Viettel cung cấp giải pháp CNTT giúp Văn phòng chính phủ quản lý hồ sơ, văn bản

Thứ Ba, 12/03/2019, 17:54
Việc ứng dụng “văn phòng điện tử không giấy” tại Văn phòng Chính phủ (VPCP) tiết kiệm 1.100 tỷ đồng chi phí hành chính mỗi năm;  hàng năm hỗ trợ xử lý hơn 160.000 văn bản đến, phát hành hơn 30.000 văn bản điện tử và xử lý nhanh gấp 5 lần so với trước đây.

Ngày 12-3, tại Lễ khai trương Trục liên thông Văn bản Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp ký ban hành văn bản điện tử trên hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai, đánh dấu bước tiến mới cho cuộc cách mạng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp ký ban hành văn bản điện tử trên hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc do Viettel triển khai.

Hệ thống Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc (QLVB&HSCV) là hệ thống phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp bao gồm các nghiệp vụ: Quản lý văn bản đi đến, Quản lý trình ký văn bản, Quản lý công việc, Quản lý hồ sơ điện tử... Đây là hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ và công việc, thực hiện việc xử lý văn bản điện tử toàn trình từ trình ký, phê duyệt và ban hành văn bản điện tử.

Nắm bắt được tính chất công việc của VPCP là cần ban hành các văn bản chỉ đạo của Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương một cách nhanh chóng và bảo mật, đồng thời nhận các đề xuất cho lãnh đạo chính phủ ban hành văn bản quy định, hướng dẫn tới các Bộ ngành địa phương một cách kịp thời, sau sáu năm nghiên cứu những phát sinh từ thực tiễn, may đo phù hợp với đặc thù của hệ thống văn bản Chính phủ, sau khi nhận nhiệm vụ triển khai xây dựng hệ thống QLVB&HSCV từ Chính phủ, Viettel đã xây dựng thành công hệ thống đầy đủ các tính năng phù hợp với tính chất công việc của Chính phủ và các đơn vị.

Hiện tại, đã có 100% đơn vị (95/95), gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành kết nối hệ thống QLVB&HSCV.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp ký ban hành văn bản điện tử đầu tiên bằng giải pháp của Viettel vào ngày 12-3-2019. Việc ứng dụng “văn phòng điện tử không giấy” tại VPCP cũng giúp tiết kiệm chi phí hành chính bao gồm chi phí sao chụp văn bản, chi phí gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính,… lên tới 1.100 tỷ đồng mỗi năm. Gần xấp xỉ ngân sách nhà nước cho chi viện trợ.

Hệ thống QLVB&HSCV đã giúp thay đổi căn bản phương thức làm việc của cán bộ công chức VPCP trong các công tác quản lý, tiếp nhận, xử lý và ban hành các văn bản hành chính. Thay vì trước đây chỉ các giấy tờ xử lý cần phải đến văn phòng để thực hiện thì nay các văn bản  đều được điện tử hóa trên phiên bản Mobile, rút gọn quy trình xử lý văn bản lên đến Bộ trưởng. Bên cạnh các nội dung cần phê duyệt gấp có thể xem xét ở mọi nơi mà vẫn đúng quy định.

Chủ tịch Tập đoàn Viettel – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phát biểu tại Lễ khai trương Trục liên thông Văn bản Quốc gia.

Theo chia sẻ của Chủ nhiệm VPCP, đồng chí Mai Tiến Dũng, để xử lý văn bản thì bây giờ nhanh hơn gấp 5 lần so với trước đây.

Chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch Tập đoàn Viettel – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phát biểu: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng VPCP kết nối đến các Bộ, Ban ngành địa phương để xây dựng hoàn chỉnh mô hình chính phủ không giấy tờ trong thời gian ngắn nhất. Với tinh thần chủ động, quyết tâm, tiên phong, chúng tôi cam kết sử dụng nguồn lực tốt nhất, đầu tư công nghệ tiên tiến hiện đại để triển khai nhanh nhất mọi nhiệm vụ mà chính phủ giao phó.

Hệ thống QLVB&HSCV do Viettel triển khai đang được 700 cán bộ, công chức VPCP sử dụng mỗi ngày. Hàng năm, hệ thống hỗ trợ xử lý hơn 160.000 văn bản đến, hỗ trợ phát hành hơn 30.000 văn bản  điện tử. Hệ thống trở thành một công cụ cần thiết trong việc triển khai Chính phủ điện tử.

Theo thống kê hiện có 102 lãnh đạo từ cấp Cục/Vụ/Đơn vị đến Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng các thiết bị di động thông minh (Ipad) để điều hành công việc, phê duyệt giấy tờ. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm phiếu trình được ký duyệt qua các thiết bị di động thông minh này.
An An
.
.
.