Công cụ giúp người dùng kiểm tra sự an toàn của Server dữ liệu

Thứ Tư, 20/02/2019, 08:55
Bkav vừa phát hành công cụ giúp các quản trị viên có thể kiểm tra sự an toàn của Server dữ liệu trước nguy cơ bị tấn công mạng từ tin tặc nước ngoài.


Cụ thể, công cụ đặc biệt trên vừa được Bkav phát hành miễn phí thông qua địa chỉ http://tools.whitehat.vn/online/84. 

Các quản trị viên khi muốn kiểm tra sự an toàn cho Server mình đang quản lý chỉ cần nhập địa chỉ IP vào ô quét trực tuyến. Quá trình kiểm tra sẽ mất một khoảng thời gian nhất định từ 3 đến 5 phút trước khi có kết quả. 

Trong trường hợp kết quả kiểm tra không bruteforce ra mật khẩu thì kết quả trả về là server an toàn. Quản trị viên sẽ có thể yên tâm phần nào về sự an toàn của Server. 

Nhưng ngược lại, khi kết quả kiểm tra bruteforce ra mật khẩu, tool sẽ cảnh báo server dễ bị khai thác bruteforce mật khẩu. Các quản trị viên cần khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ cho Server bao gồm thay đổi mật khẩu mạnh hơn cùng với đó cần tắt dịch vụ remote desktop cho máy chủ nếu không thực sự cần thiết.

Bkav cảnh báo nguy cơ mã độc nguy hiểm đang hoành hành tại Việt Nam

Trong trường hợp vẫn phải duy trì remote desktop, cần giới hạn quyền truy cập, cấu hình chỉ cho các IP cố định, biết trước được phép remote vào. 

Trước đó, một cảnh báo nguy hiểm được Bkav phát đi sau khi phát hiện một chiến dịch tấn công mạng sử dụng mã độc nhắm vào hệ thống của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam để tống tiền.

Theo cảnh báo của Bkav, chiến dịch tấn công mạng trên là của hacker nước ngoài với loại mã độc được phát hiện là một dạng mã độc có tên W32.WeakPass chuyên mã hóa dữ liệu của nạn nhân nhằm tống tiền.

Cách thức mà nhóm tin tặc nước ngoài thực hiện vụ tấn công mạng bằng cách rà quét các Server cài hệ điều hành Windows, tiếp đó chúng sẽ dò mật khẩu của những server này bằng cách sử dụng từ điển để thử từng mật khẩu (brute force). Khi mật khẩu của những server bị phát hiện, tin tặc sẽ đăng nhập hệ thống thông qua dịch vụ remote desktop, cài mã độc mã hóa tống tiền lên máy của nạn nhân. 

Các dữ liệu sẽ bị mã hóa bao gồm các file văn bản, file tài liệu, file cơ sở dữ liệu, file thực thi… Nạn nhân muốn lấy lại dữ liệu phải trả tiền chuộc cho hacker. Với mỗi nạn nhân bị dính mã độc này, tin tặc sẽ để lại một địa chỉ email riêng để liên hệ nếu muốn có được mã khóa để lấy lại dữ liệu.

N. C
.
.
.