Giải mã bí ẩn về “sinh vật ngoài hành tinh” ở sa mạc Atacama

Thứ Tư, 20/04/2016, 07:44
Sau hơn một thập niên tồn tại nhiều giả thuyết trái ngược nhau, cuối cùng điều bí mật về “xác ướp người ngoài hành tinh” phát hiện tại sa mạc Atacama, thuộc miền Trung Tây Chile ở Nam Mỹ đã được khoa học làm sáng tỏ.


Vào tháng 10-2003, nhà khảo cổ học người Chile Oscar Munoz tình cờ phát hiện ra một sinh vật được bọc trong một tấm vải trắng đã ngả màu, khô quắt như xác ướp gần ngôi nhà thờ hoang phế trong thành phố chết La Noria giữa sa mạc Atacama. Vật thể này dài 15cm, bằng kích thước một chiếc bút thông dụng, được giới khoa học gọi là Atacama Humanoid (hình nhân ở Atacama), cùng biệt danh là “Ata” để dễ phân biệt với các vật thể chưa xác định khác.

Hộp sọ quá khổ của “Ata”.

Những giả thuyết ban đầu cho đó là một hài nhi bị hủy bỏ, một cơ thể người có nguồn gốc ngoài hành tinh, hay một động vật thuộc loài linh trưởng... Rồi “Ata” bị chuyển nhượng qua tay nhiều người, cuối cùng thuộc về doanh nhân Ramon Navia-Osorio ở Barcelona (Tây Ban Nha), đương kim Giám đốc Viện Điều tra và Nghiên cứu các hiện tượng ngoài trái đất (IEE).

Đến năm 2009, Tiến sĩ y học người Mỹ Steven Greer, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu trí tuệ ngoài Trái Đất (CSETI) đưa ra giả thuyết được nhiều học giả tên tuổi khác hậu thuẫn rằng, “Ata” có nguồn gốc ngoài hành tinh, đã đến trái đất bằng vật thể bay không xác định (UFO) từ nhiều thế kỷ trước.

“Về mặt lâm sàng học, cho thấy Atacama Humanoid đã thực sự sống hàng thế kỷ trước - Tiến sĩ S. Greer quả quyết - Khoa học thật khó mà giải thích làm thế nào một sinh linh bé nhỏ có thể tồn tại được ở một vùng heo hút với khí hậu khắc nghiệt như vậy? Ngay cả trẻ sơ sinh với kích thước tương tự trong điều kiện chăm sóc y tế đặc biệt tốt nhất hiện nay, cũng khó mà sống sót nổi tới 6 tiếng đồng hồ; ngoại trừ đó là dạng biến thể của con người có nguồn gốc ngoài vũ trụ”.

Một nhà khoa học tại IEE đang lấy mẫu ADN từ tủy xương của “Ata”.

Nhân Ngày Trái đất (22-4) tới đây, một bộ phim tài liệu khoa học do Tiến sĩ S. Greer tài trợ có tựa đề “Sirius” (sao Thiên Lang) sẽ được khởi chiếu tại kinh đô điện ảnh Hollywood, rồi được đưa lên mạng Internet phát hành rộng rãi cho khán giả toàn cầu cùng mục kích.

Nội dung phim đề cập tới kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học danh tiếng của Trường Đại học Y khoa Stanford ở tiểu bang California (Mỹ), do Giáo sư Tiến sĩ Garry Nolan, Trưởng bộ môn Tế bào gốc thuộc Khoa Sinh học đứng đầu, được tiến hành từ đầu tháng 9-2012 tại IEE ở Barcelona. Qua phân tích ADN của “Ata” trong 6 tháng cho thấy đây là một sinh vật gần gũi với con người hơn là động vật linh trưởng. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu khác cũng đặt ra nhiều câu hỏi.

Ví dụ như thay vì có 12 cặp xương sườn như với cơ thể một người bình thường thì “Ata” lại chỉ có 10 cặp xương sườn đối xứng nhau; hay bộ da đóng vảy li ti cùng cái đầu to quá cỡ... “Tôi có thể nói chắc chắn rằng, mẫu vật nghiên cứu này không phải là một con khỉ, đó là sinh vật gần gũi với con người hơn cả loài hắc tinh tinh - Giáo sư G. Nolan cho biết trong phim - “Ata” đã sống đến độ từ 6 - 8 tuổi.

Rõ ràng là cơ thể cậu bé “Ata” đã tồn tại sự chuyển hóa trao đổi chất giống như một người bình thường. Câu hỏi lớn nhất còn lại là “Ata” có kích thước ra sao khi được sinh ra?...”.

Ngoài ra mục đích của bộ phim muốn nhấn mạnh đến tính liên tục trong sự xuất hiện của các vật thể chưa xác định, hòng kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ giải mật tất cả những gì đã biết qua các báo cáo về UFO và người ngoài hành tinh, nhằm mở đường cho việc khám phá các công nghệ tiên tiến thay thế những nguồn năng lượng vốn có trên hành tinh đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Trong một bài viết trực tuyến mới đây, Tiến sĩ G. Nolan cho biết thêm: “Không loại trừ “Ata” là hiện thân của chứng bệnh còi cọc do tác động từ sự đột biến gien, được một bà mẹ thuộc tộc người da đỏ bản địa sinh hạ và đã thiệt mạng trong thế kỷ trước”. Cuối cùng bản chất thực sự của vật thể “xác ướp có nguồn gốc ngoài hành tinh” đã được khoa học đưa ra ánh sáng. Sinh vật “Ata” đầy bí ẩn đã được giải mã!

Thu Hường (tổng hợp)
.
.
.