mẻ này. Tuy nhiên, thị trường cho thuê ngoài dịch vụ CNTT vẫn chưa thực sự sôi động như kỳ vọng. 

Theo các chuyên gia, chủ trương thuê dịch vụ CNTT nói chung và dịch vụ an toàn an ninh mạng nói riêng là chủ trương đúng đắn nhằm xã hội hóa các dịch vụ, huy động khả năng của các công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực an ninh mạng nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn với chi phí hợp lý.

Trong đó, 4 lợi ích dễ nhận thấy nhất từ việc thuê ngoài dịch vụ CNTT là vốn, thời gian, hiệu quả của hệ thống và con người. Việc thuê dịch vụ CNTT, đặc biệt là các dịch vụ về bảo mật, an toàn an ninh mạng sẽ giúp tạo ra thị trường cho các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp có thể cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt hơn, chi phí thấp hơn cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuê dịch vụ.

Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước mạnh dạn thử nghiệm loại dịch vụ mới này. Tiêu biểu trong số này có thể kể đến Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam “bắt tay” thuê ngoài các dịch vụ CNTT của Tập đoàn FPT để tiến hành việc bán vé điện tử. Với việc bán vé tàu qua mạng không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong việc mua vé mà còn hạn chế được tình trạng “cò” vé tàu, nhất là vào các dịp lễ, Tết...

Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thuê ngoài dịch vụ này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chưa có khung hành lang pháp lý cụ thể, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn khá chậm chạp trong việc ứng dụng CNTT và đặc biệt là tâm lý e dè với loại hình dịch vụ mới này.

Áp dụng CNTT để cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt hơn cho khách hàng. Ảnh minh họa.

Ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống thông tin FPT, một trong những nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài dịch vụ CNTT tại Việt Nam cho rằng: Khó khăn lớn nhất nằm ở nhận thức của bản thân "khách hàng", của các cơ quan nhà nước, của xã hội về việc thuê ngoài dịch vụ CNTT.

Họ thấy cần phải đi thuê ngoài hay không, có nhận ra những điểm lợi của giải pháp này so với cách thức vận hành quản lý hay không là cả một vấn đề. Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức, cơ quan nhà nước hiện vẫn theo lối tư duy "phải sở hữu, nhìn thấy, phải cầm, nắm thì mới an tâm", trong khi việc thuê dịch vụ CNTT thì chỉ tập trung vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu chính là cho phép người thuê sử dụng mà không sở hữu.

Đặc biệt đối với các dịch vụ thuê theo mô hình điện toán đám mây thì người dùng chỉ có thể truy cập vào sử dụng mà hoàn toàn không được nhìn thấy máy móc trang thiết bị, cũng không biết những hệ thống mình sử dụng đặt ở đâu, được vận hành như thế nào... Chính điều này đã tạo ra tâm lý e ngại cho nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp khi đi thuê dịch vụ CNTT.           

Huyền Thanh
.
.
.