Giấy có khả năng tự biến đổi hình dạng

Thứ Hai, 09/11/2015, 23:37
Những nhà khoa học tại đại học Donghua, Thượng Hải, Trung Quốc đã sử dụng graphene để làm ra một loại giấy cho phép nó có thể tự gấp nếp và biến đổi hình dạng dưới tác dụng của ánh sáng và nhiệt độ.

Theo thông tin ban đầu, các nhà khoa học đã sử dụng oxit graphene và polydopamine để tạo ra một cấu trúc nano có khả năng hấp thu và phân tách nước do đó loại "giấy" này sẽ thay đổi hình dạng khi có sự biến đổi về độ ấm, ánh sáng hay nhiệt độ.

Một đoạn video cho thấy, một miếng giấy nhỏ tự biến đổi hình dáng và thậm chí có những chuyển động như “đi bộ”. Một thí nghiệm khác là miếng giấy hình bàn tay tự động co duỗi để cầm nắm hay thả một vật nặng.

Thuộc tính mới này giúp những tấm giấy được tạo ra từ công nghệ trên có thể được điều khiển từ xa bằng cách sử dụng ánh sáng hoặc nhiệt độ, đồng thời giúp nó có rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp và đời sống.

Những nhà nghiên cứu cho biết, sản phẩm mới của họ có thể làm ra cơ nhân tạo, thậm chí robot hay cung cấp một phương pháp mới cho việc in ấn trên quy mô lớn.

Graphen hay graphene là tấm phẳng dày bằng một lớp nguyên tử của các nguyên tử cácbon với liên kết sp2 tạo thành dàn tinh thể hình tổ ong. Tên gọi của nó được ghép từ "graphit" (than chì) và hậu tố "-en" (tiếng Anh là "-ene"); trong đó chính than chì là do nhiều tấm graphen ghép lại.

Chiều dài liên kết cácbon-cácbon trong graphen khoảng 0,142 nm. Graphen là phần tử cấu trúc cơ bản của một số thù hình bao gồm than chì, ống nanô cácbon và fulleren. Cũng có thể xét một phân tử thơm lớn vô hạn, mà trong trường hợp giới hạn của họ các hidrô cácbon đa vòng phẳng gọi là graphen. Hai nhà khoa học Andrei Geim và Konstantin Sergeevich Novoselov khám phá ra graphen đã được trao Giải Nobel Vật lý năm 2010

B.N.
.
.
.